Hà Văn Thùy
Bách Việt tiên hiền chí là pho sách lớn, gồm bốn quyển kể về 120 vị tiên hiền người Bách Việt, được tác giả Âu Đại Nhậm, một nhân sĩ người Việt, viết vào năm Gia Tĩnh thứ 33 triều Minh (1554). Sách được sử quán coi là tài liệu lịch sử chính xác, cho khắc in và đóng chung vào mục Văn nghệ chí, cất giữ ở Tứ khố toàn thư.
Nguồn: http://www.anviettoancau.net
Bách Việt tiên hiền chí là pho sách lớn, gồm bốn quyển kể về 120 vị tiên hiền người Bách Việt, được tác giả Âu Đại Nhậm, một nhân sĩ người Việt, viết vào năm Gia Tĩnh thứ 33 triều Minh (1554). Sách được sử quán coi là tài liệu lịch sử chính xác, cho khắc in và đóng chung vào mục Văn nghệ chí, cất giữ ở Tứ khố toàn thư.
Năm 1772 vua Càn Long nhà Thanh cho mở Tứ khố toàn thư thì Bách Việt tiên hiền chí được tìm thấy không còn trọn vẹn, nhiều đoạn, nhiều chữ bị hư nát.
Năm 1831, nhà sách Văn Tự Hoan Ngu Thất khắc in nguyên văn còn sót lại gồm 103 vị tiên hiền.
Năm Trung Hoa Dân quốc thứ 26 (1936) Thương Vụ Ấn Thư Quán Thượng Hải in lại bản của Văn Tự Hoan Ngu Thất.
Năm 2006, Giáo sư Trần Lam Giang dịch sang tiếng Việt và được Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam xuất bản tại California, Hoa Kỳ. Sách dầy 610 trang, khổ 13x20,5.
Theo quan niệm truyền thống, được định hình trong Từ Hải thì: “Bách Việt , tên của chủng tộc, cũng viết là. Theo sách Thông khảo dư địa khảo cổ Nam Việt: từ Ngũ Lĩnh về phía Nam, cùng thời với Đường, Ngu, Tam Đại, là nước của Man Di, ấy là đất của Bách Việt.”
Nhưng ngày nay, với những khám phá mới về nhân học, lịch sử, ta biết rằng, từ hàng vạn năm, trước khi người Hoa Hạ ra đời, toàn bộ đất Trung Hoa là giang sơn của tộc Việt. Người Việt từ Việt Nam lên đã xây dựng ở đây nền văn minh nông nghiệp lúa nước sớm và phát triển nhất hành tinh. Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ từ Tây Bắc vượt Hoàng Hà, xâm lăng đất của người Việt. Tại trung Nguyên, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt sinh ra người Hoa Hạ. Với thời gian, người Hoa Hạ dựa trên nhân tài vật lực và văn hóa của tộc Việt, xây dựng các quốc gia Trung Hoa. Cho tới thế kỷ III TCN, xung quanh vương triều Chu của Trung Quốc vẫn là những quốc gia hùng mạnh của tộc Việt: Ba, Thục phía Tây; Ngô, Sở phía Đông; Văn Lang phía Nam.
Khi tiêu diệt Ba, Thục và Sở, nhà Tần đã sáp nhập toàn bộ đất đai, con người và văn hóa các quốc gia Việt vào đế quốc Tần.
Nổi lên chống nhà Tần là Hạng Võ và Lưu Bang đều là người Việt. Khi chiến thắng, Lưu Bang lấy tên tộc Hán của mình đặt tên cho vương triều. Đến thời nhà Nguyên, người Trung Hoa được gọi là người Hán. Nhưng thực chất, đó là người Việt, bởi lẽ Hán, Hàn, Hon, Hòn là cách đọc khác nhau (phương ngữ) của cùng một chữ 漢 (một trong rất nhiều chữ Việt) được dùng để gọi những nhóm Việt thuộc chủng Mongoloid phương Nam sống rải rác trên địa vực xưa của nước Sở.
Nói cho cùng, lịch sử của một quốc gia chính là lịch sử của những cộng đồng dân cư chủ đạo tạo nên quốc gia đó. Như vậy, lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử của tộc Việt đã và đang sống trên đất Trung Hoa.
Với cái nhìn như thế về lịch sử, ta tiếp cận Bách Việt tiên hiền chí trong ánh sáng mới.
Không chỉ 103 vị có tên trong sách mà nhìn xa hơn, từ Phục Hy, Thần Nông, Nữ Oa tới Nghiêu, Thuấn, Vũ, Chu công, Khổng Tử… chính là những tiên hiền người Việt! Tiếp đó là những anh hùng hào kiệt như Phù Sai, Câu Tiễn…
Nếu được công bố sớm hơn, sách này sẽ có giá trị của ngọn đuốc xua bớt sự u minh lịch sử, giúp người Việt tìm về nguồn cội. Nay, dù hơn bao giờ hết, lịch sử được khám phá trở nên minh bạch thì với tư cách một tác phẩm lịch sử chân thực, giầu chất văn học, Bách Việt tiên hiền chí vẫn còn nguyên giá trị .
Có thể bạn đọc sẽ thằc mắc, vì sao những tên tuổi lẫy lừng như Phù Sai, Câu Tiễn, Hạng Võ, Lưu Bang, Tiêu Hà, Hàn Tín, Tào Tham, Anh Bố, Văn Ông, Thiệu Bình… không có trong sách? Nhưng đọc xong rồi, ta hiểu thâm ý của tác giả. Đây không phải công trình thống kê danh nhân mà là tấm bia vinh danh người hiền có cơ bị khuất lấp.
Có ba dạng người hiền được tôn vinh.
Đó là những bậc kinh bang tế thế như Văn Chủng, Kế Nghê, Phạm Lãi phò Việt vương Câu Tiễn. Như Công Sư Ngung giúp vua Việt chấn hưng miền Giao Quảng, Nghiêm Trợ giúp Hán Vũ đế.
Dạng thứ hai là những người có những sáng tạo kiệt xuất như Âu DÃ Tử rèn kiếm, Trần Âm đưa nghề bắn cung trở thành điêu luyện, Thái Luân chế giấy, triết gia Vương Sung làm sách Luận Hành hơn hai mươi vạn chữ, được thức giả đời sau theo học. Sử Lộc đào kênh cho thuyền lương xuống phía nam. Tại những đoạn sông quá dốc, ông cho đắp đập để nước dâng lên giúp thuyền đi lại dễ dàng, vừa giúp cho thủy lợi.
Dạng hiền thứ ba có lẽ đông đảo hơn, là những người trung hiếu tiết nghĩa như Nghiêm Quang bạn thời nhỏ của Quang Vũ. Khi Quang Vũ lên ngôi thì thay tên đổi họ, đi ở ẩn. Hà Đan từ thiện, hiếu đễ yêu dân như con. Trầm Phong làm thái thú, thượng tôn pháp luật, thận trong khi dụng hình. Cố Phụng và Công Tôn Tùng biết trọng dụng người hiền, nức tiếng hiền tài văn học. Như Trần Hiêu, láng giềng lấn đất, không tranh chấp đòi lại. Khi láng giềng hổ thẹn, trả lại đất, Hiêu không nhận, dùng đất ấy làm đường làng. Trịnh Hoành khi thầy học bị án oan, chết, vợ con bị giam cầm tra tấn. Học trò và người thân xa lánh. Hoành gọt đầu như kẻ tử tội, mang theo đao của người chịu chết chém đến cửa khuyết kêu oan cho thầy. Nỗi oan sáng tỏ, Hoành tự để tang thầy rồi đưa gia quyến thầy về quê nhà phụng dưỡng…
Rõ ràng là, cùng với tôn vinh những anh hùng hào kiệt làm nên lịch sử, tác giả dành nhiều tâm huyết biểu dương những người hiền giữ đạo trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nét nhân bản tiêu biểu của văn hóa tộc Việt.
Về nghệ thuật, Bách Việt tiên hiền chí đựơc viết dưới dạng sử truyện, gần gũi phong cách của Sử ký, dưới mỗi truyện đều ghi rõ nguồn tham khảo, đảm bảo sự xác tín. Với số lượng câu chữ ít nhất, tác giả tài tình khắc họa những nét tiêu biểu nhất khiến nhân vật của ông in dậm dấu ấn trong tâm trí người đọc. Nét đặc sắc nữa là tác giả dựng được nhiều câu đối thoại sắc sảo không chỉ thể hiện được tính cách nhân vật mà còn làm giầu thêm chất triết lý, khiến cho sách có được sức sống lâu bền. Sách còn có những đoạn mô tả phải nói là tuyệt bút như đoạn Phong Hổ Tử nhận xét về kiếm: “Nhìn vào lưỡi kiếm Long Uyên, cảm như đến bờ vực thẳm, lên đỉnh núi cao. Nhìn vào lưỡi kiếm Thái A, lấp loáng rờn rợn, như sóng gợn nước trôi. Nhìn vào văn kiếm Công Bố, từ mũi đến cán, đẹp như ngọc báu mà không thể đeo, miên man như nước biếc, sóng lớp lăn tăn, triền miên bất tuyệt.”
Giáo sư Trần Lam Giang hẳn phải bỏ ra nhiều tâm huyết và công sức để có được bản dịch tín, đạt, nhã với thứ tiếng Việt chân phương, sáng rõ. Không chỉ vậy, bản dịch còn sáng giá thêm nhờ sự chú giải công phu, không những giúp người đọc hiểu rõ từng truyện mà còn có dịp học biết sâu thêm lịch sử văn hóa của dòng Bách Việt.
Gấp sách lại, ấn tượng còn mang mang trong ta là lòng biết ơn các tiên hiền và cảm thức tự hào về nguồn cội vẻ vang. Dù có buồn có tủi do những gì không toại ý hôm nay, nhìn vào sách này, ta thấy ấm áp niềm tin với những tia hy vọng, như châu về Hợp Phố, có ngày những giá trị tốt đẹp xưa lại trở về với dân Việt!
Xin chân thành cảm ơn Gs Trần Lam Giang và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam.Nguồn: http://www.anviettoancau.net
No comments:
Post a Comment