Sunday, December 9, 2012

"ĐI" VÀ "CHẠY"

Trong ngôn ngữ Việt, từ "đi" được người Việt sử dụng với một tỉ lệ tương đối lớn trong văn viết và khẩu ngữ hàng ngày. Để nói về một hành động nào đó, người Việt thường dùng một động từ kèm theo với từ "đi". Chẳng hạn: ăn đi, ngủ đi, làm đi, dậy đi, học đi, nói đi, chết đi, sài đi, lấy đi, khóc đi, cười đi, nhậu đi, lên đi, xuống đi, vào đi, chạy đi... Có lẽ do hành trình khai phá và lập quốc của người Việt đã ảnh hưởng ít nhiều đến ngôn ngữ chăng(?).


Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam và Quốc tế, tộc Việt từ vùng Bắc bộ hiện nay, vượt lên phía Bắc tới bờ Nam sông Dương Tử khai phá, lập nên một quốc gia hùng cường, văn minh sử sách gọi là Bách Việt mà tộc Việt ngày nay là hạt nhân.

Sau đó, Bách Việt (trong đó có tộc Việt) bị tộc Hán phương Bắc tràn đánh. Tộc Việt phải bỏ vùng đất mới quay trở về vùng đất cũ của mình. Rồi do yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước, Việt tộc lại phải lùi vào phương Nam. Lịch sử buộc tộc Việt phải "đi" nhiều lần như thế để bảo tồn dân tộc. Vì "đi" nhiều nên có lẽ ít nhiều đã ảnh hưởng đến cách dùng từ của tộc Việt.


Lịch sử đã qua! Còn nay, có hiện tượng cũng na ná như thế trong dùng từ. Ngày xưa, cha ông ta "đi" một cách từ tốn, đỉnh đạc và hào khí. Ngày nay, trên đất Việt còn "một bộ phận không nhỏ" hể một chút là "chạy". "Chạy" một cách lén lút, lo âu, sợ hải không còn phí phách và nhân cách của người Việt. Vì thế, trong ngôn ngữ Việt xuất hiện các từ: chạy án, chạy chức, chạy việc, chạy tội, chạy ghế, chạy tuổi, chạy bằng, chạy điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy công chức, chạy thành tích, chạy chổ...

"Đi" để khẳng định mình, để tìm cho dân tộc mình một vùng đất mới để phát triển. "Chạy" là phủ định mình, phủ định sức sống tiềm tàng của tộc Việt, là sợ hãi, là tiêu cực, là hối lộ... Trong tương lai, còn có từ nào khác hơn như từ "Chạy" trong từ ngữ Việt nữa không?

Hoàng Lạc
Ảnh minh hoạ: Internet

No comments:

Post a Comment

Popular Posts