Wednesday, December 5, 2012

Đi chùa Nổi mùa nước nổi

 Chùa Nổi được xây dựng cách đây hơn 200 năm, trên một gò cao thuộc ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, thuộc vùng sâu của Đồng Tháp Mười. Chùa còn có tên gọi là Nổi Cổ Sơn Tự, chưa khi nào vắng khách dù ở tận vùng sâu giáp biên giới Campuchia.


Chùa Nổi, còn gọi là 'Nổi Cổ Sơn Tự'.

Người ta đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ có niên đại 'cổ lai hy' mà còn để tìm hiểu về ngôi chùa với kỳ tích được lưu truyền trong dân gian, qua bao mùa lũ đỉnh cao, chùa vẫn không bao giờ bị chìm chân dưới nước.


Chùa Nổi không lớn, kiến trúc đơn giản nhưng luôn đông khách thập phương vì nơi đây được xem là chốn thuần khiết cho đời sống tín ngưỡng, tâm linh và mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Nhiều người đến nơi đây còn được nghe một câu nói vui: "Muốn nổi thì phải đi chùa Nổi vào mùa nước nổi". Bởi khi ấy giữa bốn bề là nước, chùa Nổi bật lên giữa những tán cây cổ thụ cao ngất, xanh rì. Muốn tới chùa, thì chỉ còn cách ngồi xuồng mà đi qua sông.


Một số tài liệu viết rằng chùa được xây dựng vào năm 1823, do thiền sư Thiện Nhiêu tạo dựng. Sư trụ trì hiện nay của chùa là sư thầy Thích An Phát cho biết: "Tính đến nay chùa đã tồn tại khoảng 250 năm. Tôi cũng không rõ chùa được dựng vào năm nào. Trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh ác liệt, chùa đã bị hư hỏng nặng. Ngôi chùa hiện tại được sửa chữa lại và xây dựng thêm vào năm 1985".

Cùng với chùa Gò Ô ở Hưng Điền A, chùa Nổi là một trong những di tích tại Long An mang đậm nét "Văn hóa Rạch Núi" của cộng đồng cư dân nông nghiệp lâu niên ở Nam bộ. Tại đây, năm 2002, những nhà khảo cổ đã thu nhặt được nhiều di vật liên quan đến kiến trúc cổ thuộc văn hóa Óc Eo như gạch xây dựng, diềm ngói, đầu ngói búp sen và nhiều mảnh gốm. 


Trong đó, có phần đế của một tượng Phật tham thiền bằng sa thạch, hình tròn, màu xanh lục, được phủ một lớp patine mỏng màu xám nâu, vốn rất quen thuộc trong nhiều di tích thuộc văn hóa Óc Eo.

Ngồi trên chuyến phà lộng gió băng ngang sông Vàm Cỏ Tây qua chùa Nổi mùa nước nổi, nhìn bông điên điển lốm đốm vàng dọc bờ sông, ai đó nghêu ngao câu hát quen thuộc: "Gió Tháp Mười đã thổi rất sâu... Bầu trời thì cao mà cánh đồng thì rộng. Mà anh đi đâu... về đâu...?".

Câu hát cứ như lời trách móc giữa "bến và bờ". Bởi chùa Nổi không chỉ là nơi đến cầu nguyện ơn trên mà còn là địa điểm để thề nguyền răng long đầu bạc.


Chùa Nổi xa xôi cách trở nhưng chưa bao giờ vắng khách phương xa. Người ta đến chùa Nổi không phải để muốn "nổi" như cách nói vừa đùa vừa thật mà còn là muốn chiêm ngưỡng một Cổ Sơn Tự (tên khác của chùa Nổi), uy nghiêm trên gò đất nhỏ ở vùng giáp ranh với đất bạn Campuchia; muốn hiểu thêm vì sao ở vùng rốn lũ của Tháp Mười, 300 năm trước, những người khai phá đã chọn nơi này để xây một ngôi chùa mà qua bao mùa lũ đỉnh cao, chùa vẫn không hề chìm chân dưới nước.

Đến chùa Nổi vào mùa nước nổi bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Từ bến xe miền Tây, người ta mua vé thẳng về Mộc Hóa rồi bắt xe ôm đi đến bến phà chùa Nổi (giá xe ôm ban ngày 15.000đ, ban đêm 20.000đ).

Lênh đênh trên phà qua sông Vàm Cỏ Tây, bạn có thể cảm nhận không khí hào hùng từ thời Nguyễn Trung Trực vọng về. Nếu đến đúng dịp lễ chùa, bạn sẽ được "hậu liêu" Cổ Sơn Tự chiêu đãi miễn phí những món kèo nèo, rau hẹ nước, bông súng, bông điên điển chấm mắm tương kho, sau khi được đại sư trụ trì bốc cho một quẻ âm dương thường lành nhiều dữ ít. 


Chúng tôi hỏi sư thầy về câu chuyện dân gian tương truyền rằng, vào mùa nước lũ, cứ nước dâng đến đâu, ngôi chùa này lại nổi lên đến đó, không bao giờ ngập nước. Thầy Thích An Phát kể: "Tôi cũng không biết ngôi chùa này có nổi lên theo nước lũ hay không. Nhưng tôi đã tu tại chùa này khi còn là một thanh niên trẻ, tới nay đã gần 30 năm. Có những năm nước ròng lên đến đỉnh điểm, bốn bề trắng nước, thì ngôi chùa này vẫn không hề bị ngập. Khi ấy, nơi đây trở thành nơi chạy lũ của bà con quanh vùng".

Thầy trụ trì còn kể thêm một câu chuyện lưu truyền lại trong dân gian: 300 năm trước, nơi đây chỉ là một cái gò đất nổi lên giữa một bên là cánh đồng, một bên là dòng sông Vàm Cỏ Tây hoang vắng. Lũ trẻ chăn trâu thường chọn cái gò đất này làm nơi dừng chân, nô đùa cùng nhau. Chúng đào những chỗ đất ướt trên gò nhào nặn thành hình những ông tượng để chơi. Nhiều khi mải chơi quá mà bỏ quên cả bầy trâu.


Cha mẹ bọn trẻ giận quá mới đem những bức tượng đất quăng hết xuống sông Vàm Cỏ Tây. Nhưng có điều lạ là những tượng đất này không chìm mà nổi trên mặt nước. Dân làng thấy vậy cho đây là chốn lạ lùng, linh thiêng mới lập nên một ngôi chùa để quanh năm thờ phụng, cầu nguyện.

Ra đến cổng, chúng tôi gặp một ông lão dừng chân tránh nắng nơi bóng cây trước cổng chùa, tên Hai Chiến. Ông Chiến kể, ông sống ở vùng này đã hơn 60 năm. Năm nào vùng này cũng trắng xóa nước vào mùa nước nổi. Những năm gần đây, cuộc sống khá hơn, một số bà con đã có điều kiện nâng nền nhà mình lên cao hơn tránh lũ. Còn những năm trở về trước, mỗi khi lũ về gần như nhà nào cũng bị ngập, phải chạy lũ cực lắm. Bà con thường tìm đến chùa này xin tránh lũ. Thật kỳ lạ, ngôi chùa này nói là cao, nhưng cũng chẳng cao hơn xung quanh bao nhiêu. Vậy mà nước lũ có lên đến đâu cũng không bao giờ dâng được vào chùa".


Quan sát thì thấy, đúng là ngôi chùa này nằm trên một cái gò chỉ cao hơn so với xung quanh chút ít. Nhất là so với cây cầu treo chót vót, cao hơn mặt sông chừng 2- 3m, bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây, thì đứng ở chùa chỉ có thể ngước mặt mà nhìn lên. Ấy vậy nhưng vào mùa nước nổi, người ta vẫn không qua sông bằng đường bộ được, mà chỉ có thể ngồi xuồng, ghe mà qua chùa. Bởi vì khi ấy, con đường dẫn vào chùa sát ven sông bị ngập nước không còn lối đi. Phải chăng, điều này mãi mãi là một sự huyền bí chưa có lời giải đáp của ngôi chùa nằm trên gò nổi thiêng của miền đất Phật độ?

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ PhattuVN, PhunuToday, internet
Nguồn: dulichgo.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment

Popular Posts