Monday, December 3, 2012

TÂY BA LÔ đến với văn hoá Việt

Phần đông khách du lịch nước ngoài có nhu cầu nghỉ ngơi ở những nơi phong cảnh đẹp. Do đó, mặt trời, cát biển đối với họ cực kỳ quan trọng. Những thứ này ở ta, một nước nhiệt đới có nhiều bãi biển đẹp không thiếu. Hình ảnh lộng lẫy của Vịnh Hạ Long trong bộ phim Pháp có tên "Đông Dương" ít nhiều đã lôi cuốn họ...

Ngoài nhu cầu trên, họ cũng có nhu cầu cao hơn về văn hoá: tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam... Nhu cầu này ngày càng tăng trong thế giới hội nhập và toàn cầu. Không ít du khách đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu văn hoá. Trong số này, chúng ta đang bỏ quên một loại "thượng khách" mà lâu nay ta gọi một cách giễu cợt và không mấy thân thiện là "Tây ba lô". Đa số họ đều rất đáng mến. Họ là những thanh niên phương tây có học, ít tiền muốn thăm và tìm hiểu về Việt Nam mà họ có cảm tình hoặc chán với lối sống vật hoá nơi quê họ... Họ bị anh phục vụ khách sạn, cô bán hàng, thậm chí bác xích lô... coi thường, chỉ vì ăn mặc giản dị, bình dân, thậm chí có lúc lôi thôi và chi tiêu thì dè sẻn. 

Chúng ta quên một điều: kinh doanh du lịch đâu chỉ có lợi nhuận vật chất trước mắt mà còn phải thu lãi tinh thần lâu dài, trong tương lai. Trong số họ có những sinh viên, những trí thức chưa có việc làm, những nhà hoạt động văn hoá, xã hội tích cực... Chỉ cần một lời nói chân tình và có thiện cảm của họ đối đất nước chúng ta ra thế giới bên ngoài, đó là quảng bá vô giá, không kể được so với lãi vài đô la của khách sộp mang lại!


Giáo sư Hữu Ngọc có kể: Một "Tây ba lô" người Luxembug 25 tuổi, tốt nghiệp ba bằng tiến sĩ ở Pháp chưa có việc làm, còn một tháng rưỡi trước khi đi Mỹ học, anh tranh thủ thăm Việt Nam với số tiền dành dụm ít ỏi. Anh mua một chiếc xe đạp cũ, đi dọc quốc lộ từ Bắc vào Nam, qua Tây nguyên, ngủ ở các làng ven đường, chụp ảnh và tìm hiểu về phong tục tập quán để viết về Việt Nam mà anh yêu quý.

Những khách du lịch như vậy thật là đáng quý và trân trọng! Những tổ chức và công ty du lịch nên tạo điều kiện và thu xếp cho họ những chiến đi gần và rẻ tiền về một chủ đề văn hoá nào đó (lễ hội, làng nghề, đình làng, di tích lịch sử, v.v...). Chỉ cần một thời gian ngắn họ có thể nắm được một số giá trị về triết lý, lịch sử, nghệ thuật, tâm linh Việt. Mong lắm thay!

Hoàng Lạc
Ảnh: Internet

No comments:

Post a Comment

Popular Posts