Ngày nay, nhiều người khắp nơi trên thế giới, bất luận là theo tôn giáo nào, họ đều ý thức được lợi ích của thiền định. Mục đích gần của thiền là để rèn luyện tâm và dụng tâm một cách có hiệu quả cao trong đời sống thường nhật. Mục đích tối hậu của thiền là để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Mặc dù thiền định được xem là một việc làm khó nhất, nhưng những lợi ích tích cực thì có thể đạt được ngay trong giờ phút hiện tại nếu chúng ta chuyên tâm thực hành. Những lợi ích của thiền định có thể được tóm tắt như sau:
- Nếu là người bận rộn, thiền định có thể giúp bạn buông bỏ căng thẳng và tìm đến sự thư thả.
- Nếu là người lo âu, thiền định có thể làm cho bạn bình tĩnh và tìm đến tâm an bình.
- Nếu bạn là người có nhiều vấn đề, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và nghị lực để đối đầu và vượt qua.
- Nếu bạn thiếu tự tin, thiền định có thể giúp bạn có được tự tin (tự tin là bí quyết thành công trong cuộc sống).
- Nếu bạn có tâm lo sợ, thiền định có thể giúp bạn thấu hiểu thực chất của những vấn đề khiến bạn hoảng loạn, lúc đó bạn có thể khắc phục tâm lo sợ.
- Nếu bạn luôn bất mãn và không có gì trong đời sống làm bạn thỏa mãn, thiền định có thể giúp bạn tạo cơ hội để phát triển và duy trì sự hài lòng với chính mình.
- Nếu bạn hoài nghi và không quan tâm đến cách sống tôn giáo, thiền định có thể giúp bạn vượt qua thái độ hoài nghi và thấy được những giá trị thực tiễn trong đạo pháp.
- Nếu bạn thất bại và khổ sở do thiếu hiểu biết về tình trạng bấp bênh của đời sống và thế giới, thiền định có thể hướng dẫn và giúp bạn hiểu biết tính phù du của các pháp thế gian.
- Nếu bạn là người giàu có, thiền định có thể giúp bạn nhận chân bản chất sang trọng, cao cả của bạn và cách sử dụng nó không những vì chính hạnh phúc của bạn mà còn vì hạnh phúc tha nhân.
- Nếu bạn là người nghèo khổ, thiền định có thể giúp bạn phát triển sự tri túc và không chứa chấp lòng ganh tỵ trong lòng với những ai giàu có hơn bạn.
- Nếu bạn là một thanh niên đang ở "ngã ba đường" không biết rẽ về đâu, thiền định có thể giúp bạn tìm thấy chánh đạo để đi đến mục đích mà bạn đã chọn.
- Nếu bạn là một người đứng tuổi, chán ngán cuộc sống, thiền định có thể mang lại cho bạn sự hiểu biết cuộc sống sâu sắc hơn; sự hiểu biết này lần lượt sẽ làm vơi đi những nỗi đau của bạn và gia tăng niềm vui sống.
- Nếu bạn nóng tính, bạn có thể phát triển sức mạnh để khắc phục nhược điểm của tính nóng nảy, thù hận để trở thành người điềm đạm và tỉnh táo hơn.
- Nếu bạn ganh tỵ, bạn có thể hiểu rằng những thái độ tinh thần tiêu cực không bao giờ đóng góp bất cứ điều gì cho lợi ích của bạn.
- Nếu bạn không thể giảm thiểu tham ái đối với các dục lạc, bạn có thể học cách trở thành người làm chủ những dục lạc của bạn.
- Nếu bạn nghiện rượu hoặc ma túy, bạn có thể vượt qua thói quen nguy hiểm đã
từng làm cho bạn nô lệ.
từng làm cho bạn nô lệ.
- Nếu bạn là người hẹp hòi, bạn có thể phát triển trí sáng suốt để mang lại lợi ích cho chính mình, bạn bè và gia đình; và tránh sự hiểu lầm.
- Nếu bạn khổ sở từ những hỗn loạn như những chứng suy nhược thần kinh và xáo trộn tinh thần, thiền định có thể làm khơi dậy những năng lực tích cực trong thân tâm bạn để phục hồi sức khỏe, đặc biệt nếu chúng thuộc những vấn đề thần kinh.
- Nếu bạn là người nhu nhược hoặc có tính mặc cảm tự ti, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và khắc phục nhược điểm.
- Nếu bạn là người sáng suốt, thiền định sẽ hướng dẫn bạn đến trí tuệ cao siêu. Lúc đó bạn sẽ thấy chân tướng của các pháp, và không còn chấp theo hình tướng bên ngoài nữa...
Đây là một số điều lợi ích thiết thực phát xuất từ việc thực hành thiền định. Những lợi ích này không thể rao bán trong các cửa hiệu hay cửa hàng bách hóa mà bạn muốn có thì phải thực tập thiền và rèn luyện tâm mỗi ngày. Tâm là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc và cũng là chìa khóa mở cánh cửa khổ đau. Hiểu được tâm và khéo dụng tâm là công việc hơn hẳn đời sống thanh bình và thỏa mãn.
Một số người cho rằng thực tập thiền rất khó vì khi hành thiền họ gặp phải loạn động rồi cho rằng không ai có thể đoạn trừ loạn động ấy. Thực ra, trong thế giới chúng ta đang sống không có nơi nào mà không có loạn động. Nhưng với sự khéo léo và hiểu rõ sự vật một cách hợp lý thì chúng ta sẽ biết cách bảo vệ tâm của mình, chống lại bất kỳ hình thức xáo trộn nào. Đức Phật dạy: "Khi bạn thấy bất kỳ sự vật gì, bạn cũng đừng chấp chặt vào sự vật đó mà phải dùng tâm để phát triển sự cảm nhận sâu sắc vào bản chất thật của sự vật hiện tượng".
Hãy quan sát mọi vật với sự rõ biết. Tốt hơn bạn không nên đắm say vào nó nếu bạn thật sự muốn giữ tâm yên tĩnh. Hãy để cho tâm tự do không dính mắc vào một thứ nào. Khi nghe âm thanh dù vui hay buồn, chỉ nghe với sự rõ biết. Bạn phải có chánh niệm để tránh sự tác động của âm thanh, lúc đó tâm của bạn mới không bị vướng mắc vào những gì mình đang có. Bạn phải rèn luyện tâm để duy trì sự bình yên nội tại.
Ngoại cảnh và sự hưng phấn thường làm cho tâm bị xáo trộn nên ý niệm tham lam, ganh tỵ, sân si, vọng tưởng sẽ phát sinh; chúng làm cho tâm ô nhiễm. Thiền là phương tiện giúp ta bảo vệ tâm. Người khéo dụng công, khi tập trung vào bất kỳ sự vật hiện tượng nào dù vui hay buồn mà vẫn không có lòng tham đắm hay thù hận phát khởi.
Chúng ta thường dành nhiều thời gian để chăm lo cho thân thể như tắm rửa, giặt áo quần, ăn uống, trang điểm, thư giãn... nhưng thử hỏi chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để quan tâm đến tâm?
Nhiều căn bệnh và chứng rối loạn có thể tránh được nếu chúng ta biết dành thời gian thực tập thiền, rèn luyện tâm để giữ tâm yên tĩnh. Nhiều người không tin hoặc do lười biếng không hành thiền, không am tường về thiền nên cho rằng thiền chỉ là lãng phí thời gian.
Thiền có thể giúp con người vượt qua thân bệnh và duy trì sức khỏe thông qua sự phát triển của tâm. Khi tâm thoải mái, chúng ta dễ dàng tiếp thu kiến thức hoặc nhạy bén hơn. Khi tâm chứa ý tưởng xấu, những tạp nhiễm này có thể gây tổn thương thân thể. Y học ngày nay cũng chấp nhận rằng tâm là nguồn gốc của các loại bệnh và tương tự tâm cũng có thể được dùng để điều trị bệnh.
Thích Quảng Đạt dịch theo Meditation the only way
Nguồn: Báo Giáo ngộ online
No comments:
Post a Comment