Friday, October 26, 2012

Thơ tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị đứng đầu Nhà nước trong lịch sử Việt Nam có thơ mừng xuân chúc Tết đồng bào cả nước, hơn nữa dự báo, tiên tri về sự kiện trọng đại trong năm, vài năm hoặc chiến lược cách mạng Việt Nam hàng chục năm sau.

Tết năm 1941, vừa bước chân về nước, bài thơ đầu tiên mừng xuân Pắc Bó hùng vĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên tri sứ mệnh cao cả mà mình phải đảm nhận, lời thơ thật hào sáng: “Hai tay xây dựng một sơn hà”. Hồ Chí Minh về nước với hai bàn tay trắng, không có quân đội, không tiền bạc, không vũ khí, không có lực lội quân đội nước ngoài nào giúp đỡ nhằm tiêu diệt kẻ thù thực dân, phong kiến giải phóng đất nước.
Cuối năm 1941, tại hang Pắc Bó lạnh lẽo, heo hút trong rừng sâu, Hồ Chí Minh viết Lịch sử nước ta bằng thể loại thơ lục bát, bình dân truyền khẩu, đậm chất dân gian, dễ nhớ và cho in thời gian cụ thể nước Việt Nam giành độc lập, câu kết thúc ghi rõ:
“1945 Việt Nam độc lập”
Bốn năm sau tiên tri trở thành hiện thực, diệu kỳ hơn với sự khẳng định rành rẽ, cụ thể “Ta chỉ cần một điều:
“Toàn dân đoàn kết”.
Tết năm 1942, Hồ Chí Minh viết bài Năm mới, công việc mới, Người dự báo tình hình thế giới và vạch rõ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam:
“Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi giặc Pháp, Nhật, làm cho tổ quốc ta được độc lập tự do”.
Xét tương quan lực lượng, thời gian này trục phát xít đang giành nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận, nhiều quốc gia lần lượt bị thôn tính, vậy mà, Hồ Chí Minh viết thơ tin tưởng, tiên tri:
“ Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!...
Chúc Việt Minh ta càng lấn tới…
Cách mạng thành công khắp thế giới”
Bốn năm sau, lời tiên tri của Người trở thành hiện thực trong bối cảnh Việt Nam và toàn cầu.
Tháng 10 - 1944, Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình thế chiến lược của cách mạng thế giới và gấp rút vạch thời gian, nhắc nhở mọi người nhanh chóng chuẩn bị lực lượng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian gấp. Ta phải làm nhanh.”
Tính từ tháng 10 - 1944 đến ngày 2 - 9 -1945, đúng “chỉ ở trong” và không vượt quá thời gian Hồ Chí Minh tiên tri cách đó vài năm, nhằm kịp thời đón “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng” thật chính xác vừa tròn: “ một năm hoặc năm rưỡi nữa”.
Tết năm 1946, mùa xuân độc lập đầu tiên, gửi thư chúc tết đến đồng bào chiến sĩ lời thơ giản dị, dễ hiểu mà thâu tóm sự kiện lịch sử đất nước mươi năm sau: “Hôm nay là mồng một Tết, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”. Người tiên tri:
“ Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”
Hơn một năm kiên trì, tận tâm tìm kiếm con đường tránh chiến tranh, Hồ Chí Minh dành 3 tháng sang Pháp gặp gỡ, trao đổi với Chính phủ và mọi tầng lớp nhân dân Pháp thuyết phục, giãi bày tư tưởng thân thiện, hòa bình nhưng không thành.
Ngày 19 – 12 - 1946, đúng như lời dự báo đầu năm. Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, Chính phủ, các đoàn thể và lực lượng vũ trang lên Chiến Khu Việt Bắc theo đúng lời tiên tri dung dị, ngôn từ gần gũi, thiết tha “Ta tạm xa nhau” và gợi niềm tin “Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”.
Tết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chúc Tết như lời hiệu triệu hùng hồn “vang dậy non sông” và vạch chiến lược cách mạng trường kỳ kháng chiến nhưng có hạn định:
“Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông…
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Đầu năm 1947, trên đường lên Chiến Khu Việt Bắc , Người đặt tên cho tám chiến sĩ cận vệ và cũng là câu trong bài thơ Tết: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi dự báo tiên tri tám năm kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi (1947 – 1954).
Tết năm 1949, lúc này lực lượng quân đội trang bị vũ khí, tiềm lực kinh tế của chúng ta còn thiếu thốn, vất vả, chưa có những chiến dịch, trận đánh lớn, vậy mà trong thư gửi đồng bào, Hồ Chí Minh viết về ngày giành thắng lợi, thời gian cụ thể “Tôi trịnh trọng hứa với đồng bào rằng:…để mau mau giải phóng đồng bằng ra khỏi cảnh lầm than…Mà ngày giải phóng ấy sẽ không xa ….Tôi chúc đồng bào mạnh khỏe, cố gắng và sẵn sàng để đón tiếp ngày giải phóng vẻ vang”.
“Ngày giải phóng ấy sẽ không xa” là niềm tin luôn được đặt ra trong nhiều bài viết của Hồ Chí Minh.
Tết năm 1950, Hồ Chí Minh gửi Thư chúc mừng năm mới hoạch định chiến lược, xác định bước ngoặt quan trọng, năm bản lề của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xoay chuyển toàn bộ sự nghiệp tám năm trường kỳ kháng chiến. Người chỉ rõ “Trong năm 1950, cuộc kháng chiến sẽ bước sang giai đoạn mới…chuyển sang tổng phản công…năm mới chắc là một năm đại thắng lợi.”
Trong cuốn truyện ký “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, Hồ Chí Minh kể lại sự việc đi thị sát chiến dịch Biên giới (1950). Chuyện dẫn giải, lời kể hấp dẫn, gây hứng thú và đặc biệt câu kết thúc, Người viết thời gian hết sức cụ thể ngày giành thắng lợi: “Cuộc kháng chiến của chúng ta tuy rất gian khổ, nó có thể kéo dài bốn, năm năm nữa nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng lợi”.
Từ năm 1950 đến năm 1954, tính theo thời gian “cuộc kháng chiến của chúng ta” vừa đúng “bốn, năm, năm nữa”. Thật huyền diệu và kỳ lạ, Hồ Chí Minh tiên tri đúng thời gian và, không ngoài 8 năm kháng chiến.
Tết năm 1954, chuẩn bị bước vào trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các cán bộ và chiến sĩ nhân dịp Tể Nguyên đán: “Bác mong các chú nêu cao quyết tâm…Xuân năm nay thành mùa xuân đại thắng lợi”.
Hồ Chí Minh nhắc nhở trong bài thơ mừng xuân Giáp Ngọ: “Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam chủ trương kêu gọi, gửi văn bản đến chính quyền miền Nam và các nước liên quan, mong muốn nhân dân, chính quyền hai miền hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước bằng “phương pháp hòa bình”, nhưng không được chính quyền miền Nam trả lời. Không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh ra lệnh cho quân đội: “Sẵn sàng chiến đấu…”.
Hồ Chí Minh nhìn thấy quy luật của tạo hóa, điều phải đến đối với bản thân mình, và Tết năm 1968 (Mậu Thân) có điều khác lạ.
Tết năm 1968, Hồ Chí Minh viết bài thơ xuân khác thường, Người sử dụng âm vận khúc triết, minh bạch, nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ như lời hiệu triệu, âm vang mệnh lệnh, mong kết thúc sự nghiệp trường kỳ, giành thắng lợi cuối cùng:
“Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”.

Ngay sau khi nhận được tin diễn biến của cuộc chiến đấu trong những ngày Tết Mậu Thân (1968), không thể giành được như dự định.
Ngày 10-3-1968, (sau hơn 1 tháng) Hồ Chí Minh viết thư gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc lại ý định và tấm lòng trọn đờị: “Nhớ lại hồi Nô-en năm ngoái, chú có ý định khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn”.
Sau này, đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng cho biết trận đánh chiến lược trong Tết Mậu Thân (1968) là giai đoạn ta chủ trương “Nhằm kết thúc chiến tranh”.
Tết Dương lịch từ năm 1966 đến 1969, sau khi Tổng thống Mỹ ra lệnh đưa quân trực tiếp tham chiến vào chiến trường miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh đạo hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới có tầm nhìn tiên tri, chiến lược, hàng năm gửi thư chúc mừng năm mới tới nhân dân Mỹ tỏ thiện chí, gợi mở thiện tâm và trân trọng viết: “Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại…”.
Thời kỳ này, bóng đen chiến tranh tàn bạo và khốc liệt đang bao trùm mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, tưởng chừng không tìm ra lối thoát cho cuộc chiến tranh mang tính huỷ diệt dữ dội.
Ngày 7-1-1967, khi tiếp hai nhà báo Mỹ, trí tuệ siêu việt của Hồ Chí Minh nhìn xa trông rộng và tiên tri hàng chục năm sau: “Đối với các ông, các ông khó mà tin được rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí – nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta.”
“Xây dựng lại đất nước” đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Dốt thì dại, dại thì hèn” và “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy phải học hỏi những tri thức khoa học tiên tiến của các nước trên thế giới để đưa dân tộc sánh vai với các cường quốc.
Trả lời nhà báo U.Bơcset, Hồ Chí Minh nói rõ: “Chúng ta muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng đã có nhiều cống hiến cho khoa học…” lời lẽ chân thành, hàm nghĩa rộng và rộng mở cho con cháu, cùng phấn đấu đưa nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phát triển. Ngay từ năm 1946, trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ, Người mong muốn gửi thanh niên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu ở nước Mỹ.
Tết năm 1969, năm cuối cùng của cuộc đời, trong bài thơ chúc Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tương lai tốt đẹp, viết lời tiên tri, chúc Tết rộn ràng, âm điệu lạc quan, vang vọng:
“ Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào…
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn.”

Hồ Chí Minh dùng thể loại thơ lục bát, thuận miệng, dễ chuyển âm vận, thấm sâu vào lòng người, thật dung dị, chân thật mà minh triết tiên tri: “Mỹ cút - Ngụy nhào” và tất yếu: “Bắc – Nam sum họp…”.
“Mỹ cút” tình thế chiến lược quyết định nhằm kết thúc chiến tranh, khác với từ ngữ Hồ Chí Minh viết trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp cách đó hơn 20 năm: “Đánh qụy thực dân…”, “Khối liên hiệp Pháp sẽ tan tành”….Nhìn rõ tương quan lực lượng, Người không dùng những từ nặng nề, sáo rỗng, sự chuẩn xác đúng với hiện thực đã xảy ra “Mỹ cút” tất “Ngụy nhào”, hai mặt của một vấn đề, cặp phạm trù điều phải đến sẽ đến.
Thực vậy, sau khi chấp nhận sự thất bại trên chiến trường, Chính phủ Mỹ tuyên bố rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Hệ thống bộ máy chính quyền và quân đội ngụy quyền Sài Gòn mặc dù vẫn còn, đã bị “nhào” đổ nhanh chóng trước đòn tiến công chiến lược, táo bạo và thần tốc của các lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ máy ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn hỗn loạn, hoảng hốt, phần lớn bị bắt, khoảng vài nghìn bị tiêu diệt, một số chạy ra nước ngoài và đổ “nhào”, từ “nhào” được sử dụng trong câu thơ thật đắc địa hàm nghĩa rộng, đầy hình ảnh suy tưởng, diễn ra đúng như lời tiên tri trước đó dăm năm.
Trong trường kỳ lịch sử nền thơ ca Việt Nam, từng xuất hiện nhiều vị thiền sư, nhà thơ, nhà tiên tri có những bài, câu thơ mang tính dự báo, tiên tri. Hàng loạt câu thơ, bài thơ được ghi nhận là lời sấm truyền, sấm ký, câu sấm, dự báo, dự đoán, tiên đoán, tiên lượng, tiên tri…của các vị thiền sư Đa Bảo, thiền sư Vạn Hạnh, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… viết lời tiên đoán, tiên tri ghi trong sử sách, được chiêm nghiệm và biết bao bài viết, cuốn sách từng suy tôn, ca ngợi những câu tiên tri, lời sấm truyền về từng thời kỳ lịch sử dân tộc, trở thành hiện thực và được luận giải sau khi sự kiện xảy ra.
Các bậc tiên tri thông tuệ thường có cuộc đời “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” thanh tao, ẩn dật suy ngẫm viết dòng tâm huyết, chứng ngộ lẽ trời, đạo người, lưu bút cho muôn đời con cháu thấu tỏ, nhận thức sâu sắc về mối quan hệ biện chứng thực, ảo giữa con người xã hội và vạn vật thiên nhiên vũ trụ.
Khác với các bậc tiên tri tiền bối, Hồ Chí Minh ý thức được trọng trách cao cả của mình, Người duy nhất trong lịch sử Việt Nam ghi thành văn bản, viết những lời tiên tri nhằm phổ quát, định hướng chiến lược, nhắc nhở toàn dân, toàn quân cùng phấn đấu, giành thắng lợi với hiệu quả cao nhất, giảm số lượng thương vong, tránh hao tốn tiền của cho nhân dân, quân đội, mang lại giá trị nhân phẩm cao quý “Dĩ bất biến…” là Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ cho dân tộc. Hơn nữa, Hồ Chí Minh luôn tìm hướng thân thiện, hợp tác và khoan dung với các dân tộc trên thế giới. Với Người, không có kẻ thù trên cõi đời, phải chăng chỉ là chưa hiểu biết hết nhau và chỉ dạy:
“Quan sơn muôn dặm một nhà
Vì trong bốn biển đều là anh em”

Những bậc cao minh thường có linh giác gần gũi, trọn đời được làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất sớm đặt vấn đề: “Mùa xuân năm 1941…Bác Hồ đã tiên đoán ngày cách mạng thành công: 45, sự nghiệp hoàn thành” và Đại tướng nâng lên thành định đề triết lý, chúng ta cùng quan tâm và lý giải thấu đáo, ngọn nguồn: “Thực tế cùng với thời gian sẽ là nhà kiểm nghiệm nghiêm khắc. Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”.
Cố chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng – sau nhiều năm hoạt động bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấu hiểu hàng loạt bài thơ chúc Tết đầu năm của Người, nhận định và ca ngợi: “Thư chúc Tết của Bác Hồ gửi đồng bào và chiến sĩ…còn mang tính chất như những câu sấm, tiên đoán trước sự việc sẽ xảy ra.”
Hàng loạt bài thơ chúc Tết đầu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành niềm tự hào trong lịch sử thơ ca Việt Nam, vượt mọi tâm trạng, niềm vui, nỗi lòng và ẩn ước của con người xã hội, đạt tầm thức tiên tri thiên tài, định hướng chiến lược cách mạng hàng chục năm sau sẽ xảy ra.
Thời gian qua đi càng lắng đọng chân lý, sự thật lịch sử ngày thêm đầy đặn, chúng ta càng thẩm thấu, chiêm nghiệm tấm lòng một sự nghiệp, một con người Hồ Chí Minh bộc bạch vị thế:
“Bắc Nam sum họp một nhà
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”.

Câu thơ lục bát ngắn gọn, đa nghĩa, dễ hiểu, cụm từ “Cho người thấy mặt” phiếm chỉ ngôi thứ ba đông đảo, như thách đố một sự nghiệp đầy khó khăn, gian khổ, luôn tìm đến hòa bình, nhân ái, không muốn tổn thất sinh linh, mà chính tâm, tự hào và trải nghiệm “thì ta vui lòng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân và các dân tộc Việt Nam, có ý thức, ghi nhận và định hướng chiến lược cách mạng trong lời thơ chúc Tết hàng năm, ngôn từ hàm súc, chuẩn xác, tinh tế, đưa nền thơ ca lên một tầm thức, đỉnh cao, cảm nhận mới: “Thơ tiên tri – chúc Tết”.
Trong suốt giai đoạn chiến tranh cách mạng, vào giây phút giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất, hòa trong chuyển vận của đất trời, toàn dân Việt Nam luôn ngóng đợi, mong chờ lời thơ chúc Tết, tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cảm thức định hướng chiến lược cách mạng trong năm và nhiều năm sau đó.
Cùng với lời kết di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thanh thản gợi niềm tin qua câu thơ ngắn gọn, đúc kết một trường kỳ lịch sử đầy huyền thoại và là Tiên tri:
“Bao giờ Nam Bắc một nhà
Dân giàu nước mạnh thì Ta vui lòng”.

Từ thẳm sâu lịch sử, xuyên suốt mọi không gian, thời đại, “Dân giàu nước mạnh” là nguyện ước muôn đời và “dĩ bất biến…” của Hồ Chí Minh lão thực, minh triết và thanh thỏa: “thì Ta vui lòng”.

Lê Cường
Nguồn: thanhtanvien.com

No comments:

Post a Comment

Popular Posts