Sunday, October 21, 2012

Phật tử nên tu theo pháp môn nào?

Tổng thống Obama 
Câu hỏi nêu trên không phải do tôi đặt ra, nhưng lúc đi thuyết trình về Thiền, có thính giả đặt câu hỏi “Thiền, Tịnh …chúng tôi nên tu theo pháp môn nào?”. Bài nầy sẽ tóm lược vài ý để góp phần trả lời câu hỏi rất thực tế vừa nêu.
Vài năm qua, nhiều chư Tôn đức Tăng Ni cố gắng khôi phục và phát huy pháp môn Tịnh Độ vì thấy xã hội (không riêng gì ở Việt Nam) đang suy đồi đạo đức trầm trọng, đồng thời cũng nhằm vạch một hướng tu cho người phật tử tại gia, nhất là những vị lớn tuổi, khỏi bị cám dỗ theo tà ma ngoại đạo.

Một vài nơi, đạo tràng niệm Phật hay tu Tinh độ thu hút rất đông quần chúng tham dự. Việc khuyến tu nầy rất cần thiết và cần được tán thán công đức.
Tuy nhiên, cũng có người nói, tu Tịnh độ có nghĩa là cầu vãng sanh. Mà tuổi trẻ, còn quá trẻ, chưa gì đã lo đến chuyện chết, chuyện siêu sanh. Thì phải chăng đạo Phật là đạo của người chết? Có thể vì thế, nên các đạo tràng quy tụ phần lớn là các cụ bà; ít cụ ông và ít tuổi trè.
Người khác còn thêm, muốn vãng sanh thì người tu phải “chán ngán cảnh giới Ta bà nầy mới có thể dốc lòng tiến tu. Và như thế, tu mới có kết quả”.
Trong cẩn trọng và chừng mực tôi muốn góp vài ý như sau. Kinh Di Đà, Phật có dạy “Nhược dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là không thể lấy nhân lành và phước đức nhỏ mọn mà có thể vãng sanh về Cực lạc được. Nói cách khác, người tu Tịnh độ không những không nên có thái độ yếm thế chán đời mà còn phải tích cực làm lành lánh dử, tạo duyên tốt với đồng loại chúng sanh mới mong siêu sanh cỏi Phật, chứ không phải chỉ có niệm Phật nhưng tâm và hành còn mang nhiều ma nghiệp mà có thể siêu sinh lúc lâm chung.
A Di Đà, có nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Lại gặp trở ngại nữa đây. Vô lượng quang, nếu được hiểu là ánh sáng vô lượng, thì sẽ bị chói mắt, hư mắt làm sao sống? Thật ra, vô lượng quang đối nghĩa với vô lượng tăm tối, nghĩa là vô lượng trí tuệ đối với vô lượng vô minh. Mà trí tuệ là thấy “đường”, vô minh bí lối.
Vô lượng thọ; sống lâu quá sẽ không có chỗ cho người khác sinh ra? Nạn nhân mãn tính sao? Sống lâu được hiểu là bất sanh bất diệt, có nghĩa là giải thoát khỏi vòng sinh tử.
Và vô lượng công đức, là làm các việc lành, giúp đỡ chúng sanh theo khả năng và hạnh nguyện, chứ không phải yếm thế chán đời. Tu cũng như các ngành nghề khác, ai ai cũng cần có nhiều sức khỏe, mới có thể thành tựu sự nghiệp. Mà Thiền được khoa học chứng minh, là có khả năng không những đem lại sức khỏe cho mọi người mà còn mang đến nhiều lợi ích thiết thực khác như phần trình bày dưới đây.
Ngày nay, khuynh hướng của tuổi trẻ là thích vui, thích thực tế, thích cái mới và mang tính khoa học. Do đó, phải chăng, song song với pháp môn Tịnh độ, chúng ta nên hướng dẫn Phật tử, nhất là tuổi trẻ, tu thiền. Hay cách hiểu thông thường là “Thiền Tịnh song tu”. Vì thiền, y giới và khoa học gia đã chứng minh: “Thiền có khả năng làm cho con người có hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, thông minh hơn, đẹp hơn*, sống sâu hơn, chống bệnh tật và lão hóa”. Đó là những khám phá và thí nghiệm lâm sàng có chứng minh, có hình ảnh cụ thể.
Tại Mỹ, Thiền được dạy trong bộ Quốc phòng, trong thể thao, trong các cơ sở giáo dục, văn phòng, hảng xưởng, trại tù v.v. Tổng thống Obama cũng ngồi thiền, cựu Tổng thống Clinton cũng ăn chay và ngồi thiền để chữa bệnh tim mạch.
Không những Thiền, mà Tịnh, Tụng kinh, Niệm Phật cũng có ích lợi như người tu thiền. Nhưng người Tây phương đã từng sống trong nền văn hóa ỷ lại, quỵ lụy van xin Thần (Thượng đế) ban cho mà không tự lực cánh sinh; không đứng thẳng trên đôi chân của mình. Do đó, họ thích bàn luận về Thiền và tu Thiền là vì thế.
Đặc ngữ của Tịnh độ có câu “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Lúc Thân Khẩu Ý thanh tịnh, thì Thiền và Tịnh giống nhau. Hoặc lúc niệm Phật mà có được nhất tâm bất loạn và lúc “Đối cảnh vô tâm thì không cần nói đến Thiền”. Điểm nầy cho thấy Thiền và Tịnh là anh em sinh đôi. Tâm Tịnh, mới có Độ Tịnh.
Tóm lại, Thiền - Tịnh - Mật hoặc bất cứ pháp môn nào của Phật cũng đều mang lại lợi ích cho người tu, tùy theo căn cơ, tuổi tác và môi trường của xã hội để chọn pháp môn. Và chư Tôn Đức Tăng Ni chắc chắn cũng vì hạnh nguyện của chúng sanh mà hoan hỹ hướng dẫn pháp môn tu học hợp với khế lý, khế cơ, khế thời để, và giới thiệu một pháp môn tu vừa hợp với tuổi và căn cơ chúng sanh, vừa hợp với thời đại khoa học và lợi ích thân tâm cho con người trong một xả hội còn cần rất nhiều sự cố gắng của tất cả dân chúng.

Hồng Quang
Theo: daophatngaynay.com

No comments:

Post a Comment

Popular Posts