Toàn bộ giáo pháp của Đức Phật dù liễu nghĩa hay bất liễu nghĩa đều là phương tiện để hướng tới một tâm thái, một hành động giác ngộ mà chúng ta tạm gọi là tông chỉ của Đạo Phật, nó có thể diễn tả đầy đủ và chính xác chỉ bằng hai chữ “phá chấp”. Nếu hiểu được ý nghĩa của hai chữ này thì hiểu được Đạo Phật, còn nếu không thì chỉ là đàm huyền luận diệu một cách vô bổ, thực tế chỉ là đứng ngoài cửa chứ chưa vào nhà.
Giáo pháp cơ bản của Đạo Phật là Tứ Diệu Đế bao gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Tại sao chúng sinh cần Phật pháp ? bởi vì chúng khổ. Thế gian có câu Đời là biển khổ, sinh lão bệnh tử là khổ, ngoài ra còn có bát khổ như : ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội…rồi còn bao nhiêu những đau khổ khác như nghèo đói, chiến tranh, loạn lạc, áp bức, bất công, độc tài, không dân chủ…
1/Khổ.
Khổ là đau đớn về thể xác và tinh thần. Nhưng nguyên nhân vì sao khổ ? Nếu nói vì vô minh cũng không sai, nhưng chưa thật chính xác. Tại sao ? Vì vô minh là điều kiện cần thiết để thế giới hiện hữu, nếu không có vô minh thì tất nhiên không có khổ vì không có chúng sinh, không có thế giới, thì lấy ai khổ ? Tuy nhiên không có vô minh thì Phật tánh cũng vô dụng, không có cái dụng thì là bất toàn, sao có thể gọi là tròn đầy, viên mãn ? Vì vậy vô minh là rất cần thiết không thể bỏ được. Do đó, phải nói lại cho chính xác hơn : khổ là vì chấp. Chấp cái thân ngũ uẩn là ta, chấp cái danh vọng, uy tín, sự nghiệp là ta, là có thật, thì khi cái thân ấy bị bệnh, bị hư hoại, hoặc đói ăn, khát uống, thiếu những vật dụng sinh hoạt…hay thân bị tù đày thì ta cảm thấy khổ. Hoặc khi bị người khác phỉ báng, chê bai, uy tín bị suy giảm, sự nghiệp bị sụp đổ thì ta cảm thấy khổ. Nói rộng ra hơn, những vấn đề mà thế giới đang gặp phải như nạn nghèo đói, chiến tranh, bạo loạn, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo…cho tới thiên tai, động đất, sóng thần, tai họa hạt nhân… đều là do cố chấp. Các cường quốc thấy mình mạnh thì sanh tâm muốn chiếm đoạt của người khác cho mình giàu có thêm, có nhiều quyền lực hơn, muốn lãnh đạo các nước khác. Họ cũng khổ tâm tìm mưu này chước nọ để chiếm đoạt một cách hợp pháp, ít bị phê phán chửi rủa, chống đối. Còn các tiểu quốc thì khổ tâm lo tìm cách bảo vệ cái của mình, giang sơn lãnh thổ, biển đảo, văn hóa, tôn giáo, làm sao không bảo vệ được. Tóm lại kẻ đi chiếm đoạt và người bị chiếm đoạt đều khổ tâm tìm trăm phương ngàn kế để đấu tranh với nhau, quyết tử với nhau chỉ một lẽ, chấp pháp (chấp thế giới là có thật), chấp ngã (chấp cái thân ngũ uẩn là ta và vô số ngã sở của nó). Cố chấp tức mắc kẹt vào một hình tướng cố định nào đó, không thoát ra được, trở thành bệnh.
2/Tập.
Chính là thói quen cố chấp đã hình thành từ bao nhiêu đời kiếp. Chính cái thói quen cố chấp đó biểu hiện thành thế giới vật chất và tinh thần của chúng sinh, mà tiêu biểu cho chúng sinh là con người. Thói quen tạo nên những cái chúng ta thường gọi là vật chất, văn hóa và khoa học. Tại sao thói quen lại có thể biểu hiện thành thế giới vật chất, thành văn hóa và khoa học ? Điều này thì mãi tận cuối thế kỷ 20, con người mới bắt đầu hiểu, khi các nhà khoa học hàng đầu thế giới bắt đầu hiểu rằng ngành vật lý đã bước vào thời kỳ khủng hoảng, người ta bắt đầu hoài nghi chủ nghĩa thực chứng (positivism), chủ nghĩa này cho rằng những gì mà các giác quan cảm nhận được đều là thật. Chẳng hạn khi ta ăn một cái bánh, cái bánh là thật, cảm giác ngon miệng là thật, cái bụng có cảm giác no là thật, cái được tiêu hóa biến thành năng lượng để nuối sống cơ thể và giúp nó hoạt động là thật. Cho đến tận ngày nay, tuyệt đại đa số người và sinh vật đều tưởng rằng những cái đó là thật, kể cả các nhà khoa học. Tuy nhiên, những cái người ta thấy và cảm nhận bằng các giác quan, ngày nay đã được chính khoa học chứng minh là không phải thật, không phải khách quan, mà thật tế là chủ quan. Quark, electron chỉ là những hạt ảo, chúng chỉ có thể tạo ra các cấu trúc ảo, chứ không thể tạo thành vật thật. Nhưng chúng ta lại cảm thấy rõ ràng là vật thật, đó là do sự phối hợp của hai cái ảo. Phật giáo đã tổng kết hai cái ảo đó và diễn giải trong kinh điển, một là vô thủy vô minh tức cấu trúc ảo của vật chất, (Thiền gọi là thoại đầu) hai là nhất niệm vô minh tức là tâm niệm của chúng sinh, hai cái đó phối hợp lại thì thành thế giới. Vô thủy vô minh (tức vật chất) vốn là không có thật, nó chỉ hiện hữu trong tâm niệm của chúng sinh, trong thói quen tưởng tượng, trải qua bao đời kiếp, tưởng tượng đó hình thành một thói quen kiên cố, ổn định tới mức khi tiếp xúc với một vật (vốn là bất định, chẳng hạn nước sinh hoạt) thì liền cho rằng đó là nước, có thể uống, tắm giặt, lưu thông trong cơ thể và thành sông biển trong thế giới. Khoa học ngày nay đã biết chắc chắn 100%, nước chỉ là cảm tưởng, bản chất của nó là gì thì không thể xác định, không phải là quark và electron, không phải là khí (Oxigen O2 hoặc Hydrogen H2 ), nước là mối quan hệ tương tác của quark và electron, của các nguyên tử O2 và H2 mà ngành hóa học diễn tả bằng ký hiệu H2O nghĩa là hai nguyên tử Hydro kết hợp với một nguyên tử Oxy. H2O là tâm niệm cũng như nước chỉ là tâm niệm, bản chất của nó không là gì cả (Phật giáo nói là tánh Không), bản chất của nước không khác gì cái bàn, cục đá, thanh sắt…bởi vì cùng là một thứ quark và electron như nhau cả, nhưng chính tâm niệm phân biệt chúng dựa trên cấu trúc ảo khác nhau của chúng. Chính vì lẽ đó PG mới nói Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Khách quan chỉ là cộng nghiệp của một tập thể chứ không phải là độc lập ngoài tâm thức. Bởi lẽ ngoài tâm không có vật. Khi ngành vật lý tiến đến chỗ đủ khả năng khảo sát các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) thì người ta thấy rằng các hạt quark, electron, những thành phần cơ bản cấu tạo nên vật chất chỉ là hạt ảo, chúng chỉ xuất hiện khi có nhân duyên kết hợp, có đủ điều kiện, còn khi bị tách riêng, bị cô lập, thì chúng biến mất, không tồn tại. Như vậy những hạt cơ bản nhất, đầu tiên nhất để cấu thành vật chất thì không có thật. Như vậy toàn bộ lâu đài khoa học, thế giới vật chất, được xây dựng trên một thói quen tưởng tượng có một cội rễ nguồn gốc rất sâu xa là tập khí tức thói quen tâm lý mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, chứ không có gì là thật cả. Đó chính là lý do của khủng hoảng vật lý ngày nay. Một mặt người ta cứ ra sức chế tạo nhà cửa, xe hơi, máy móc, phi cơ, tàu thủy, tàu ngầm, xe lửa, phi thuyền không gian, phương tiện thông tin hiện đại như máy vi tính, laptop, netbook, máy tính bảng như ipad, các loại điện thoại di động thông minh (smartphone) như iphone, điện thoại có nhiều chức năng kỳ diệu, ngoài nghe, nói, nhắn tin còn dễ dàng truy cập internet, nhận, gởi email, nghe nhạc, xem video, đọc báo trên mạng internet, định vị toàn cầu bằng GPS, ứng dụng điện toán đám mây, ngoài ra còn có thể sử dụng voice chat qua software như Skype khiến cho việc liên lạc bằng điện thoại trên toàn cầu qua mạng internet trở nên dễ dàng, tiện lợi, miễn phí nếu truy cập internet bằng wifi, hoặc tốn ít tiền nếu truy cập internet bằng 3G, 4G. Người ta đang tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch như quang năng, phong năng, thủy triều, địa nhiệt… thay thế cho dầu khí, nhiên liệu hóa thạch…Nhưng mặt khác các nhà khoa học có tri thức sâu xa nhất thì hiểu rằng tất cả chúng, kể cả thân ngũ uẩn của con người đều không có thực chất. Tất cả chỉ là một thói quen tưởng tượng. Để hiểu kỹ càng vấn đề quan trọng này, chúng ta cần phải đi sâu hơn nữa vào tận cùng bản thể của một loại vật chất quan trọng nhất trên đời để làm ví dụ.
Nước là vật chất phổ biến trên địa cầu, vậy nước là gì ?
Nước là một cảm nhận thông thường, cần thiết cho thân thể, có thể uống và dùng trong đời sống và sản xuất, nhưng không phải tất cả chỉ có thế. Nhà hóa học sẽ thấy nước là H2O tức là sự kết hợp của 2 nguyên tử hydrogen và một nguyên tử oxygen, đó là hai loại khí. Nhà vật lý nguyên tử sẽ thấy hydrogen gồm có 1 hạt nhân bao gồm 1 proton ở trung tâm, và 1 hạt electron quay xung quanh ở khoảng cách rất xa, như vậy nguyên tử thật ra là trống rỗng. Cấu tạo của nguyên tử oxygen gồm 8 proton và 8 neutron ở nhân, cùng với 8 electron ở vòng ngoài bố trí trên 2 tầng, 2 elctron ở tầng 1 và 6 electron ở tầng 2.
Nguyên tử Hydrogen Cấu tạo hạt proton Nguyên tử Oxygen
Hạt proton được cấu tạo bởi 2 hạt up (u) và 1 hạt down (d). Còn hạt neutron thì cấu tạo bởi 1 hạt up và 2 hạt down. Các hạt up và down được gọi chung là hạt quark. Ngoài hạt up và down còn có những hạt quark khác như như quark charm, quark strange, quark top, quark bottom. Các loại hạt proton, neutron, electron, quark, neutrino (là một loại hạt cực kỳ nhẹ mới được phát hiện cuối thế kỷ 20)…được gọi chung là hạt cơ bản của vật chất. Tương ứng với mỗi loại hạt cơ bản còn có phản hạt, ví dụ hạt electron mang điện âm, phản hạt của electron là hạt positon mang điện dương, khi hai loại hạt này gặp nhau thì sẽ phá hủy nhau và biến thành năng lượng thuần túy. Như thế có nghĩa là vật chất hữu hình đã biến thành năng lượng vô hình. Phần tử nhỏ nhất của năng lượng gọi là lượng tử, thật ra đây là một khái niệm mơ hồ không xác định bởi vì bản chất của lượng tử là gì thật khó xác định, nó vô hình, nó là sóng hay là hạt hoặc vừa là sóng vừa là hạt, ở ánh sáng, đó là hạt photon, trong lĩnh vực vô tuyến, đó là sóng như các loại sóng điện từ, sóng âm thanh; trong lĩnh vực cơ học thiên thể, đó là lực hấp dẫn, trong lĩnh vực cơ học vi mô, đó là 4 lực cơ bản của vật chất : lực điện từ, lực tương tác mạnh, lực tương tác yếu và lực hấp dẫn. Lượng tử là ranh giới giữa vật chất và phi vật chất, phi vật chất cũng có thể coi là tinh thần, tâm hay thức. Nhưng bản chất của vật chất là gì, nó có thực thể không ? Câu trả lời là không, vật chất không có thực thể, những hạt cơ bản mà con người đã khám phá cũng chỉ là những hạt ảo mà thôi, cũng giống như trên màn hình vi tính, mọi thứ xuất hiện trên đó, dù rất rõ ràng, rất thực nhưng mọi người đều biết rõ đó chỉ là ảo. Như vậy phải chăng vật chất và tinh thần là một, cùng một bản chất như nhau ? Điều này thì Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rõ “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.
Tóm lại nước là gì ? đó chỉ là cảm nhận, là thức, là một thứ thói quen ảo tưởng mà kinh Phật gọi là thế lưu bố tưởng chứ không phải là một sự vật tồn tại độc lập, khách quan ngoài ý thức như quan niệm duy vật. Cũng chính vì quan điểm duy vật mà Einstein sinh thời đã không hiểu được hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement), không biết tại sao một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau, và khi hạt ở vị trí này bị tác động thì lập tức hạt ở các vị trí kia cũng bị tác động y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách là bao xa, nếu cho rằng tín hiệu được truyền đi, thì vận tốc phải gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng, điều đó trái với định đề của chính Einstein nêu ra rằng ánh sáng là tốc độ cao nhất của thế giới vật chất, không có vật gì truyền đi nhanh hơn ánh sáng, ánh sáng truyền trong chân không là một hằng số bằng (qui tròn) 300.000km/giây, không có vận tốc đầu, bởi vì ánh sáng không có khối lượng nên cũng không có quán tính (nói nôm na là nó không có trớn). Gần đây, có người khám phá ra rằng hạt neutrino có vận tốc nhanh hơn ánh sáng (306.000 km/giây) Khám phá này nếu được công nhận, thì chỉ ra rằng Einstein có chút sai sót, nhưng cũng chưa đi đủ xa để làm thay đổi nhận thức, chỉ gợi mở ý tưởng rằng con người có thể đi ngược thời gian để thấy lại quá khứ (nếu đi với vận tốc của hạt neutrino 306.000km/giây, trong khi ánh sáng đi với vận tốc 299.792,5 km/giây, như vậy có thể bắt kịp ánh sáng và thấy lại quá khứ) chỉ khi nào khoa học khám phá rằng tâm thức có vận tốc vô hạn, các nhà khoa học mới hiểu rằng không gian, thời gian, số lượng là không có thật. Chỗ chấp trước của Einstein là ông tưởng rằng không gian là có thật, vật chất là có thật, vì vậy không thể giải thích được hiện tượng này, ông gọi đó là tác động ma quái từ xa (spooky action at a distance). Trong khi đó, đối với Phật giáo, hiện tượng rối lượng tử rất dễ hiểu, nó thể hiện tập trung Tánh Không của vũ trụ vạn vật (vật chất, không gian, thời gian, số lượng chỉ là hiện tượng tâm lý, tức xuất hiện trong tâm thức chứ không phải có thật, không có gì là thật cả, tất cả đều là Không)
Phật giáo đã nói một cách rõ ràng, chắc chắn trong bộ kinh Đại Thừa “Thành Duy Thức Luận” : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Tất cả thế giới vật chất và tinh thần, hữu hình và vô hình đều chỉ là tâm thức, là thông tin chứ không phải có thật. Sự đồng bộ của lục căn, kết hợp với lục trần phát sinh lục thức. Lục thức chính là Tam giới, là vũ trụ vạn vật. Lục căn, lục trần cũng là do nhân duyên kết hợp từ những hạt ảo như quark, electron mà thành. Phật giáo gọi những yếu tố vật chất, bên ngoài ý thức (ý thức chưa phải là toàn bộ tâm thức, chỉ là một trong 8 thức) là vô thủy vô minh, Thiền tông Trung Hoa gọi là thoại đầu. Vô thủy vô minh vốn là cấu trúc ảo không có thật, vì cấu thành từ những hạt ảo là quark, electron. Vì không có thật nên mới nói là vô thủy vô minh. Sau vụ nổ Big Bang, chỉ có lục trần ở dạng tiềm thể, đó là tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc và tánh biết, vũ trụ chưa hiện hữu vì chưa có chủ thể nhận thức được nó, nhưng khi cấu trúc ảo dần dần hình thành được lục căn mới phát sinh được nhất niệm vô minh, vũ trụ vạn vật bắt đầu xuất hiện, hiện hữu trong nhất niệm vô minh và tự phân biệt thành Lục thức. Lục căn, lục trần, lục thức, phối hợp đồng bộ quá tuyệt vời khiến cho chúng sinh hoàn toàn lầm tưởng rằng thế giới là có thật, hình thành thói quen (tập khí) là chấp thật, từ đó mới có đau khổ khi chỗ cố chấp của ta bị hư hỏng, bị phá hoại.
3/Diệt.
Muốn thoát khỏi đau khổ thì phải phá chấp, phá bỏ thói quen chấp thật đã quá kiên cố, tự chứng ngộ trạng thái bản thể vắng lặng không có gì cả, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Tịch Diệt, còn gọi là Niết Bàn (涅槃, sa. nirvāṇa). Trạng thái đó được Huệ Năng diễn tả trong bài kệ nổi tiếng :
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật
Hà xứ nhạ trần ai Bụi trần bám vào đâu ?)
Diệt là trạng thái giác ngộ, không còn cố chấp nữa. Thiền tông gọi là Kiến tánh thành Phật. Khi phá bỏ hết tập khí cố chấp thì hành giả đạt tới sinh tử tự do, làm chủ được lục căn, lục trần, lục thức (18 giới) của mình, có 6 thần thông là : thân như ý thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, lậu tận thông. Túc mệnh thông là biết được quá khứ vị lai của mình và các chúng sinh khác. Lậu tận thông là thoát khỏi sinh tử luân hồi, không còn bị trôi lăn trong lục đạo nữa. Các bậc giác ngộ thường không bao giờ để lộ cho người đời thấy được thần thông của họ, nhưng có một số kỳ nhân, có thể chưa kiến tánh, nhưng cũng có chút ít thần thông, hé lộ cho người đời thấy đặc dị công năng của họ, như Trương Bảo Thắng từng biểu diễn đi xuyên qua tường, Nghiêm Tân có khả năng dùng khí công làm thay đổi lý hóa tính của vật chất ở khoảng cách xa vài chục km, Phan Thị Bích Hằng có thể tiếp xúc với vong linh của những người đã chết từ lâu, Hầu Hi Quý có thể dùng tâm linh di chuyển vật chất từ nơi này qua nơi khác mà những bức tường ngăn cách chẳng có nghĩa lý gì, ông ta từng biểu diễn cho ký giả Liêu Văn Vĩ (tác giả sách Đông Phương Kỳ Nhân) xem ông ta dùng tâm lực di chuyển một khối tiền từ ngân hàng vào phòng ngủ của mình, sau đó di chuyển trả về chỗ cũ.
Khi đã phá bỏ chấp trước, tâm lực có thể thắng được lực vật lý của vật chất, nên thay đổi lý hóa tính, biến chất này thành chất khác, hay di chuyển vật xuyên qua tường, qua không gian, hay tiếp xúc với các cõi giới khác…đều có thể làm được. Huệ Năng, Đơn Điền và Hám Sơn đã biến thân xác của mình thành bất hoại để làm tin cho đời sau, hiện vẫn còn thờ ở chùa Nam Hoa tại Tào Khê, gần thị trấn Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nhục thân của Huệ Năng đã tồn tại 1300 năm mà không cần phải ướp xác hay có sự can thiệp nào từ bên ngoài.
4/Đạo.
Đạo là con đường tu hành đạt tới giác ngộ. Tu là phá bỏ các tập khí chấp trước. Phật đã chế ra vô số pháp môn để hướng dẫn cho hành giả với đủ loại căn cơ khác nhau tìm cách phá chấp, thay đổi thói quen mê muội bằng cách ăn chay, trì giới, tập các hạnh như nhẫn nhục, bố thí, thực hành một số phương pháp. Có 37 cách hỗ trợ, gọi là 37 phẩm trợ đạo, Hán Tạng gọi là Tam thập thất bồ đề phần, bao gồm : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi (còn gọi là Thất bồ đề phần) và Bát chánh đạo.
Tứ niệm xứ là : Quán Thân bất tịnh, Quán Tâm vô thường, Quán Pháp vô ngã, Quán Thọ thị khổ.
Tứ chánh cần : 1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. 3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.
Tứ Như ý túc : là 4 phương thức dẫn tới giác ngộ. Dục Như ý túc là hạnh nguyện to lớn hướng tới giác ngộ, Tinh tấn Như ý túc là nỗ lực to lớn để giác ngộ, Niệm Như ý túc là tất cả suy nghĩ đều hướng về giác ngộ, Quán Như ý túc là dùng tư duy quán chiếu sự vật đến chỗ tận cùng để phát giác được vô minh, thấu hiểu vô minh là nguồn gốc của mê lầm cũng tức là giác ngộ. Thấy rõ chân tướng của sự vật là không thì giải tỏa được mọi mê chấp khổ não.
Ngũ căn (Pañcānām indriyāṇām) là 5 nền tảng cơ bản bảo đảm cho sự giác ngộ : Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Huệ căn. Ngũ căn vốn có sẵn đầy đủ ở mỗi chúng sinh, nên bất cứ chúng sinh nào đều có khả năng giác ngộ.
Ngũ lực (Pañcānāṃ balānām) là 5 sức mạnh hay 5 khả năng vốn có của ngũ căn: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực. Phát huy ngũ lực thì chắc chắn đến được giác ngộ.
Thất bồ đề phần là : Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định và Xả. Trạch pháp là chọn một pháp môn duy nhất, phù hợp nhất với căn cơ của mình. Tinh tấn là nỗ lực với pháp môn đã chọn. Hỷ là tâm trạng hoan hỉ, lúc nào cũng lạc quan tin tưởng ở pháp môn của mình. Khinh an là trạng thái nhẹ nhàng thoải mái của hành giả đi đúng con đường chánh pháp, Niệm và Định là dùng niệm căn, định căn phát huy niệm lực, định lực, đạt tới chánh niệm là nhất tâm bất loạn, cũng tức là đạt tới đại định. Đại định là thấy rõ vô minh, nhận ra bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra của mình. Xả là buông bỏ những tập khí mê lầm từ vô lượng kiếp, cũng tức là hóa giải mọi luân hồi khổ não.
Bát chánh đạo (八正道sa. aṣṭāṅgika-mārga : là tổng kết 8 đường lối tu tập thực tế của hành giả : chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Chánh kiến : là thấy, hiểu chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, hành vi không còn theo ái dục của ngã.
Chánh tư duy : suy nghĩ về chân lý không còn dựa trên cơ sở vô minh, chánh tư duy thực tế là niệm vô niệm bởi vì tất cả mọi suy niệm đều dựa trên cơ sở vô minh. Cho nên tuy vẫn có ý niệm mà vẫn vô niệm vì không có chấp.
Chánh ngữ : lời nói không còn dựa trên phân biệt thị phi, lời nói chỉ còn là phương tiện để khai thị, để tạo duyên lành giác ngộ.
Chánh nghiệp : là tạo cơ duyên cho sự giác ngộ, chỉ có giác ngộ mới là chánh nghiệp. Mọi hành vi đều hướng về giác ngộ. Con người sống trong đời vẫn cần phải có nhà ở, cơm ăn áo mặc, nghề nghiệp để kiếm sống, vật dụng, phương tiện để liên lạc, đi lại…nhưng đó là tùy duyên chứ không cố chấp
Chánh mạng : là thọ mạng chân chánh. Trong tứ tướng (ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng) chánh mạng là ứng vào cõi người hoặc cõi trời, đó là những cảnh giới thuận lợi cho sự giác ngộ. Do đó nếu trong một kiếp mà chưa giác ngộ, hành giả nguyện sinh tiếp vào cõi người hoặc cõi trời để tiếp tục tu hành. Nếu sinh cõi người thì thì tránh các ác đạo như các nghề nghiệp sát sinh hại vật, các thành phần xã hội bất lương như trộm cướp, ma cô, đĩ điếm…
Chánh tinh tấn : ăn chay, giữ giới, tu tập, thiền định là những nỗ lực hướng về giác ngộ.
Chánh niệm : giữ cho thân, khẩu, ý trong sạch. Các suy niệm để ứng xử dựa trên nguyên tắc tự giác, giác tha, buông bỏ tư lợi, tùy duyên.
Chánh định : Trong các thứ thiền định thì chánh định là “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” tức là không được trụ ở bất cứ hình tướng nào, bởi vì tất cả hình tướng đều không thật, đều là ảo hóa, như trong bài kệ “ Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Chánh định là trạng thái giác ngộ, vô niệm vô bất niệm, không thể nghĩ bàn.
Đối với các loại căn cơ rất khác nhau của con người, Phật chế ra Ngũ thừa giáo pháp dành cho 5 loại căn cơ, từ thấp đến cao như sau :
1. Nhân thừa : tu theo nhận thức phổ biến của thế gian là làm lành, lánh dữ, giữ gìn 5 giới : không sát sinh hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người, không rượu chè ma túy. Đây là cách tu của hàng cư sĩ tại gia, có thể vẫn còn quan hệ vợ chồng, có con cái. Ngoài ngũ giới, còn có tam quy hay quy y Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Tức là đem thân tâm của mình nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu tập. Kết quả là được tiếp tục làm người ở kiếp sau.
2. Thiên thừa : cách tu này hướng tới cõi trời. Cõi trời có thọ mạng lâu dài, cảnh giới tốt đẹp hơn cõi thế gian. Tu theo Thập thiện để đạt kết quả là kiếp sau được sinh ra ở cõi trời. Thập thiện là ngoài Ngũ giới của nhân thừa còn bao gồm 5 điều thiện khác : bố thí; buông bỏ các tập khí tham sân si; không tạo khẩu nghiệp tức là không chửi bới, không nói những lời hung ác; không âm mưu hại người lợi mình; buông bỏ tà kiến tức là những tri kiến không đúng.
3. Thanh văn thừa : tu theo pháp Tứ Đế để đạt quả vị A-la-hán. Tứ Đế là bốn Sự thật : Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
4. Duyên giác thừa : Tu theo thập nhị nhân duyên, đạt đến quả vị Bích Chi Phật (辟支佛 sa. pratyeka). Bích Chi Phật do tự mình chứng ngộ 12 nhân duyên, giác ngộ vạn pháp duy thức.
Thập nhị nhân duyên là lý thuyết giải thích nguồn gốc của vũ trụ vạn vật với 12 mắt xích, mà mắt xích đầu tiên là vô minh. Vô minh không phải là ngu tối, thiếu triết học hay khoa học. Triết học và khoa học do con người phát minh, cũng là sở tri chướng, nằm trong phạm trù vô minh. Vô minh là điều kiện căn bản nhất để cho vũ trụ vạn vật xuất hiện. Sau khi có vũ trụ, vạn vật, con người, rồi mới có triết học và khoa học. Vô minh (zh. 無明, sa. avidyā, pi. avijjā), là trạng thái bị che khuất, không nhìn thấy toàn thể, hoặc không nhìn thấy rõ, không hiểu rõ đối với những sự vật quá vi tế, hoặc quá to lớn, từ đó phát sinh mê lầm. Ví dụ đám mây che khuất không nhìn thấy mặt trời, hoặc trái đất xoay nên có ngày đêm nhưng vì không hiểu rõ nên tưởng mặt trời xoay. Nước chỉ là một hiện tượng ảo giác trong đó 2 nguyên tử hydrogen kết hợp với một nguyên tử oxygen mà thành. Tất cả nguyên tố vật chất đều cấu thành bởi cùng một thứ hạt cơ bản như nhau (quark up, quark down và electron) nhưng vì vô minh ta mới thấy có vàng khác với đá, nước khác với khí, nguyên tố này khác với nguyên tố kia. Tóm lại vô minh tạo ra ảo hóa và phân biệt (thức). Phân biệt tạo ra danh sắc (tên gọi và sự vật) từ đó mới có thế giới vạn vật.
5. Bồ Tát thừa : Con đường tu tập này dựa trên 6 pháp ba-la-mật-đa (sa. pāramitā, pi. pāramī, zh. 波羅蜜多). Ba-la-mật-đa nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia) hoặc cứu cánh (perfection). Sáu ba-la-mật là :
Bố Thí : bao gồm ban cho vật thực (tài thí) và ban cho hiểu biết Phật pháp (pháp thí) mà không có ý thức về người cho, người được cho.
Trì giới : Hành giả trì Bồ Tát giới gồm rất nhiều giới trong đó chia ra 6 giới trọng và 28 giới khinh (đối với cư sĩ tại gia) hoặc 10 giới trọng và 48 giới khinh (đối với tu sĩ xuất gia). Bồ Tát giới tuân theo nguyên tắc “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các điều ác, làm các điều thiện)
Nhẫn nhục : Hành giả phải hết sức nhẫn nhục, không được nổi giận trong bất cứ tình huống nào, để phá ngã chấp.
Tinh tấn : siêng năng, tỉ mỉ, chuyên cần trong mọi công việc.
Thiền định : Có nhiều pháp thiền khác nhau nhưng thiền của Bồ Tát là định. Định là chấm dứt tư tưởng, bởi vì tư tưởng là sở tri chướng, là vô minh. Thiền định đưa hành giả đến trạng thái vô tưởng, không còn thế lưu bố tưởng, giống như hồ nước thật yên tĩnh không một gợn sóng, nhìn thấy tận đáy, từ đó Trí huệ hiện ra.
Trí huệ : (sa. prajñā-pāramitā, zh 般 若 bát nhã). Trí huệ của Bồ Tát được chia thành 10 cấp gọi là thập địa gồm :
1. Hoan hỉ địa (zh. 歡喜地, sa. pramuditā-bhūmi) : chứng được vô ngã nên Bồ Tát lúc nào cũng hoan hỉ thực hiện lợi sanh (giúp ích cho chúng sinh)
2. Li cấu địa (zh. 離 垢 地, sa. vimalā bhūmi): Bồ Tát đã nhìn thấu cấu trúc nhân duyên của sự vật, biết vật không có thật nên không còn vướng mắc. Li cấu là rời bỏ cấu trúc nhân duyên vì biết là không thật. Trong quyển Duy Ma Cật sở thuyết có đoạn mô tả Thiên nữ rải hoa trời mạn đà la để tán thán Chư vị Bồ Tát và cư sĩ Duy Ma Cật, hoa rơi trúng các vị Bồ Tát thì rơi luôn, còn rơi trúng các đại đệ tử của Phật như A Nan, Xá Lợi Phất thì dính lại, Xá Lợi Phất phủi mãi không được.
“Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất:
-Sao ngài phủi hoa đi?
Xá Lợi Phất đáp:
-Hoa này không như pháp nên phải phủi đi.
Thiên nữ nói:
-Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp.”
Vì các Bồ Tát không chấp là có hoa mạn đà la từ trên trời rơi xuống nên hoa không dính vào áo các ngài, các đệ tử của Phật thì còn chấp là có hoa nên hoa vướng mắc vào áo phủi mãi không rớt. Không phải là hoa phân biệt mà vì tâm các vị ấy phân biệt.
3. Phát quang địa (zh. 發光地, sa. prabhākārī bhūmi) : Bồ Tát chứng được vô thường, giải thoát tham sân si, vận dụng được 5 thứ thần thông (thân như ý thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông) trong lục thông. Chỉ còn lậu tận thông là chưa đạt.
4. Diệm huệ địa (zh. 燄慧地, sa. arciṣmatī bhūmi): Bồ Tát đã giải trừ hết tập khí mê lầm. Vận dụng được trí bát nhã và 37 bồ đề phần.
5. Cực nan thắng địa (zh. 極難勝地, sa. sudurjayā bhūmi): Bồ Tát liễu ngộ Tứ diệu đế và chân như . Chứng được Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều không có thật. Cái khổ của chúng sinh chỉ là khổ giả vì không có thật, con đường giải thoát cũng chỉ là phương thuốc giả, để trị bệnh giả.
6. Hiện tiền địa (zh. 現前地, sa. abhimukhī bhūmi): Bồ tát liễu ngộ lý duyên khởi hay thập nhị nhân duyên đều không có thật, đó chỉ là lý thuyết dựa trên cơ sở vô minh. Khi phá được vô minh thì lý thuyết đó cũng sụp đổ. Bồ Tát chứng được tánh Không của vạn hữu. Bát nhã ba-la-mật-đa tâm kinh đã nói rõ : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa : Các pháp (vạn sự vạn vật) có bản thể là không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành ( chuyển động, hoạt động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức, không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (mùi hương), vị ( vị giác của lưỡi), xúc ( cảm giác của thân thể), pháp ( đối tượng của ý thức)…
Tóm lại thế giới vạn vật chỉ là thế lưu bố tưởng (世流布想 là tưởng tượng bình thường được lưu truyền rộng rãi của thế nhân, chứ không phải chân như.
7. Viễn hành địa (zh. 遠行地, sa. dūraṅgamā bhūmi): Bồ Tát đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng để cứu độ chúng sinh, Bồ Tát có thể tùy nghi đầu thai vào thế gian hoặc địa ngục để giúp chúng sinh giải thoát.
8. Bất động địa (zh. 不動地, sa. acalā bhūmi): Các tập khí vi tế nhất cũng đã giải trừ, không có gì có thể làm xao động được Bồ Tát.
9. Thiện huệ địa (zh. 善慧地, sa. sādhumatī bhūmi): Trí huệ bát nhã viên mãn, Bồ Tát đã thấu suốt mọi lý lẽ, có đủ năng lực và thần thông, đã đủ lục thông, có khả năng thực hiện lý sự vô ngại, sự sự vô ngại (ngày nay gọi là công năng đặc dị, ví dụ đi xuyên qua tường) có khả năng giáo hóa chúng sinh trong tam giới.
10. Pháp vân địa (zh. 法雲地, sa. dharmameghā bhūmi): là thế giới ảo của vạn pháp giống như những đám mây. Bồ Tát đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), có khả năng thực hiện đại hạnh nguyện (cứu độ tất cả chúng sinh). Các Bồ tát đạt tới cấp bậc này có : Di Lặc (sa. Maitreya), Văn Thù Sư Lợi (sa. Mañjuśrī), Quán Thế Âm (sa. Avalokiteśvara), Đại Thế Chí (sa. Mahasthamaprapta).
Khi Phật giáo được truyền sang Trung Hoa thì các Tổ Sư ở đây khai triển thêm thành một số tông phái khác nữa, mỗi tông phái có những đường lối tu tập phá chấp nhấn mạnh vào một số điểm chủ yếu có khác nhau giữa các tông :
1/A Tỳ Đàm tông về sau là Câu Xá tông : Do ngài An Thế Cao sáng lập, dựa trên bộ luận A Tỳ Đàm (Abhidharma) được dịch ra Hán ngữ trong khoảng 383 đến 434 TL. khi Luận Câu Xá của Ngài Thế Thân được Ngài Chân Đế (Paramartha) dịch sang Hán ngữ từ năm 563-567 TL, sau đó là Ngài Huyền Trang dịch từ 651-654 TL và được truyền bá rộng rãi thì Tỳ Đàm tông được thay thế bằng Câu Xá tông. A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (zh. 阿毗達磨俱舍論, sa. abhidharmakośa-śāstra), thường được gọi tắt là Câu-xá luận, nghĩa là “Báu vật của Vi Diệu Pháp” . Tác phẩm này nói về căn, trần, tam giới, lục đạo, nghiệp, duyên, các mẫu mực như hiền thánh, trí huệ, định, nhấn mạnh ở chỗ phá ngã chấp.
2/ Thành Thật tông : 成實宗, ja. jōjitsu-shū) xuất phát từ giáo pháp của Kinh Lượng Bộ. Tông này được lập từ thời Ngài Cưu Ma La Thập theo tư tưởng của Thành Thật Luận (Satyasiddhi), một bộ luận thuộc Tiểu thừa Phật giáo. Bộ luận này do Ngài Ha Lê Bạt Ma (Harivarman) viết và được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajìva) chuyển sang Hán ngữ thật sớm, vào khoảng 411-412 TL Tông phái này cực thịnh vào đời Lương (502-507 thuộc Nam Triều trong thời đại Nam Bắc Triều) nhưng sang thời Đường thì suy vi. Thành thật tông cũng cho rằng cả ngã lẫn pháp đều không (nhân pháp giai không 人法皆空) nên cũng có thể xem tông này là Đại thừa. Thành thật tông Nhật Bản (ja. jōjitsu-shū) được Cao tăng Triều Tiên là Huệ Quán (zh. 慧灌, ko. ekwan), người đã từng học tại Trung Quốc, truyền qua Nhật năm 625.
3/ Nhiếp Luận tông về sau là Pháp Tướng tông : Nhiếp luận tông (Samparigraha) là tiền thân của Pháp tướng tông (Dharmalaksana) được thành lập từ khi Ngài Chân Đế (499-569) dịch và giảng về bộ Nhiếp Đại Thừa luận (Mahàyànasamparihraha). Bộ luận này do ngài Vô Trước viết vào thế kỷ V (được Ngài Thế Thân, em của Vô Trước chú giải) là bộ luận đầu tiên phát biểu học thuyết Duy thức. Sau ngài Huyền Trang tiếp nối với bộ Thành Duy Thức Luận của Ngài Hộ Pháp. Tông chỉ của phái này là nhất thiết duy thức (toàn bộ thế giới vật chất và tinh thần đều là tâm thức, là thông tin, tức là ảo, là giả, chứ không phải thật)
4/ Tam luận tông : (三論宗, ja. sanron-shū, ko. samnon chong) Tam luận là ba bộ Trung quán luận, Thập nhị môn luận (của Long Thọ Bồ Tát龍樹, sa. Nāgārjuna) và Bách luận (của ngài Thánh Thiên聖天, sa. Āryadeva). Lịch sử của Tam luận tông bắt đầu ở Trung Quốc với sự xuất hiện của Ngài Cưu Ma La Thập. Ngài là người có công phiên dịch cả ba bộ luận trên sang Hán ngữ. Cưu-ma-la-thập sau truyền cho đệ tử là Đạo Sinh (道生), Tăng Triệu ( 僧肇), Tăng Duệ (僧叡) và Đạo Dung (道融). Các vị này vạch rõ sự khác nhau giữa tông phái mình với Thành Thật tông và có thể xem là những người sáng lập Tam Luận tông. Trong thế kỷ thứ VI, Tam luận tông rất thịnh hành và những Cao tăng thời này là Pháp Lãng (法朗) và đệ tử là Cát Tạng (吉藏). Trong thế kỷ thứ VII, Tam Luận tông được Cao tăng Huệ Quán (慧灌), đệ tử của Cát Tạng truyền qua Nhật. Tam Luận tông dần dần mất ảnh hưởng tại Trung Quốc sau khi Pháp Tướng tông ra đời.
5/ Hoa Nghiêm tông 華嚴宗, ja. kegon-shū), còn gọi là Hiền Thủ tông: Do ngài Đỗ Thuận (551-640) sáng lập trên cơ sở hợp nhất hai tông phái : Niết Bàn tông ở phía bắc (dựa vào kinh Niết Bàn) và Địa Luận tông ở phương nam (dựa vào Thập Địa Kinh Luận). Về sau Pháp Tạng (643-712) là người phát huy tông phái Hoa Nghiêm dựa trên bộ kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Sau nữa, có Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán. 清涼澄觀, 737-820) phát triển mạnh phái này, được xem là một hiện thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (sa. mañjuśrī). Tổ thứ năm của Hoa nghiêm là Tông Mật ( 宗密, 780-841), một Đại Thiền sư xuất sắc. Chủ trương của tông này là xem mọi vật đều bình đẳng, mọi vật đều liên hệ lẫn nhau. Dạng tĩnh của chân như (真如, sa. tathatā) là tánh Không (空, sa. śūnyatā), tức là Lí (理), dạng động là Sự (事). Lí và Sự tương tác qua lại với nhau mà sinh ra toàn thể vạn vật. Năm 740, Hoa Nghiêm tông được Đại sư Thẩm Tường (審祥) truyền qua Nhật.
6/ Thiên Thai tông (còn gọi là Pháp Hoa tông) : 天台宗, ja. tendai-shū) Thiên Thai là tên một ngọn núi ở Thai Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Nam Trung Quốc. Thiên Thai tông do ngài Trí Khải (531-597) trú ở núi Thiên Thai, xiển dương kinh Pháp Hoa sáng lập. Tông này dựa trên tư tưởng Không 空 – Giả 假 – Trung中trong Đại Trí Độ Luận do ngài Huệ Văn (505-577) phát huy gọi là nhất tu tam quán.
Không là bản chất của thế giới vạn vật, là trống rỗng, không có gì là thực thể.
Giả là hiện tượng tạm thời, dường như có vật hiện hữu trong không gian thời gian mà giác quan của chúng sinh cảm nhận được.
Trung là trung dung giữa hai trạng thái trên, không thể nghiêng về bên nào, đó là nghĩa vô sở trụ cũng tức là phá chấp.
Ngài Trí Khải có ba bộ sách nổi tiếng là Pháp Hoa Văn Cú, Pháp Hoa Huyền Nghĩa và Ma Ha Chỉ Quán. Phép tu của Thiên Thai tông là Chỉ quán thiền. Chỉ là dừng sự vận động, ngừng tư duy, qua đó thấy được bản chất Không của vật. Quán là xem sự vận động của vật, của tâm thức qua đó thấy được hiện tượng tức là giả tướng của vạn vật.
Sau thời ngài Quán Đảnh, tông này suy, đến thời Trạm Nhiên (717-782) được phục hưng, sau được Tối Trừng (最澄, ja. Saichō 767-822) truyền sang Nhật Bản.
7/ Mật tông密宗 (còn gọi Chân Ngôn tông) Chân Ngôn dịch nghĩa Phạn ngữ “Mantra”, nghĩa là “Bí mật giáo”. Mật tông xuất xứ từ Ấn Độ, vào Trung Quốc khá trễ, đến đời Đường (618-907) mới chính thức du nhập với sự góp sức của ba đại học giả Ấn Độ là Ngài Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735), Ngài Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 671-741), Ngài Bất Không (Anoghavajra, 705-774). Bộ kinh căn bản của Mật tông là bộ Đại Nhật kinh được Ngài Thiện Vô úy dịch sang Hán ngữ với sự trợ giúp của đệ tử là Ngài Nhất Hành. Sau tông này được truyền sang Nhật Bản do hai thầy trò ngài Huệ Quả (người Trung Quốc, đệ tử của ngài Bất Không) và Không Hải (空海, ja. Kūkai _người Nhật Bản theo học với Ngài Huệ Quả). Ngài Không Hải là người sáng lập ra “Chân Ngôn tông” của Phật giáo Nhật Bản. Mật tông chủ trương dùng thiền định và chân ngôn niệm chú để thành đạo, ngoài ra họ còn dùng thủ thuật bắt ấn.
8/ Thiền tông : Thiền tông là tông phái có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo Trung Quốc từ đời Đường trở về sau. Hai phái chính trong hệ thống Thiền tông là Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền. Như Lai Thiền được xem là phương pháp tu Thiền có cội nguồn từ Phật giáo Ấn Độ, chủ yếu là Thiền quán, dùng cái biết của ý thức để tu giải thoát, trong khi Tổ Sư Thiền lại có khuynh hướng được xem là sáng tạo riêng của Phật giáo Trung Quốc, khởi nguyên bởi Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ, Ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc vào đời Lương, có gặp Lương Võ đế, chủ yếu dùng cái không biết để tu, làm phát khởi nghi tình, từ nghi đến ngộ, kiến tánh tức đốn ngộ thành Phật. Bồ Đề Đạt Ma trở thành Tổ thứ nhất của Thiền Trung Quốc, đến Tổ thứ sáu là Huệ Năng, Thiền tông đại hưng thịnh. Sự truyền thừa như sau:
- Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨, ?-532)
- Huệ Khả ( 慧可,487-593)
- Tăng Xán (僧璨, ?-606)
- Đạo Tín (道信,580-651)
- Hoằng Nhẫn (弘忍,601-674)
- Huệ Năng (慧能,638-713)
9/ Tịnh Độ tông : (淨土宗, ja. jōdo-shū), Tịnh Độ tông cùng với Thiền và Mật tông là 3 tông phái Phật giáo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc hiện nay. Khởi thủy từ khi Ngài Huệ Viễn(慧遠 334-416) lập ra hội “Bạch Liên xã” ở Lư Sơn vào đời Đông Tấn, chủ trương quán tưởng niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ ở cõi Tây phương Cực lạc. Đến thời Nam – Bắc triều, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch bộ “Vãng sanh Tịnh Độ luận” do Ngài Thế Thân trước tác, nó trở thành bộ luận căn bản cho tông Tịnh Độ. Còn bộ kinh căn bản của tông phái này là Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Sau đó Đàm Loan (曇鸞,476-542) là người phát triển tích cực tông Tịnh độ. Sư cho rằng trong thời mạt pháp thì tự lực không còn đủ sức để giải thoát mà phải dựa vào hạnh nguyện của Phật A Di Đà. Phép tu Tịnh Độ là phải tin tưởng, phát tâm cầu vãng sanh cõi Tây phương của Phật A Di Đà và thực hành các hạnh nguyện của ngài (tín, nguyện, hành) niệm hồng danh của ngài đến nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung sẽ được A Di Đà rước đi.
10/ Luật tông : Luật tông là tông phái do Đạo Tuyên (道宣596-667) dựa theo giới luật mà thành lập. Theo Đạo Tuyên, việc giữ giới luật là một yếu tố quan trọng trong tu học. Sư nhấn mạnh đến tính quan trọng của việc quy y thế phát và ghi rõ các quy định của đời sống xuất gia. Giới luật là những qui định phải tuân thủ của giáo đoàn Phật giáo. Trước khi truyền vào Trung Quốc, mỗi bộ phái Ấn Độ đều có giới luật của bộ phái mình. Thế nhưng, khi truyền đến Trung Quốc chỉ có 4 bộ “Ma Ha Tăng Kỳ luật” do Ngài Pháp Hiển và Phật Đà Bật Đà La dịch; “Thập Tụng luật” do hai Ngài Phất Nhã Đa La và Đàm Ma Lưu Chi dịch; “Tứ phần luật” do Ngài Phật Đà Da Xá đời Diêu Tần dịch; “Ngũ Phần luật” do Ngài Phật Đà Thập dịch, là được lưu hành. Dần dà Tứ Phần luật trở thành bản luật phổ biến của Phật giáo Trung Quốc, được duy trì và phát triển cho tới ngày nay. Luật tông được Giám Chân (zh. 鑒真, ja. ganjin) truyền qua Nhật năm 745.
Tóm lại, trong 10 tông phái Phật giáo Trung Quốc nêu trên, có thể chia ra 5 khuynh hướng chính về phương hướng tu tập : 6 tông phái thuộc về giáo môn (từ 1-6) chủ trương dùng ý thức học hiểu, dùng quán tưởng để phá chấp, giải trừ thói quen (tập khí) để dần dần giác ngộ. Mật tông dùng phương pháp chân truyền, niệm chú để giải trừ tập khí từ đó giải thoát khỏi các trói buộc. Tịnh Độ tông dựa vào tha lực, hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà, niệm hồng danh để cầu vãng sanh Tịnh Độ bất thoái chuyển, từ đó mới an tâm tu dần đến giác ngộ. Thiền tông thì tìm cách phát khởi nghi tình, từ nghi đến ngộ, ngộ tức là giải thoát, ngộ tất cả chỉ là mở mắt chiêm bao, không có người nào cần giải thoát, cũng không có pháp nào để giải thoát (vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở úy). Luật tông thì nghiêm trì giới luật, không tạo nghiệp mới, dần dần giải trừ nghiệp cũ từ đó giải thoát. Thật ra thì tất cả tông phái Phật giáo đều phải giữ giới luật, nhưng không đặt nặng thành phương pháp tu trì để giải thoát như Luật tông.
Chúng ta cũng thấy rằng phần lớn kinh điển Phật giáo thuộc Đạo đế, tức con đường, phương pháp tu hành, tông chỉ để thực hành tu tập. Vì căn tánh của chúng sinh rất khác nhau, Phật phải chế ra tám vạn bốn ngàn pháp môn để hướng dẫn chúng cách tu hành giải thoát. Đại Tạng Kinh sở dĩ đồ sộ là vì có quá nhiều pháp môn, quá nhiều kinh điển làm phương tiện để cứu độ, giống như những chiếc bè đưa người qua sông, qua được bên kia bờ rồi thì phải bỏ chiếc bè để còn đi đây đó một cách tự do. Khi chúng ta còn mê chấp, là con bệnh thì cần uống thuốc, cần kinh điển hướng dẫn, giác ngộ rồi thì biết bệnh cũng không có thật, mà thuốc cũng không phải thật.
Truyền Bình
Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com
No comments:
Post a Comment