Friday, October 26, 2012

VĂN MINH LÀNG QUÊ VIỆT

Với nền kinh tế nông nghiệp, đời sống đầu tiên của Việt tộc khởi đi từ nếp sinh họat của làng, vì làng là cơ cấu văn hóa của nếp sống nông nghiệp. Làng là tập hợp của gia đình, gia tộc, thôn xóm chung một tổ chức hành chánh, tục lệ.
Làng Việt là một thực thể độc lập đã có từ lâu đời, nét đặc trưng của làng Việt là Tự Trị. Ðó là yếu tố nổi bật nhất để làng Việt có thể giữ được nhiều sắc thái Việt qua những giai đọan chống xâm lăng của văn hóa du mục Tây Bắc như Tàu và Tây.
Ðời sống dân du mục Tây Bắc khi đi vào sinh họat nông nghiệp , họ cũng biết tổ chức làng xã như ta, nhưng sự khác biệt vẫn do những yếu tố căn bản: Một đằng làng Việt của sắc dân bản địa có đời sống nông nghiệp định cư lâu đời nhất trên thế giới, còn làng Tàu thì có sinh họat pha trộn giữa tính chất của văn hóa du mục với văn hóa nông nghiệp bản địa, nên ta có thể nhận thấy sự khác biệt tiêu biểu giữa làng Tàu và làng Việt như sau:
Làng Tàu mới xuất hiện từ thế kỷ thứ 11, do chính quyền trung ương của Tàu nhượng bộ sự chống đối của các sắc dân bản địa. Ngược lại, làng Việt là hậu thân của Họ Hồng Bàng, có ngay từ trong nôi của nước Việt. Ðiểm này đã được minh chứng do khảo cổ đã khai quật được hàng trăm làng Việt cổ xưa trước khi Việt tộc tiếp xúc với Tàu.
1- Làng của Tàu thờ Hậu Tắc. Làng Việt thờ Thổ Thần hay Thần Làng.
2- Làng Tàu hội họp ở chùa. Làng Việt có đình làng. Ðình là Nhà của Làng Việt.
3- Tư tế của làng Tàu là Ban Bảo Thành. Làng Việt có Hội Ðồng Kỳ Mục.
4- Làng Tàu có thành lũy bằng đất. Làng Việt được bao bọc bằng những rặng tre dầy.
Như đã trình bày ở trên, nền Tự Trị xã thôn là một nét nổi bật của Làng quê Việt. Khi tiếp xúc với văn minh Tàu, Làng quê Việt vẫn cố lẩn tránh để bảo tồn văn hóa truyền thống. Năm 43, khi Mã viện thắng Hai Bà Trưng, nhận thấy làng Việt khác làng Tàu 10 điểm, liền ra luật bắt sửa đổi. Ta chỉ tuân theo bên ngoài, còn bên trong vẫn cứ xử dụng tục lệ Việt.
Ðến thời đại độc lập Ðinh, Lê, Lý Trần, sự tranh đấu di chuyển từ nhà nước Tàu sang nhà nước Việt. Vì tuy nước nhà đã độc lập, nhưng ảnh hưởng của nhiều năm lệ thuộc khiến vua quan ta vẫn còn bám víu vào những lề lối chuyên chế do Tàu để lại. Thời Tiền Lê, triều đình vẫn đặt xã quan, lập sổ đinh, điền để cai trị, hội đồng kỳ mục chỉ giữ vai trò tư vấn. Như vậy, nền tự trị xã thôn bị xâm lấn, dân vẫn chống đối và đến thời Trần Thuận Tôn(1338-1397) phải bỏ xã quan.
Khi nhà Minh đô hộ nước ta, tìm cách thay cơ cấu làng xã của ta theo Tàu: Mỗi gia đình phải có một sổ gia đình gọi là hộ thiếp, chia dân chúng thành từng lý, mỗi lý gồm 120 gia đình. Người đứng đầu là lý trưởng được cử lại hàng năm.Ðời Lê lập lại chức xã quan, chia dân chúng theo đinh mà không theo hộ, tuy có nới tay hơn, nhưng dân vẫn chưa lấy lại được nền tự trị xã thôn. Mãi đến đời vua Lê Thần Tôn và Lê Ý Tôn (732-1740) dân mới được quyền tự trị, bầu xã trưởng cho mình.Từ đấy, nền tự trị của làng quê Việt được duy trì.
Ðến triều Nguyễn, quan của triều đình bổ ra chỉ đến phủ, huyện , còn từ tổng trở xuống thuộc quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra trông coi mọi việc. Quá trình tự trị của Làng Quê ta lớn lên theo nền độc lập của dân tộc. Khi Làng Quê Việt phải đương đầu với Tây Phương, thực dân sửa đổi lại theo mẫu làng Tây của họ.
Làng Tây mới xuất hiện từ thế kỷ thứ 10. Trước đó, Tây Âu không có làng. Xã hội Tây Âu trung cổ có giai cấp phân biệt con người qua tài sản, dòng tộc rõ rệt, trở thành những định chế xã hội. Số người có tài sản và địa vị khoảng , còn lại là giai cấp nô lệ. Ðứng đầu là giáo sĩ, sau đó là quý tộc rồi đến lãnh chúa. Nô lệ không được kể là người, mà chỉ là đồ vật, người ta có thể mua qua bán lại, hay giết tùy ý. Ðịnh chế cực kỳ bất công, nhưng vì xã hội đã quá quen thuộc nên không ai cho là sai lầm, ngay cả có những dòng tu cũng có hàng chục ngàn nô lệ. Thánh Venise buôn nô lệ để lấy tiền xây cất đền thờ. Cả xã hội sống trên xương máu và mồ hôi lao động của giai cấp nô lệ, nên không có một nền triết học hay đức lý nào tìm cách giải phóng cho họ. Do đó tình trạng nô lệ thời trung cổ Tây âu kéo dài cho đến khi công nghiệp tiến bộ, người ta mới nới tay cho giai cấp nô lệ. Nô lệ trở thành nông nô, tuy vẫn vô sản. Nhưng được lãnh chúa giao cho đất để khai thác, và phải trả tiền thuê đất cùng làm dịch vụ cho lãnh chúa. Nông nô vẫn phải lệ thuộc vào lãnh chúa, sống tụ tập chung quanh lâu đài của lãnh chúa để làm binh lính khi cần, đặt dưới quyền một lý trưởng do chúa chỉ định. Nông nô là nô lệ của giai cấp lãnh chúa. Do sự bành trướng của công nghệ và thương mại, các lãnh chúa nghèo dần, và một giai cấp mới ra đời phát triển thị xã gồm số nông nô cũ với sự lãnh đạo cũng vẫn bất công tận nền tảng như cũ. Có điều từ hình thức sinh họat nông nghiệp chuyển sang công nghiệp. Sự cai trị dựa trên tài sản như sau:
- Nắm độc quyền đánh giặc để chiếm thị trường và nguyên liệu.
- Cấm lao công lập nghiệp đoàn.
- Quyết định số lương bổng.
Người nghèo không có quyền nào hết, vì quyền đầu phiếu dựa trên tài sản.Mỗi người được bỏ một hay nhiều phiếu tùy theo có một hay nhiều trăm tiền (centuric). Tóm lại, thị xã Tây có nguồn gốc và nền tảng tinh thần lẫn vật chất hoàn toàn khác biệt với làng Việt. Nên ta có thể nói, nếu theo kiểu sinh họat của làng quê Việt, thì Tây không có làng.
Người Pháp sang nước ta, mới đầu tưởng sự tự trị của làng quê ta là một lợi điểm cho việc chia để trị. Nhưng với thời gian, họ mới vỡ lẽ ra rằng Làng của Việt gắn liền với Quê, cho nên tinh thần kháng chiến mới mạnh để dân tộc ta có thể độc lập sau cả ngàn năm lệ thuộc Tàu. Và nhất là, Làng Quê Việt là ổ của Cách Mạng, là mầm ươm tình yêu đất nước, quê hương. Do đó, năm 1904, Pháp đưa hội đồng tề tuyển lưạ trong số điền chủ. Thế là Pháp đã tái lập cái thị xã Tây trên làng Việt.Ngoài Bắc, năm 1921 , Pháp thay Hội đồng kỳ mục bằng Hội đồng tộc biểu, với điều kiện người trong hội đồng phải là giầu, không can án, và tất nhiên phải được duyệt y do chánh sứ. Sự chống đối của dân sau đó làm giảm chút điều kiện, nhưng cuối cùng Pháp vẫn duy trì điều kiện tài sản, chỉ cho khôi phục hội đồng kỳ mục bên cạnh hội đồng tộc biểu. Do đó sự chống đối của dân với chính quyền thực dân để đòi quyền tự trị vẫn gia tăng. Cho đến năm 1941, thực dân đã phải mượn tay nhà vua để cải tổ lại bằng cách bãi bỏ cả hai hội đồng kỳ mục lẫn tộc biểu để sự thâu nhận được rộng rãi hơn. Nhưng đó là bề ngoài bên trong vẫn là lý trưởng được người Pháp chỉ định để nắm then chốt.
Sự chống đối vẫn tiếp tục cho đến khi Cộng sản tiếp nối con đường của thực dân và còn tước đọat quyền tự trị đến cùng cực: Nhân viên ủy ban hành chánh xã đều do tỉnh lựa chọn, trên tiêu chuẩn trung thành với đảng và nhà nước. Họ phát động những chiến dịch chuyển tình yêu gia đình sang nhà nước, và thực hiện những sự đấu tố rùng rợn giữa những người ruột thịt trong gia đình, những người cùng làng với nhau. Hành động này đã làm chấn động lương tâm của dân lành và phá huỷ toàn triệt nền tảng gia đình và nếp sống văn hóa làng quê Việt.
Phần trên chúng tôi mới trình bầy nét đặc trưng căn bản về hình thức sinh họat tự trị của làng quê Việt.
Một đặc tính nữa là nền kinh tế bình sản ở làng quê. Thể chế công điền, công thổ ở làng quê ta cho thấy đời sống dân được quân phân tài sản, ai ai cũng được có đất để cầy cấy .Ðến tuổi tráng niên là được làng cấp cho một số đất công đễ tự lự mưu sinh. Ngoài ra mỗi nhà còn có vườn rau, ao cá, chuồng gà, gốc mít để có thể tự túc. Sự chênh lệch giầu nghèo không đáng kể để có thể gọi là giai cấp như trong xã hội nông nô tây âu.
Ðặc tính quan trọng nữa là, sự áp dụng luật pháp rất uyển chuyển theo từng địa phương. Dân trong làng sống với nhau bằng những tục lệ truyền đời. Tục lệ là những lễ nghĩa kết tinh do những kinh nghiệm lâu đời nên đã thích nghi với hoàn cảnh, tiêu biểu cho quyền lợi của dân chúng, xóm làng. Tục lệ vì vậy hợp tình người và được người dân trong làng bảo tồn. Ðến nỗi có câu" Phép vua thua lệ làng". Thật thế, phép vua là pháp luật từ ngoài vào, từ trên xuống áp đặt dân phải theo, nó có tính chất lý trí cứng ngắc, không uyển chuyển và không thích hợp với những hoàn cảnh riêng của người dân. Do đó dân trong làng vẫn cảm thấy cần điều hòa luật của triều đình và tục lệ của làng quê để có cuộc sống thoải mái tự do để rồi còn thả mình trong những ngày hội hè đình đám lễ tết để vui trọn tuổi trời.
Như vậy, làng quê Việt từ ngàn xưa đã có tinh thần và thể chế dân chủ qua sự bầu cử các ban chức sắc, xã hội có phân quyền cho địa phương qua việc làng xã tự trị, là các căn bản sinh họat dân chủ của xã hội văn minh hiện nay.
Thêm vào đó ta còn nền kinh tế bình sản nên trong xã hội hố cách biệt giầu nghèo, quý tiện không thành giai cấp bóc lột, sự bất quân bình tài sản không cao - Ðiều mà cả hai xã hội theo nguyên tắc kinh tế tư bản và cộng sản cho đến nay không thực hiện được .
Các điều căn bản trên tuy rất giá trị, cũng chỉ là về các lãnh vực chính trị, kinh tế. Hơn một bậc nữa, là đặc tính của nền Văn Hóa Nhân Bản Tâm Linh Toàn Diện của làng quê Việt. Nền văn hóa nhân bản này xây trên nền tảng gia đình, chứ không xây trên cá nhân chủ nghĩa hay trên xã hội chủ nghĩa của Tây phương. Và cũng không là kiểu "đại gia đình" gò bó của Tàu. Nền tảng tiểu gia đình của Việt đã xây nên một xã hội mang lại hạnh phúc cụ thể thực tế cho người dân , mà con người vẫn giữ được lòng trung hậu với đồng bào, đất nước. Chính vì khi bình thường, con người được sống trong tình gia đình, tình làng quê đầm ấm. Có thể nói, người dân yêu làng quê của mình trước khi biết yêu quốc gia, dân tộc. Do đó làng là cái gạch nối giữa cá nhân và đất nước, cũng như gia đình là gạch nối giữa cá nhân và làng. Vì nhiều gia đình tập hợp lại thành làng.Vì có yêu gia đình nhiều mới yêu làng quê mình nhiều. Gia đình do đó là nền tảng của xã hội nông thôn dưới mái đình quê và trong lũy tre làng có cây đa bến nước con đò năm xưa.
Tóm lại, Làng Quê Việt với kinh tế bình sản, chính trị dân chủ, văn trị, lễ trị , tinh thần công thể trên nền tảng gia đình, đã dưỡng nuôi bao tình tự nhân bản và hạnh phúc cho người dân. Thật thế, mặc dù đời sống nông nghiệp không cao về vật chất, nhưng làng quê Việt đã là một môi sinh an bình, mỗi con người đều có cảm thức hòa hợp với vũ trụ, thiên nhiên, đất nước, và với nhau. Tình lân lý thiết tha, tình yêu trời yêu đất yêu người mênh mang. Ðến nỗi ai sau này dù có đi xa, vẫn cảm thấy thiếu thốn cái hương vị đầm ấm nơi làng quê mình, mà mơ được trở về. Hưởng lại những ngày hội, những mùa xuân thu tết nhất.
Ta thử xem tục lệ ăn tết ở làng quê xưa cũng khác xa ngày nay. Tết là từ chỉ ta mới có. Nó không phải là sự mừng một điều gì đó như ở các nước Tây phương. Tết chính nghĩa là Tiết, là tiết nhịp cùng đất trời. Vì vậy ta có tứ thời bát tiết đều được dân chúng ăn mừng. Thật ra còn có tới 24 cái Tết, tức là 24 cái tiết nhịp cần được chia sẻ với đất trời: Tiết Thanh Minh, Tiết Ðoan Ngọ. Thành ra những ngày Tiết ở Làng Quê trải dài quanh năm, con người không giầu có nhưng sống phong lưu, nhàn hạ, an hưởng tiết nhịp thiên nhiên, tham dự vui hòa cùng ánh sáng của trời trăng với các vì sao.
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè . . .
Rồi khi chỉ mời nhau ăn một miếng trầu thôi, miếng trầu đơn sơ vậy mà cũng là chủ đề của cuộc chuyện trò về nó:
Trầu bọc khăn trắng cau tươi
Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh
Ăn cho nó thỏa tâm tình
Ăn cho nó thỏa sự mình với ta . . .
Như vậy ăn không còn là ăn, hội hè lễ tết không là hội hè lễ tết, mà là cho nó thỏa những tâm tình giữa người với người, những chiều kích vô biên giữa con người nhỏ bé với tiềm thể u linh. Dân trong làng không chỉ là Dân. Mà còn là Nhân trong giao cảm với chiều kích bao la với thiên địa, với nhân tính đại đồng. Ðình Làng Quê và những ngày mùa của hội hè để tiết nhịp với thiên nhiên đã nghiễm nhiên trở thành môi sinh tâm linh an lạc của đời.
Tương tự, tục lệ Hát Trống Quân là một biểu thị chói chang cái cơ cấu vũ trụ của những lễ hội ở chốn làng quê. Trống Quân thường được tổ chức vào hai mùa Xuân-Thu. Ðó là hai mùa quân bình nhất về ngày cũng như đêm. Nơi tổ chức phải là dưới chân núi nơi có suối nước. Nếu không có núi sông thì cũng làm thay vào cửa phía Ðông Nam hay Nam. Rồi nơi hát phải đào một cái lỗ làm cái trống đất, trên có chăng dây thành cái trống trời cũng như làm biên giới giữa hai bè nam nữ đóng vai hai đạo quân. Còn khí giới thì là ca, vũ, toàn là những thứ có nhịp đôi. Cuối cùng là những đôi nào bị bắt thì sẽ sang qua sông, trao hoa cho nhau và hợp thân ngay trên nệm cỏ xanh (đạp thanh).
Vài thí dụ về hát trống quân:
Bè Nữ
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào
Bè Nam
Miếng trầu đã nặng là bao
Muốn cho đông liễu tây đào là hơn
Bè Nữ
Miếng trầu kể hết nguồn cơn
Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào
Bè Nam
Miếng trầu là nghĩa xướng giao
Muốn cho đây đấy duyên nào hợp duyên
Một thí dụ khác:
Bè Nam
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Bè Nữ
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Nam Kết
Ai về đường ấy hôm nay
Gửi dăm điều nhớ gửi vài điều thương
Gửi cho đến chiếu đến giường
Gửi cho đến chốn buồng hương em nằm.
Tính chất cơ thể của hát trống quân là miệng phải hát, tâm trí phải tác động để đối đáp, vì không được hát bài có sẵn mà phải tùy cảnh mà sáng tác lấy rồi hát lên tức khắc cho hợp với câu hỏi. Ý tứ trong câu hát phải đi từ xa tới gần, nói lên không úp mở, nhưng lại phải văn hoa, và đạt tới nghệ thuật hồn nhiên trong tình tự nam nữ.
Tây phương xưa hay dùng việc đấu gươm mà xử kiện: Ai thua là đuối lý, vì vậy mới có câu lý là lý của kẻ mạnh. Dựa trên sức mạnh mà quyết định, đó là lối xử sự của dân du mục, và là truyền thống của Tây phương, đưa đến xã hội trọng luật pháp sau này. Nhưng Ðông phương có Hát Trống Quân chỉ đấu tình, đấu ca, đấu nói và kết quả là hòa hợp hồn nhiên bên nhau như mùa Xuân đến tham dự vào hội sinh sôi nẩy nở của đất trời. 70% dân Tàu là gốc Việt, nên vì thế Kinh Thi của Tàu, một cổ thư thu thập các bài ca dao bình dân lại được mở đầu với những lời dân ca chan chứa hoa tình của dân gian với những tiếng hát Trống Quân, cũng chỉ là nói lên cái cảm thức hòa đồng cùng Nhất Thể vô biên của nền Minh Triết Việt.
Làng Quê cũng còn là nơi có Lễ Gia Tiên nơi con người phát huy trọn vẹn nhân tính mình qua Ðạo Hiếu. Thật vậy ta hãy xem cách đặt bài vị Văn Tổ trong Lễ Gia Tiên của Việt Ðạo (Bài vị là miếng gỗ to cỡ quyển sách, có chân đứng, trên viết tên người được thờ cúng). Lễ gia tiên có nhiều nơi trên thế giới cổ xưa, nhưng chỉ duy nhất cách sắp đặt bài vị của ta là nói lên khía cạnh đặc biệt của triết lý.
Ngũ Hành
Hỏa
Mộc Thổ Kim
Thủy
Lối đặt bài vị
Tổ
Tằng Văn Tổ Cao
Nỉ
Lối sắp đặt bài vị Cao, Tằng, Tổ, Nỉ (Cao: ông của ông; tằng: bố của ông; tổ: ông, nỉ: cha) theo khung Ngũ hành, giữa có một bài vị gọi là Văn tổ. Chính sự sắp đặt vĩ đại này đã nói lên được triết lý Việt ở đợt siêu hình. Cùng thờ tổ tiên, nhưng Văn tổ là vị Tổ không có thực, mà lại có vị trí ngay ở trung cung. Theo Ngũ Hành thì trung cung là nơi linh thiêng, mà mỗi hành ở ngoại vi phải lưu thông được ở trung cung thì mới linh nghiệm. Áp dụng lối sắp đặt bài vị vào triết lý Ngũ hành, tổ tiên ta gửi gấm cả một di chúc tinh thần cho con cháu: Trở về với bản ngã của mình. Thờ cái linh thiêng trong Tâm mình. Vì không có linh đức bản nhiên ấy, thì làm gì có con người linh thiêng nữa mà thờ.
Trải qua bao sự xâm lăng của các nền văn hóa trọng sức mạnh của du mục công thương Tây phương, chúng ta đã mất dần và gần hết các giá trị văn hóa cổ truyền. Ðời sống bon chen theo sức ép của vật chất đã làm chúng ta gần như kiệt lực. Làm sao lấy lại những niềm an vui, những mùa hội xuân của tâm hồn? Làm sao trở về cái không khí thanh bình hòa đồng cùng vạn vật vô biên? Làm sao cho có linh thiêng dấy lên trong cuộc đời vô vị?
Chốn Làng Quê xưa đã êm đềm đi vào dĩ vãng, một lần chào từ biệt ta giữa cõi tử sinh. Thế nhưng, còn có một cõi bờ sinh sinh, cõi bờ không còn thành thịnh suy hủy, cõi bờ của ý thức vô thường, cõi bờ của Ðạo Lý, không thể nào tận diệt. Minh Triết Hòa Ðồng cùng Trời Ðất, Vươn lên Tính Thể Ðại Ðồng.của những thể chế, phong tục, ca vũ, tế tự tâm linh nơi Làng Quê vẫn là những lý tưởng sáng soi những bước dựng xây cho nếp sống Nhân Chủ của thời hậu kỹ nghệ sau này. "Cải ấp, bất cải Tỉnh". Ðổi chỗ, nhưng không sửa Giếng (Kinh Dịch-quẻ Tỉnh, thoán từ). Giếng trong ao nước quê nhà vẫn ngọt ngào muôn đời dòng sống Tâm Linh. Mỗi khi kiệt sức với đời chạy đua hữu vi nơi văn minh thành thị, con đẻ của xã hội vật bản và bóc lột Tây phương, sao ta chẳng khơi mạch tìm nguồn về Giếng Việt mến yêu mà uống nước cam tuyền, bồi dưỡng miền tâm linh khô cằn cho đời viễn xứ. Không phải chỉ có mình chúng ta mới viễn xứ tha hương. Tiêu diệt nếp sống Làng Quê, linh hồn văn hóa Việt, anh em chúng ta cũng đang chịu cảnh cô đơn thiếu nguồn sinh dưỡng, đang ngày đêm bị con quái vật Cộng Sản cắn xé, chắc gan ruột cũng đau xót chín chiều.
Tình thương bể thắm lạ điều
Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào?
Giếng Thiêng ở trong lòng. Giếng Việt ở trong Tâm. Làng Quê Việt ở tại Tâm Thức An Vi biết vươn lên vượt thoát đời nô lệ của duy lý và duy vật. Tiếng hát Trống Quân có bài ca vũ Việt Thường ở trong mỗi giây phút Tĩnh Tâm cho Hư Vô một chỗ đứng trong đời. 
(Trích trong "Yêu Mến An Vi", cùng tác gia)
Đông Lan 
Nguồn: anviettoancau 

No comments:

Post a Comment

Popular Posts