Thursday, October 18, 2012

TÂM LINH VIỆT

Ảnh: Internet
Từ xưa, Việt tộc đã có phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các bậc thánh thần. Việc thờ cúng được người Việt truyền từ đời này sang đời khác. Có lẽ vì thế, người Việt từ thuở ấu thơ đã được sống trong một thế giới tinh thần đặc biệt thiêng liêng - là đời sống tâm linh.
Đời sống tâm linh được hiểu là những gì bắt nguồn từ cái thiêng liêng, huyền bí..., đặt trên nền tảng niềm tin về một đời sống tinh thần sau khi từ bỏ xác thân này... Người Việt tin rằng thế giới vô hình và thế giới hữu hình có sự liên thông. Việc thờ cúng là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình - con người trần thế và thế giới vô hình - vong linh cùng với thần linh trong vũ trụ. Đối với người Việt, con người chết chưa phải là hết: thể xác tuy mất, nhưng thần thức vẫn còn và hằng lui tới gia đình, quấn quýt bên người thân đang sống.
Người Việt tin rằng "trần sao âm vậy". Người sống ở dương gian thế nào thì người chết ở cõi âm cũng vậy. Sự hiệp thông giữa người chết và người sống hiện ra trong lúc người ta thắp một nén hương thành khấn. Nén hương và lòng thành quyện trong không gian, nối thần thức người sống với thần linh và với người đã khuất. Ở Việt Nam, trong một năm có nhiều ngày tế, giỗ tại gia đình, dòng họ, đình, làng, chùa, đền, miếu... Và có rất nhiều ngày lễ hội để tế thần linh, các anh hùng liệt sĩ có công với nước. Ngày cúng giỗ trong gia đình là ngày giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ ông bà. Những người thân thích họ hàng trong họ tụ hội làm cỗ cúng bái và tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Ngày giỗ của làng, dân tụ tập hội hè, tế lễ Thành Hoàng làng và các vị có công với làng nước.
Gần đây, nhà nước ta đã công nhận ngày giỗ Tổ Hùng Vương (l0/3âm lịch) là ngày Quốc lễ. Vào ngày này, dân Việt khắp nơi hội tụ về Phú Thọ làm lễ giỗ Quốc Tổ. Trong dân gian, cả nước có ngày rằm tháng bảy âm lịch là ngày cúng linh hồn thập loại chúng sinh, và còn là ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Người ta nấu cháo, rang bỏng ngô, gói vào lá đa mang vào chùa cúng lễ những vong hồn lang thang cơ nhỡ, chết đường, chết chợ…không có người hương khói phụng thờ. Trong các gia đình Việt ngày nay, ngoài thờ gia tiên, người ta còn thờ các vị thần tại gia như: Thần thổ công, vị thần trông coi gia cư, định hoạ phúc cho từng gia đình; Thần tài mang lại tài lộc cho gia đình; Tổ nghiệp, vị tổ khai sáng nghề…
Tại những nơi thờ tự công cộng, dân ta thờ những vị thần linh bất tử, trong đó các làng đều thờ Thành Hoàng làng là vị thần linh cai quản toàn làng xã, che chở và chống chọi mọi ác thần giúp mọi người sống an bình thịnh vượng. Phan Kế Bính viết: "Mỗi làng phụng sự một vị Thành Hoàng. Có làng thờ hai, ba vị, có làng thờ năm bảy vị - gọi là phúc thần".
Phúc thần là vị thần giáng phúc cho dân gian. Phúc thần chia làm ba hàng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Thượng đẳng thần là các vị giúp dân, giúp nước như: Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Trãi. . .Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần là các vị có công với dân làng được triều đình phong sắc. Ngoài ba bậc thần thánh trên, còn có yêu thần, tà thần. Đó là những người chết gặp giờ linh hoặc trẻ con chết oan, linh hồn không được bình yên, phải được thờ cúng, an ủi. Được thờ rồi, họ giúp đỡ mọi người sống khoẻ mạnh, may mắn.
Các vị thần nói trên được thờ cúng trong Đình, Đền, Phủ, Miếu, Điện... Ở các làng Việt nếu nơi nào còn có đủ Đình - Đền - Chùa, tức là nơi đó có đủ nét văn hoá tâm linh. Ngày nay, các linh hồn liệt sĩ được người Việt đưa vào thờ trong các đình, đền, chùa. Tên của các liệt sĩ được ghi trên bảng, có bát hương thờ riêng. Ngoài ra dân ta còn có miếu Sơn Thần, miếu Hà Bá, thờ thần núi, thần sông. Ở gần các bãi tha ma có miếu Cô hồn, thờ cúng những người chết không ai hương khói. Tất cả những việc thờ cúng trên đã kết thành phong tục Việt. Đó là một cõi tâm linh của người Việt. Điều này khá độc đáo, làm cho những người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam phải thừa nhận là "tín ngưỡng, phong tục, truyền thống". Nếu viết về văn hoá Việt mà không quan tâm đến cõi tâm linh này thì chưa thể hiểu được tâm hồn, sức sống của người Việt. Linh mục Léopold Cadière viết: "Người An Nam thờ cúng quỷ thần. Quỷ thần đây phải hiểu là vong linh tiên tổ mà mỗi gia đình đều thờ kính, là những vong linh mà hoàn cảnh khốn khổ khi thoát xác đã khiến họ trở nên độc, dữ, trở thành "yêu' "ma", nay cần được xoa dịu để họ khỏi tác hại cho kẻ còn sống. Người An Nam thầm tin rằng các hữu thể siêu nhiên luôn hiện diện bên cạnh họ cũng như chi phối họ. Gia đình với họ coi như một đền thờ lớn. Các thành viên còn sống đứng ở trụ làng, ở cổng vào. Lần lượt kẻ trước người sau, họ vượt qua ngưỡng cửa khủng khiếp, đi qua cửa sự chết, vào phần kia của đền thờ. Các mối dây đã liên kết họ trong cuộc sống, không bị cái chết tháo cởi" (Sách "Về văn hoá và tín ngưỡng người Việt" - trang 40).
Một buổi lên đồng tại Hà Nội
Ngày rằm tháng bảy âm lịch dành cho những âm hồn không biết phần mộ và ngày mất. Vì những âm hồn đó không được chăm sóc nên phải lang thang mãi mãi không yên. Nguyễn Du (1765 - 1820)  đã khóc những vong hồn Việt bơ vơ, chết mất tích vì chiến tranh:
"Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn, phách chiếc, lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa
                        Hồn mồ côi, lần lữa đêm đen ".

Chính số vong hồn mồ côi không nơi nương tựa còn rất nhiều sau cuộc chiến, đã thôi thúc người Việt đi tìm mộ liệt sĩ. Người dân cả nước đổ về các nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường Chín và trên bảy mươi nghĩa trang và các bãi chiến trường vùng Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, miền Nam tìm mộ liệt sĩ.
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, ở Việt Nam xuất hiện nhiều người có khả năng đặc biệt, tìm mộ từ xa. Số lượng các ca tìm mộ từ xa bằng khả năng đặc biệt đã lên tới hàng vạn. Địa bàn khảo nghiệm không chỉ ở khắp sáu mốt tỉnh thành mà còn sang cả nước ngoài như: Lào, Campuchia... Địa hình tìm kiếm phần lớn là hài cốt các liệt sĩ đã mất tích ở trong nghĩa trang, miền đồng bằng, rừng núi, biên cương, hải đảo, bãi sông, đáy ao, lòng hồ, dưới những bụi tre hoặc dưới móng công trình... Đã có hàng trăm nhà khoa học với thái độ khách quan, khoa học, trung thực, say mê, nghiên cứu sự kiện này. Các sách báo ở Việt Nam đã viết nhiều về đề tài ngoại cảm, tâm linh, thế giới siêu hình. Về khả năng ngoại cảm của con người và hiện tượng đi tìm mộ từ xa đang được các nhà khoa học giải thích. Nhưng về mặt tâm hồn Việt thì đây là đỉnh cao của phong tục chăm sóc mồ mả, thờ cúng tổ tiên, người thân đã mất. Đây là điểm toả sáng của cõi tâm linh Việt. Sau chiến tranh, hàng triệu người mất tích, việc tìm mộ người thân, mộ liệt sĩ là nhu cầu sự bức xúc của lương tri, tình cảm đối với những người Việt còn được sống.
Nay đã sang thế kỷ 21. Cõi tâm linh của người Việt đã được nâng lên, phong phú, đa chiều, có tính khoa học hơn, có thể có nhiều ứng dụng trong đời sống tinh thần của con người. Những năm gần đây, những tác phẩm của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương viết về khoa học tâm linh đã góp phần chứng minh và khẳng định đều này. Giáo sư cho rằng con người chết là chết về thể xác nhưng thần thức vẫn còn. Cõi tâm linh của người Việt giờ đây với chúng ta không còn là điều bí ẩn và xa lạ nữa! Việc lên đồng, cầu hồn những ngày gần đây tại Hà Nội đã khẳng định điều này.
Việc tin có đời sống tâm linh là một chuyện. Còn thực hành lại là một chuyện khác. Tin không chưa đủ mà còn phải thực hành. Ngày nay không thiếu người kinh doanh Thần thánh. Họ đầu tư vào một nhưng muốn lời mười…Thánh thần nào chứng kiến cho việc đầu tư này! Họ quên rằng ngôi nhà tâm linh ở trong mỗi con người.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts