Thursday, December 13, 2012

Bí Ẩn Về Cái Chết Của Hoàng Đế Quang Trung

KS. PHAN DUY KHA

Cái chết của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ mãi mãi để lại những nghi vấn cho hậu thế. Đó là cái chết đột ngột, bất ngờ, không bình thường, khi ông mới ở tuổi 40 và đang sung sức.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép: “Huệ trong lúc lấy kinh đô Phú Xuân có mạo phạm vào lăng tẩm Liệt thánh. Một ngày kia, đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: “Ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm vào lăng tẩm?”. Nói dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh, hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy bệnh ngày càng nặng…”

Gạt bỏ phần hoang đường do các sử gia nhà Nguyễn bịa ra để đề cao triều Nguyễn, ta có thể thấy rõ cốt lõi sự thật về cái chết của Hoàng đế Quang Trung. Đó là: ông đang ngồi làm việc thì bất thình lình bị xây xẩm mặt mày rồi ngã ra hôn mê, một hồi lâu được cấp cứu mới tỉnh lại.

Sau đó, bệnh càng ngày càng nặng. Xét triệu chứng của hiện tượng trên, ta có thể suy đoán Nguyễn Huệ bị bệnh cao huyết áp do làm việc quá căng thẳng, suy nghĩ nhiều, dẫn đến tai biến mạch máu não. Đối với căn bệnh này, trình độ y học thời bấy giờ đành phải bó tay, dù triều đình có các lương y tài giỏi bên cạnh như Nguyễn Gia Phan, Nguyễn Hoành (còn với nền y học của thời đại chúng ta, bệnh này nếu có thể cứu sống được cũng để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt nửa người…). Tóm lại, đây là một căn bệnh hiểm nghèo ngay cả với nền y học cuối thế kỷ XX.

Về cái chết của Hoàng đế Quang Trung, ta cũng có thể nêu một giả thiết khác. Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi: “… Vừa lúc ấy thì vua Quang Trung bị bệnh rồi mất. Hôm ấy nhằm ngày mùa thu, tháng 8 năm Nhâm Tý (1792), sau khi lên ngôi Hoàng đế được 5 năm. Trước đó, khi sứ nhà Thanh sang phong, vua Thanh đã ban cho vua Quang Trung chiếc áo bào, trong có thêu bảy chữ bằng kim tuyến: Xa tâm chiết trục, đa điền thử. Bấy giờ không ai hiểu ra sao, thì ra đến lúc này mới nghiệm”.

“Xa tâm chiết trục, đa điền thử” nghĩa đen là: bụng xe gãy trục, nhiêu chuột đồng. Chữ Xa và chữ tâm hợp lại thành chữ Huệ – tên vua Quang Trung. Chuột thuộc về Tý, ý nói năm Tý vua Quang Trung chết. Không phải ngẫu nhiên mà các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí gắn cái chết của Hoàng đế Quang Trung với chiếc áo bào vua Thanh tặng. Phải chăng người chép sử muốn kín đáo gửi gắm lại cho hậu thế một nghi án rằng: chính chiếc áo bào là nguyên nhân gây nên cái chết của vua Quang Trung? Phải chăng triều đình Tây Sơn và vua Quang Trung đã mất cảnh giác với chiếc áo bào, có thể đã được tẩm một chất độc nào đấy? Và chính chất độc từ áo đã ngấm dần qua lỗ chân lông người mặc và gây nên cái chết của vua Quang Trung?

Sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), mấy chục vạn quân Thanh bị tiêu diệt, mấy chục vạn gia đình thân nhân của binh lính nhà Thanh phải chịu tang tóc. Trong bối cảnh đó, chẳng lẽ vua Càn Long và triều đình nhà Thanh không có một chút thù hận nào đó với vua Quang Trung? Đành rằng với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, lại có sự thu xếp bên trong của Phúc Khang An, nhưng sự dễ dãi của Càn Long và triều đình nhà Thanh đối với nhà Tây Sơn vẫn làm chúng ta nghi ngờ.


Triều đình Tây Sơn xin bỏ lệ cống người vàng, liền được chấp thuận. Càn Long lại coi Quang Trung như con (Càn Long hơn Nguyễn Huệ 42 tuổi). Dễ dãi đến mức Quang Trung đòi đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây mà Càn Long cũng chấp thuận thì thật đáng ngờ! Phải chăng sự dễ dãi bên ngoài đó là để làm cho Quang Trung mất cảnh giác nên bị hại ngầm bên trong? Đành rằng khi Càn Long yêu cầu Nguyễn Huệ phải đích thân sang Yên Kinh (1790), triều đình Tây Sơn đã phải dùng kế cho người đóng giả vua Quang Trung, đó là sự cảnh giác cần thiết. Rồi khi Nguyễn Quang Thuỳ (con Nguyễn Huệ) trong đoàn đi sứ, nửa chừng bị ốm phải trở về (có thể là vờ ốm), đây cũng là sự cảnh giác cần thiết. Nhưng chúng ta vẫn có quyền nghi vấn về sự sơ suất của triều đình Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung đối với chiếc áo này.

Sau khi Quang Trung mất, mộ táng ở phái Nam sông Hương. Gia Long lấy được Phú Xuân đã cho quật phá lăng mộ Quang Trung. Vì vậy, vấn đề tìm lại vị trí lăng mộ vua Quang Trung là một việc làm cần thiết, hợp với tình cảm, nguyện vọng và lòng ngưỡng mộ của nhân dân ta đối với vị Hoàng đế anh hùng. Gần đây, qua tìm tòi khảo sát, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân đã đồng nhất vị trí phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn với Đan Dương lăng – lăng Hoàng đế Quang Trung. Đây là một hướng tìm tòi đúng đắn, cần được đầu tư thêm.

Sau khi Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn không muốn sứ đoàn nhà Thanh sang viếng tang đi sâu vào nội địa nước ta, nên đã làm mộ giả của vua Quang Trung ở làng Linh Đường (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Đây là một sự đề phòng đúng đắn bởi khi Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn trong lúc bối rối, có thể bộc lộ nhiều sơ hở và nhược điểm, không thể để lộ cho người ngoài biết. Vì vậy, việc làm một ngôi mộ giả ở làng Linh Đường là cần thiết, nhất cử lưỡng tiện. Gần đây, trong cuốn “Bí mật mộ cố Linh Đường” một số tác giả (Nguyễn Tài Học, Nguyễn Mạnh Cường) cho rằng: lăng đá Linh Đường là mộ của bà Nguyễn Thị Hoa Dung, vợ Trịnh Doanh (mẹ Trịnh Sâm, bà nội Trịnh Tông, Trịnh Cán), đã được các triều thần Tây Sơn chọn làm mộ giả của vua Quang Trung. Theo chúng tôi, giả thiết này khó có thể chấp nhận.

Một là, khi Quang Trung mất, triều đại Tây Sơn đang ở thời điểm cực thịnh, làm gì không bỏ ra được một ít công của, xây lăng cho vị Hoàng để lừng lẫy của mình (dù là lăng giả) mà lại phải “mượn” lăng của một người phụ nữ? Theo các tác giả cuốn sách trên, để biến mộ bà Hoa Dung thành mộ giả vua Quang Trung, người ta đã cho tu sửa và xây dựng lại toàn bộ cấu trúc bề ngoài của mộ. Nếu thế thì sao người ta không cho xây dựng hẳn một ngôi mộ mới ở một vị tri khác, công của bỏ ra cũng chỉ tốn đến thế mà thôi?

Hai là, khi sang viếng tang, không lẽ cả đoàn sứ bộ nhà Thanh và các đại thần triều Tây Sơn lại phải tế lễ, bái lạy và dâng hương trước lăng mộ của một người phụ nữ thuộc một triều đại thù địch đã bị tiêu diệt? Điều đó thật khó chấp nhận đối với các đại thần nhà Tây Sơn.

Vì những lẽ trên, lăng đá Linh Đường hiện còn không thể là mộ giả của vua Quang Trung. Mộ giả của vua Quang Trung đã bị Gia Long quật phá sau khi chiếm được thành Thăng Long (1802). Với chính sách tận diệt của triều Nguyễn, không một di tích nào của triều đại Tây Sơn có thể tồn tại được, huống chi là lăng mộ (dù là giả) của vua Quang Trung!

Sau khi vua Quang Trung mất, nội bộ triều Tây Sơn lục đục, tranh giành quyền thế. Các đại than gây bè cánh, sát hại lẫn nhau. Vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, nhu nhược, không thể khống chế được các đại thần khiến nội bộ ngày càng rối ren. Triều đại Tây Sơn suy yếu dần, để mất nước mươi năm sau đó. Gia Long – nhờ thế lực của Pháp – lấy lại được bờ cõi. Nước ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào Pháp và cuối cùng, bị Pháp thống trị. Có thể nói: cái chết của Hoàng đế Quang Trung đã làm cho lịch sử rẽ sang một huớng khác, hoàn toàn bất lợi cho dân tộc Việt Nam mà những người đương thời chưa thể lường hết được.

* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Theo Tientri.net

No comments:

Post a Comment

Popular Posts