Thursday, December 13, 2012

Khi học giả Trung Quốc nói thật(*)

Trước tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng, tiếp theo cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất (năm 2009), cuộc Hội thảo lần thứ hai có tên “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực” do Học viện Ngoại Giao và Hội luật gia Viêt Nam đứng ra tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10 đến 12/11/2010. Hội thảo lần này được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm không phải vì nó diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 mà vì tình hình Biển Đông đang nóng lên trước hành đồng xâm lấn biển đảo trắng trợn của phía Trung Quốc.

Bài viết ngắn này không nhằm trình bày về cuộc hội thảo mà chỉ nêu lên một hiện tượng cho thấy người Trung Quốc đang đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan rất nguy hiểm. Không ai khác mà chính bộ máy cầm quyền nước này đã và đang cố tình "hâm nóng" tinh thần dân tộc cực đoan Đại Hán đã có từ thời các Hán đế, trong đó Hán tộc được coi là "con trời" trong khi tất cả các dân tộc khác chỉ là man di mọi rợ, các nước láng giềng chỉ là "phiên thuộc" của Vương Triều . Cách tư duy này thực sự nguy hiểm không kém gì tư tưởng "đại Đức" của phát xít Hit-le thời kỳ trước Thế chiến II , và nếu không bị ngăn chặn rất có thể sẽ đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh mới.

Ngay trong ngày đầu của Hội thảo, dư luận đã ngỡ ngàng trước những cách lập luận thiên lệch không giống ai của các đại biểu Trung Quốc. Một vị tiến sĩ tên là Vương Hàn Lĩnh (của Viên Luật pháp Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) đã trâng tráo tuyên bố : “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Cũng chính là vị tiến sĩ này trước đó đã giảng giải một cách đầy tự tin rằng “Anh có thể tự lựa chọn cách giải quyết tranh chấp mà anh cho là tốt nhất, có thể phân định được lãnh hải bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là anh không thể tự lựa chọn được hàng xóm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là hàng xóm, qua biết bao thế hệ và còn tiếp tục với rất nhiều thế hệ nữa”....và không quên đe dọa : “Nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh. Điều này không hề tốt cho tương lai”. (xem thêm tại www.tuanvietnamnet ngày 11/11/2010).

Thì ra, lâu nay thế giới dường như đã quên cơn ác mộng của các loại chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong đó có chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Nhân dân Việt Nam cũng đã ngui ngoai phần nào nỗi uất hận trong quá khứ , kể cả cuộc chiến tranh biên giới 1979, bán tín bán nghi về sự "cải tà quy chính" của ông bạn láng giềng đang chuyển hóa từ chế độ phong kiến lạc hậu sang thế giới đại đồng (!) trong khi cả thế giới quen nghĩ về Trung Quốc như một nước đông dân kém phát triển như con "hổ giấy" vậy!. Ít ai tin rằng cái quốc gia đông dân và nghèo đói này không lúc nào quên ủ giấc mộng bá chủ đã có từ hàng ngàn năm trước. Giấc mộng đó mạnh đến nỗi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước khi chết đã phải căn dặn con cháu phải biết "chờ thời", tức là đừng quá nóng vội mà bộc lộ dã tâm quá sớm sẽ làm hỏng mưu đồ bá vương!

Tò mò trước những lập luận cuồng tín của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tôi thử tìm trên mạng thì thấy tức tin nói về kết quả của một cuộc khảo sát vừa mới được hãng thông tấn Mỹ- Global Times thực hiện, trong đó lấy ý kiến của hơn 1.300 người dân tại 6 tỉnh thành lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Trường Sa, Tây An và Thẩm Dương về giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Kết quả khảo sát cho thấy, trong hơn 90% người tham gia trả lời, trong đó 39,8% cho rằng phải chiến đấu để khẳng định chủ quyền; 35,3% cho rằng nên đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền qua một bên và cùng nhau phát triển trong khi vẫn tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền; chỉ có 18,3% đồng ý xác định lại biên giới lãnh hải cùng với các quốc gia hữu quan. Cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số người dân Trung Quốc xếp Việt Nam là nước kẻ thù số 3 cần đề phòng sau Mỹ và Nhật Bản!

Khi được hỏi lý do tại sao, một số người cho rằng có thể việc giáo dục lịch sử cũng như tình trạng kiểm soát thông tin tại Trung Quốc đã dẫn đến nhận xét trên…Vì theo họ, không ít người dân Trung Quốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã được giáo dục rằng chủ quyền của hai quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Trường Sa và Hoàng Sa) là thuộc về Trung Quốc, nhưng bị Việt Nam và các nước khác chiếm đoạt (!?).

Bình luận về kết quả khảo sát nói trên, Tiến sĩ June Teufel Dreyer, Giảng viên Khoa học Chính Trị của trường đại học Miami cho rằng "Sách của Trung Quốc đã phá hỏng lịch sử một cách nặng nề bởi vì Việt Nam đang nắm giữ Trường Sa vào thời điểm mà Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm lấy nó vào khoảng những năm 1974 – 1975. Vì vậy, tôi không hiểu vì sao mà người ta có thể nói rằng các quần đảo trên là của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người đã đọc sách giáo khoa của Trung Quốc thì nói rằng có nhiều điều không hẳn là đúng sự thật".

Bản đồ minh họa các "chư hầu" thời Vương Tiều 

Tiến sĩ Dreyer cũng nhận xét: “Mặc dù mọi cuộc khảo sát đều mang tính tương đối, nhưng trước con số khá cao mang tính thể hiện sự đồng lòng của người dân Trung Quốc đối với các quyết định của chính quyền khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về sự thành công của chính sách giáo dục và sự kiểm soát thông tin hữu hiệu của Bắc Kinh trong mục tiêu phục vụ cho chính trị. Vấn đề ở chỗ, hy sinh dân trí để đạt được mục tiêu chính trị lại không phải là lựa chọn của một xã hội dân chủ và văn minh”.

Thì ra Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh và các học giả Trung Quốc đã nói rất thật về tình trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong xã hội Trung Quốc đương đại. May thay sự nói thật của họ dù sao cũng giúp cảnh báo thế giới về nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán đang đến gần.
(*) Đây là một entry cũ được chuyển từ blog trên Yahoo Vietnam sắp đóng cửa.

Trần Kinh Nghị
Nguồn: http://trankinhnghi.blogspot.com

No comments:

Post a Comment

Popular Posts