Saturday, October 13, 2012

Vua Trần Nhân Tông

Trần Nhân Tông tên làm Khẩm, con trưởng Thánh Tông, sinh năm 1258, đúng năm Thái Tông và Thánh Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất.
Nói đến Trần Nhân Tông trước hết là nói đến người anh hùng cứu nước. Ông làm vua 14 năm (1279 - 1293). Trong thời gian ấy, đất nước Đại Việt đứng trước thử thách ghê gớm: hiểm họa xâm lược lần thứ 2 và thứ 3 của giặc Nguyên-Mông.
Trong 2 lần kháng chiến, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ "kết chặt lòng dân", lãnh đạo quân dân Đại Việt vượt qua bao khó khăn, đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi huy hoàng. Qua 2 cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức với đối phương, Trần Nhân Tông đã viết lên đuôi chiến thuyền 2 câu thơ đầy khí phách và niềm tin vào sức mạnh tiềm tàng của quân ta:

Cối kê cựu sự quân tu ký,
Hoan diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ,
Hoan Diễn đang còn chục vạn quân).

Hai câu thơ này cùng với hai câu Nhân Tông viết bên lăng Trần Thái Tông tại Long Hưng (Thái Bình) lúc làm lễ dâng tù binh mừng chiến thắng lần thứ ba:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai lần lao ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.)

đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên năm 1285 và 1288, trong đó Nhân Tông là vị chủ soái.
Khi nhìn nhận nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã giành được trong sự nghiệp cứu nước. Trần Nhân Tông đã đánh giá cao vai trò của nhân dân lao động (thời đó sử cũ chép là gia nô, gia đồng). Ông cho rằng chính họ mới là những người trung thành với đất nước khi có giặc ngoại xâm. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua (Nhân Tông) ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp gia đồng của các vương hầu tất gọi rõ tên mà hỏi: "Chủ mày đâu?" và dặn dò các vệ sĩ không được thét đuổi. Khi về cung, vua bảo các quan hầu cận rằng: "Ngày thường có kẻ hầu cận hai bên, lúc Nhà nước hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi".
Sau 14 năm làm vua, theo truyền thống của nhà Trần, Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, rồi làm Thái thượng hoàng và đi tu, trở thành Tổ thứ nhất phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Xét trên bình diện triết học, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Ông là một triết gia lớn của Phật học Việt Nam. Với phái Thiền Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông là người đứng đầu, triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam. Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trần Nhân Tông là tinh thần thực tiễn, chiến đấu, táo bạo. Sách Tam Tổ thực lục viết: "Một học trò hỏi Điều ngự Nhân Tông: "Như thế nào là Phật?" Nhân Tông đáp: "Như cám ở dưới cối". Hoặc, một lần học trò hỏi Nhân Tông: "Lúc giết người không để mắt thì như thế nào?" Đáp: "Khắp toàn thân là can đảm"...
Anh hùng cứu nước, triết nhân và thi sĩ, ba phẩm chất ấy kết hợp hài hòa với nhau trong con người Trần Nhân Tông. Về phương diện thi sĩ, ông là người có một tâm hồn thanh cao, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, tao nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch đương biên,
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiền man mác có dường không,
Theo lời kèn mục trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
(Thiên trường vãn vọng - Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Thơ Trần Nhân Tông, ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu, còn bao hàm một ý vị Thiền, gợi mở một thế giới tinh thần thanh khiết. Trong lịch sử thi ca Việt Nam, cây sáo thơ Trần Nhân Tông để lại một tiếng ngân trong đến thẳm sâu.
Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử, Đông Triều, Quảng Ninh.
Giáo sư Đặng Đức Siêu 
Nguồn: Vnthuquan

No comments:

Post a Comment

Popular Posts