Friday, October 26, 2012

Phong thái An Vi của Thằng Bờm

Thằng bờm có cái quạt mo
“Thằng Bờm có cái Quạt Mo,
Phú ông xin đổi 3 bò 9 trâu.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi 3 bè gỗ lim.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi ( 2 )  đôi chim ( ? ) đồi mồi .
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi Vắt Xôi Bờm cười!“

Xã hội ta ngày xưa là một xã hội nông nghiệp, dân chúng sống quây quần êm đềm trong các xóm làng sau lũy tre xanh qua hàng ngàn năm. 
  
Tuy có chế độ bình sản nhưng trong thôn xóm vẫn cò kẻ giàu người nghèo.    
Kẻ giàu đây là Phú ông, còn người nghèo là thằng Bờm. 
Phú ông có nhiều thứ tài sản, còn thằng Bờm thì ngoài cái quạt Mo không biết còn có những thứ tài sản nào khác nữa không? 
Chắc là chẳng có gì nhiều lắm, ngoài mấy sào ruộng công điền để canh tác mà sống độ nhật.
Theo quan niệm thông thường thì những kẻ giàu như Phú ông này thì sung sướng lắm, vì có quá đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống.
Sao lại có cái cảnh trái khuấy như thế này đây: Đáng lẽ thằng Bờm là kẻ nghèo đói phải đến với Phú ông để xin xỏ đổi chác lấy những  thứ cần thiết cho mình, đàng này Phú ông lại lần lượt đem hết mọi thứ tài sản của minh  tới cầu cạnh, năn nỉ với thằng Bờm để chỉ đổi lấy một cái quạt mo!
Ta hãy theo dõi 5 giai đoạn của sự đổi chác kỳ quặc này:

Giai đoạn I

Phú ông là kẻ giàu có tất nhiên phải có quyền thế, sao lại ăn nói rất đỗi khiêm cung với thằng Bờm là hạng người nghèo nhất trong thôn xóm, đề nghị lấy “ 3 bò 9 trâu “ của mình để “ xin “ đổi lấy “ 1 cái quạt mo “.     
Bò trâu là phương tiện sản xuất qúy giá nhất của nhà nông, chỉ 1 con bò hay 1 con trâu đã là vật qúy giá lắm rồi, đàng này lại đem đến cả 3 bò 9 trâu ra mà năn nỉ đổi chác.
Thật là một chuyện điên rồ của phú ông, vì làm như thế theo ta là quá dại dột.
Đáng lẽ Bờm ta phải vội vã chấp nhận ngay cuộc mặc cả, vì để có 3 bò 9 trâu, không nói gì Bờm mà cả đến nhiều nhà trung nông cũng không bao giờ trông mong có được; còn cái quạt mo thì khi nào muốn là có được ngay.
Quạt mo là cái bẹ lá của cây cau ( theo lệnh của vua Hùng , ngày xưa dân ta dùng quả cau, cùng với lá trầu không và vôi  để ăn trầu, từ đó dân ta có tục lệ  dùng trầu cau để làm vật cúng tế  cũng như trong việc thù tiếp nhau  ) bao bọc lấy bông cau , khi bông cau nở  thì  cái bẹ cau rụng xuống, người ta cắt lấy phần bẹ to lớn, bỏ lá đi, đem phơi khô cho cứng, ép lại cho thẳng, rồi cắt thành cái quạt .
Quạt được dùng để quạt cho mát khi trời nóng nực, đôi khi còn để đuổi ruồi muỗi nữa. 
Muốn có cái quạt mo, ta có thể qua nhà hàng xóm nào có cây cau mà xin bẹ cau về nhà làm lấy, không tốn của mà cũng chẳng tốn công bao nhiêu.
Giá trị và công dụng của cái quạt chỉ có thế.
Nhưng khi nghe Bờm trả lời Phú ông rằng Bờm chẳng đổi, làm ta ngạc nhiên, giọng điệu của Bờm làm như là cái quạt của Bờm qúy giá hơn nhiều!
Ta có thể nghĩ Phú ông đã điên rồ, còn thằng Bờm lại điên rồ hơn!

Giai đoạn II

Tưởng cái màn đổi chác đến đây là xong, nhưng Phú ông chưa chịu bỏ cuộc, ông lại đem đến đề nghị khác: là đem cái “ ao sâu cá mè “ mà đổi.     
Cá mè là thức ăn ngon và lành, một ao sâu nuôi được rất nhiều cá mè, ngoài việc luôn luôn có của ăn ngon,  còn có thể đem cá mè ra chợ bán lấy được nhiều tiền, để cho cuộc sống được ấm no .  
Có trâu bò thì phải chăn nuôi và làm lụng vất vả, còn  có được một ao sâu cá mè thì ngồi mà hưởng cuộc sống phong lưu nhàn nhã hơn.
Chắc lần này anh Bờm ta phải ưng thuận, nhưng rồi Bờm ta lại thưa rằng em chẳng!
Của ăn ngon như cá mè cùng phương tiện sinh lợi như ao cá cũng chẳng làm Bờm đổi ý!

Giai đoạn III

Có lẽ thái độ làm cao của Bờm làm phú ông tức khí,  ông quyết chí tìm cách đổi cho được chiếc quạt mo kia .
Lim là thứ gỗ rất qúy, gỗ này cứng như sắt, ( bois de fer  : iron wood ), nên là thứ gỗ dùng để làm nhà cao cữa rộng rất đẹp và bền, giá trị của gỗ này rất cao, một bè gỗ lim gồm nhiều cây lim kết lại để dễ chuyên chở trên sông, nên một bè gỗ lim này đã rất nhiều tiền, thế mà Phú ông lại đem cả “ 3 bè  gỗ lim “ , đủ để làm được một cái nhà lớn  ra mà quyết đổi cho bằng được.
Khốn nỗi! phú ông càng quyết chí thì Bờm ta lại càng ngoan cố , vẫn cứ một mực em không!

Giai đoạn IV

Sự bất qúa tam, tưởng thế là Phú ông bỏ cuộc, vì hầu như ông đã đem hết tài sản ra mà đổi rồi, ông bèn nghĩ cách khác, chắc thằng này không ưa những phương tiện sản xuất như trâu bò, phương tiện sinh lợi như ao cá cùng bè gỗ lim là phương tiện  kiến trúc mỹ thuật, thì  ta quay sang dùng đồ mỹ nghệ mà mặc cả cho được.
Ông bèn dùng tới  “ đồi mồi “, là con vật ngoài biển giống như con rùa, có  cái mai rất đẹp, người ta dùng cái mai này trang trí trên các vách tường trong nhà như là đồ mỹ nghệ qúy, nếu thằng này có óc mỹ thuật,  chắc nó phải bằng lòng.
Trớ trêu thay!  em chẳng đổi vẫn cứ em chẳng đổi!

Giai đoạn V

Lần này Phú ông lâm vào ngõ bí, vì đã đem hết các thứ tài sản ra mà mặc cả rồi , lại thêm vào đó ông còn tức khí nữa, vì cả một gia cơ đồ sộ như vậy mà ông còn làm được, huống chi là một cái quạt tầm thường kia mà đổi không xong, không lẽ phải dùng tới mưu mánh hay bạo lực sao ? 
Đâu có được! Vì Bờm ta luôn hồn nhiên tươi vui, có làm gì trái khuấy , làm phật lòng ông đâu.
Ông tha thiết đến cái quạt mo không phải vì chính cái mo cau tầm thường kia, mà là cái tinh thần cái phong độ của con người cầm cái quạt mo phe phẩy ấy đà ám ảnh ông kia. 
Ông sống trong cảnh giàu sang sung túc, nhưng chưa có lúc nào ông có được tâm hồn thanh thản, một phong thái an nhiên tự tại như vậy. 
Hình ảnh một thằng Bờm ngồi dưới gốc cây đa, trong cảnh trời trong gió lặng, phe phẩy cái quạt mo, thả  hồn mãi tận đâu đâu, làm ông đam mê khao khát.
Qua hình ảnh đó, một ánh sáng lóe lên trong đầu ông : thằng Bờm này không ham của cải vật chất, không ham kiến trúc mỹ thuật, mà chỉ ham một cái rất tầm thường, rất ít giá trị vật chất như cái quạt mo, nên nó không vương vấn nhiều vào cuộc đời, thoát được cái vòng lao tư lao tác quá đáng .
Nhờ vậy mà cuộc đời của nó rất đỗi phong lưu, cuộc đời nó nhẹ nhàng lướt trôi như mây bay, như gió thoảng, như nước chảy êm đềm bên giòng suối.
Chắc là nó chỉ cần đến những thứ gì cần thiết cho cuộc sống mà không vướng bận tới những thứ thừa thải nhiêu khê, làm khuấy động lòng tham, mà thứ căn bản nhất là cái ăn, vì có Thực mới vực được Đạo sống , nên ông bèn nghĩ tới Vắt Xôi, cái mà ông còn sót lại đem ra đổi chác được .
Thế rồi, khi ông đề nghị đến “ Vắt Xôi “ là Bờm ta liền cười ưng ý ngay!
Thế là kết thúc một cuộc đổi chác tương đối công bằng, làm cho cả hai bên đều hoan hỉ, và mọi bế tắc đều được khai thông!

Một cuộc đổi chác không tiền  khoáng hậu

     1.-  Đây là một cuộc đổi chác không tiền khoáng hậu, chưa có trong lịch sử loài người , tuy có  phần quá đáng, có lẽ Tổ tiên ta muốn vận dụng đến những ý tư?ng mạnh để  cảnh tỉnh cháu con.     
Qua việc đổi chác cái quạt mo, thằng Bờm đã dẫn Phú ông tới nẻo đường Hạnh Phúc chân thật, một nẻo đường giản dị  nếu muốn, ai cũng có thể đạt được.   
Khi nghĩ đến Vắt  Xôi, một nhu cầu tối thiểu của con người, Phú ông đã bắt gặp, đã ngộ được Đạo Sống của Cha ông, vì : “ Có thực mới vực được Đạo “. 
Khi mà đạt Đạo sống an nhiên tự tại, thì việc đổi chiếc quạt mo để lấy “ 3 bó 9 trâu; ao sâu cá me; 3 be gỗ lim; cặp chim đòi mối “, là một cuộc đổi chác bất công, do lòng tham xúi dục,
thì àm sao mà có được cái phong thái an vi. Chỉ có cục xôi là vật tương xứng  để đổi lấy thứ vât chật tượng trưng cho phong thái an vi của thằng Bờm!
Muốn đi tới trạng thái đó, thì : “ Vi Đạo nhật tổn,tổn chi hữu tổn, dĩ chí ư vô vi “ : Theo Đạo càng ngày càng bớt, bót rồi lại bớt, đến mức vô vi (Trang Tử) .
Mặt khác, Đạo của cha ông ta là Đạo Hành vi, tức là Đạo phải được hiện thực trong đời sống hàng ngày.  
Để đạt Đạo ta phải hành, nhưng hành cách nào?
Theo triết gia Kim Định thì có nhiều lối hành :  Cưỡng Hành, Lợi Hành và An Hành.
   a.- Trong chế độ nô lệ (chế độ phong kiến, chế độ tư bản nguyên thủy), hay trong chế độ độc tài quân phiệt, những con người nô lệ, những người dân phải làm việc dưới sự ép buộc của người giàu, của chế độ .
Họ bị áp bức và  bóc lột, nên cuộc sống chẳng hơn gì thú vật , lễ tất nhiên đời sống của họ làm gì có hạnh phúc.
Vậy trong hoàn cảnh này, mỗi người dân phải tìm mọi cách để thoát khỏi cái cảnh áp bức bóc lột đã đè nặng trên cuộc sống của mình, để thoát cái tròng nô lệ .
   b.- Trong xã hội ngày nay, nhất là trong các nước Tư bản, mọi người đổ xô theo nếp sống lợi hành, nếp sống “ thượng hạ giao tranh lợi “, mọi người đều đầu tắt mặt tối lao đầu vào mối lợi, mà quên mất sự sống của chính mình, được gọi là những hoạt động vong thân , và vì ráo riết dành dật mối lợi nên đã đánh mất tình người.  
Tuy việc tranh dành quyền lợi ngày nay mang một hình thức tinh vi hơn, nhưng luôn luôn là làm cho con người  mưu mánh quỷ quyệt hơn, đời sống cá nhân  căng thẳng hơn, xã hội ngày một rối ren hơn, loạn lạc hơn. 
Cái tai hại nhất của lối sống này là làm cho con người mất hết tình người, tình lý bất tương tham : tình thì teo lại mà lý lại ngày một phì ra.
Các nhu cầu vật chất thì thừa thải, nhưng cái tình người thì ngày một nghèo đi, nên đời sống mất quân bình, làm gì đạt được hạnh phúc.
Đó là lối sống Lợi hành  .
Trong tình trạng này, chúng ta phải tìm cách sống sao cho đời sống vật chất và tinh thần được cân đối, đời sống lý trí và tình cảm được hài hòa, tuy bề ngoài là lý nhưng trong là tình, có vậy mới thoát khỏi lối sống vong thân.
    c.- Từ thuở xa xưa, cha ông ta đã sống theo lối An Hành .
An Hành là lối sống, là lối hành động ngoài vòng của cưỡng bức (cưỡng hành) và danh lợi qúa đáng ( Lợi Hành ), nên không làm thương tổn đến nhân phẩm.
Động cơ chính của tác hành là không phải vì bị áp bức hay hám lợi, mà thấy việc gì  hợp với Đạo sống làm người là làm. 
Thấy việc hợp với đạo lý làm người thì cố sức làm, dầu có khi rất nguy hiểm, không quan tâm nhiều tới thành công hay thất bại, vì hành động là lối xử thế, là thể hiện đạo sống, còn những việc nào trái với đạo lý thì nhất quyết không.
Việc làm không những không làm hại, làm thương tổn tới kẻ  khác mà còn đem tới cuộc sống an nhiên tự tại, đem lại sự thư thái cho chính mình và những người xung quanh, để đạt cuộc sống an vui thanh thản. 
Có vui chơi thoải mái, mới hoà nhịp được với tiết điệu của vũ trụ, của “ Hoá nhi đa hí lộng “, giống như cuộc sống của trẻ em ngây thơ vui đùa, giống như cuộc vũ điệu được khắc sâu trên Trống Đồng thuở xưa .
Đây là lối sống mà triết gia Kim Định gọi là An hành của triết lý An Vi .
Đây cũng là lối sống mà thời hậu kỹ nghệ đang cần phải nhắm tới .
 Nhờ kỹ nghệ mà đời sống vật chất được sung túc, nên việc chính còn lại của con người thời này là làm cho cuộc sống phong lưu hơn, thanh nhàn hơn.     Con người sẽ làm ít đi và chơi nhiều hơn để cho cuộc đời lên hương, để ít nhất thì tâm hồn cũng  thanh thản thư thái như cuộc sống của thằng Bờm !  
 Có thế mới thoát khỏi cái cảnh : tiền tài danh lợi của con ở đâu thì lòng trí con cứ quanh quẩn ở đó!
Quả vây :
Ai có cuộc sống vật chất và tinh thần giản đơn, ấy là hạnh phúc thật!
        2.-  Trình tự của cuộc đổi chác trên cho ta một ý niệm tiến về trung cung hành Ngũ :
   “  Những thứ tài sản Phú ông đem đổi “ trong các lần đầu là những yếu tố vòng ngoài của sự sống, theo thứ tự bớt vật chất thêm tinh thần:  3 bò 9 trâu , ao sâu cá mè, bè gỗ  lim đều là của cải vật chất , còn  2 yếu tố sau  : “ đồi mồi “  là đồ mỹ nghệ, là của ăn tinh thần, và “ vắt xôi “ là nhu cầu vật chất không thể thiếu, Phú ông đã lần theo nẻo  ấy, theo lối “Vi Đạo nhật tổn “  để có đời sống vật chất và tinh thần được cân đối hầu đạt đến Hạnh phúc .
Đây là lối sống mà cha ông chúng ta đã bảo : “ Tri Túc, tiện Túc, hà thời túc; tri  Nhàn, tiện Nhàn, hà thời nhàn “, nghĩa là : khi ý thức được Đủ, thì là đủ, chứ còn đợi cho đến lúc nào mới đủ nữa ( nếu không ý thức được ) biết được Nhàn, thì là nhàn , chứ đợi biết lúc nào nhàn mới đến.  
Có tri túc thì mới hưởng nhàn được, khi đó mới đạt Đạo sống của Tổ tiên.
Đây cũng là cung cách để cho con lạc đà chui được qua trôn kim, muốn cho việc chui qua cữa được trót lọt thì không có cách nào khác là chú lạc đà phải trút bớt hành lý  đang đè nặng trên lưng mình.
 Chúa Jesus đã chẳng bảo người giàu vào Thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua trôn kim, vì hành lý của nhà giàu nhiều và nặng quá .   
Hay nói cách khác là đây là con đường để Phú ông đi dần tới yếu tố trung cung của ngũ hành, tiến về cái không của Đạo Trống, hầu đạt tới Chí Trung Hoà, để cùng “ Hóa Nhi đa hí lộng “ . 
      3.-  Những con số  3 ( nhân chủ , tam tài. . . ) ,  9 ( Cửu Lạc , cửu trù ), và 5 ( năm bước đổi chác :   Ngũ hành : Tâm linh ) , đều là bộ số thuộc về Văn hoá của Việt tộc .
     4.- Thằng Bờm là một di chỉ quan trọng của Tổ tiên xưa, được dối lại cho con cháu đã nhiều năm qua .  
Thói thường thì ai cũng nghĩ chỉ cần giàu có như phú ông thì tất sẽ  được sống an vui hạnh phúc, nhưng khi đã trở thành phú ông rồi, mà trong đáy cõi lòng  còn cảm thiếu thốn chưa đủ, vì ông còn khát khao một tâm hồn an nhiên tự tại như thằng Bờm.  Vì khi đã giàu như phú ông rồi, người ta vẫn thường chưa biết đủ, mà còn cố làm giàu thêm, ngày đêm lo lắng giữ của và làm thêm của không những cho mình và còn cho con cháu về sau nữa!  Nỗi lo chồng chất có bao giờ được yên tâm đâu. Đó là không kể những mưu đồ làm giàu bất chính cắn xe lương tâm người giàu!
Mặt khác tuy thằng Bờm tuy đã có một tâm hồn thanh thản, an vui, nhưng Bờm cũng còn cần đến một vắt xôi  cho cơ thể . Vì thế thằng Bờm không thể ngồi mà phe phẩy cái quạt dưới bóng im gốc cây đa, mà cũng phải ra sức làm việc ít nhất là có đủ nhu cầu vật chất hàng ngày.
Đời sống của Phú ông và thằng Bờm là hai đối cực của cuộc sống, bất cứ trong không và thời gian nếu biết sống làm sao dung hoà được hai đối cực đó tất con người sẻ được hạnh phúc.
 Như thế muốn có một đời sống hạnh phúc, ngoài những của cải vật chất ra, người ta còn cần một tâm hồn biết tri túc, để cho đời sồng tâm hồn và vật chất được cân bằng.  
  Đó là hạnh phúc, vì chỉ có hạnh phúc mới là cứu cánh của con Người, cuộc đời. 
Ông Tiên Lưu Hải mang hoa và tiền đến cho cóc
vì cóc đã chịu hy sinh một chân  ( cóc 3 chân )

(Đổi từ số 4 để lấy số 3:bỏ bớt ít vật chất để nuôi dưỡng tinh thần, để thành Tiên)
(Trích trong cuốn Văn Hoá Thái Hòa của Việt tộc)
Việt Nhân
Nguồn:Anviettoancau

No comments:

Post a Comment

Popular Posts