Friday, October 26, 2012

Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam

Những ngôi chùa cổ Việt Nam đều có qui chuẩn vô cùng tinh tế, đó là tam giới giao hòa: mái tượng trưng cho tầng trời, với đất; thân là nơi thần và người tiếp cận, thông nhau, âm dương giao hòa.

Đạo Phật được nhân dân ta rất tôn trọng bởi sự gần gũi với tín ngưỡng cổ của người Việt: đạo Mẫu, bắt nguồn từ đời nguyên thuỷ từ mấy nghìn năm trở về trước. Chiêm bái những ngôi chùa cổ trên dải đất hình chữ S, ta đều thấy có sự tương đồng trong kiến trúc. Đó là qui mô không lớn, thấp thoáng bên những ngôi nhà bình dị, hiền lành của những người dân một nắng hai sương, là những ngôi chùa nhỏ, gần gũi nhưng nhưng trang nghiêm, thầm lặng tỏa ra sức mạnh vô hình của đạo Phật và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Có lẽ xuất phát từ Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất của con người, giúp con người ta luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp của Chân – Thiện – Mỹ với đức từ bi hỷ xả. Bước chân vào những ngôi chùa nhỏ, con người ta thấy như được hoà vào thiên nhiên, hoà vào vũ trụ, hoà với thế gian của bản thân họ và họ tự nguyện, tin tưởng, thành tâm hướng về chính đạo, chứ hoàn toàn không bị áp chế do một áp lực tinh thần nào. Sự vĩ đại của đạo Phật và người theo đạo là ở cái tâm thánh thiện chứ không phải hình thức. Cũng chính vì vậy đạo Phật có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân, ngay những người không theo đạo Phật cũng có lệ ăn chay vào những ngày mồng một hay ngày rằm…
Phật giáo ngay từ khi xuât hiện tại Việt Nam đã được bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Bởi vậy Phật giáo đã cùng sinh tồn cùng dân tộc trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, nhiều triều đại, đạo Phật được coi là Quốc Đạo.


Những ngôi chùa cổ Việt Nam đều có qui chuẩn vô cùng tinh tế, đó là tam giới giao hòa: mái tượng trưng cho tầng trời, với đất; thân là nơi thần và người tiếp cận, thông nhau, âm dương giao hòa. Vì thế nền thường để đất mộc, hoặc có lát gạch với những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước… rất gần gũi, không cao sang, nhưng thâm trầm, nghiêm cẩn.

Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ, trong đó, Phật điện là nơi cao nhất. Bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây-Mưa-Sấm-Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần này đã được “Phật hóa”. Các pho tượng này thường được gọi tượng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện, trên thực tế các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật. Nghĩa là đầy đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp, mà một trong những nét tiêu biểu chính là tướng nhục kế và khuôn mặt đầy lòng từ mẫn… Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa “tiền Phật, hậu thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu”. Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất. Những điều đó hoàn toàn không mang tính mê tín dị đoan, mà phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt. Đạo Phật và ứng xử với đạo Phật của mỗi người đi vào được bản chất tốt đẹp sâu xa của đạo, của phần “người” hơn. Mỗi người đi hành hương, chiêm bái hay dự các lễ hội cũng là trở về với thiên nhiên và nguồn cội tâm linh.

Hiện nay do nhiều yếu tố, một số ngôi chùa được xây dựng với qui mô to lớn nhằm những mục đích nhất định, xa rời không gian văn hóa kiến trúc truyền thống. Chưa nói đến một số ngôi chùa người ta nhập vào nhiều thứ không phải Phật, mà nhiều khi gắn với mê tín dị đoan... Người ta đi đến những ngôi chùa đó như một địa điểm du lịch, để thỏa chí tò mò, để ngắm nhìn thán phục trước sự to lớn rất đời thường của công trình mang cái vỏ đạo Phật, để cầu lợi… Thực tế những kiến trúc được gọi là chùa đó đã vô hình bóp chết cái tâm trong sáng trong mỗi con người. Thậm chí qui mô to lớn, có phần thái quá của một số ngôi chùa hiện nay làm cho người ta cảm thấy nhỏ bé, choáng ngợp trước thiên nhiên, bị qui phục, chứ không xuất phát từ cái tâm trong sáng. Nếu những ngôi chùa cổ mang một vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, thì những ngôi chùa đồ sộ kia chỉ thuần tính tôn giáo, xa rời với bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính vì vậy, việc giữ gìn và bảo tồn những ngôi chùa cổ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đó là tiếng nói của tổ tiên, là di sản văn hóa của dân tộc trên con đường phát triển. Đồng thời đã đến lúc cần có những qui định cho kiến trúc một ngôi chùa, dân tộc, hiên đại, phù hợp với đạo đức và tâm hồn người Việt trên con đường hội nhập và phát triển.

Trần Thi
Nguồn:.hoalinhthoai.com

No comments:

Post a Comment

Popular Posts