Monday, November 5, 2012

THÁI HẬU Ỷ LAN – HAI BỀ CÔNG TỘI

Đền thờ Thái hậu Ỷ Lan
1. Người phụ nữ may mắn
Các nhà viết sử thời phong kiến, một phần do khuôn khổ thể loại, nhưng phần khác và chủ yếu, do quan niệm “trọng nam khinh nữ” và “vương quyền” khá cứng nhắc, nên đã không ghi chép tỷ mỷ lai lịch và đánh giá đầy đủ vai trò cũng như trách nhiệm của Thái hậu Ỷ Lan, người mà trên thực tế đã nắm quyền trị nước như một “nguyên thủ quốc gia” trong suốt 45 năm thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) gắn với những sự kiện lịch sử lớn lao đánh Tống bình Chiêm thắng lợi. Trong 45 năm ấy, có khoảng 10 năm bà ở cương vị “Nhiếp chính”. Thời gian còn lại bà giữ địa vị như một “Thái thượng hoàng” (của đời Trần về sau). Đấy là chưa kể trước đó, từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1069 khi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành” thì bà làm “Lưu thủ kinh sư” – giúp việc nội trị.

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) không ghi họ, tên thật, ngày tháng năm sinh, cha mẹ, quê quán… của bà, mà chỉ có các tên hiệu “Ỷ Lan phu nhân”, “Thần phi”, “Nguyên phi” và “Hoàng thái hậu”, còn Đại Việt sử lược (ĐVSL) thì ghi bà mang họ Lê. Bởi vậy, để có thêm tư liệu, chúng tôi phải dựa vào truyền thuyết dân gian, dưới dạng là những bản thần tích thần phả, ở những nơi hiện nay còn thờ phụng bà.
Ỷ Lan khi chưa vào cung có tên là Mệnh, con ông Lê Công Thiết, người hương Thổ Lỗi, tục gọi làng Sủi (đúng ra là vùng Sủi, vì có nhiều làng chung tên)! nay là thôn Thuận Quang (làng chính) ở xã Dương Xa huyện Gia Lâm – ngoại thành Hà Nội. Cũng hương Thổ Lỗi đó, dưới triều Lý Thánh Tông, sau sự kiện Ỷ Lan sinh con trai thứ hai và châu Chân – Đăng dâng hai voi trắng, được đổi là hương Siêu Loại. (Theo cách nhìn nhận của nhà Vua thì như vậy đúng là thuộc loại “siêu” thật, vì bà phu nhân quê ở đây trong ba năm đã sinh liền hai hoàng tử, trong khi đó, các bà quê ở các nơi khác lại không, hoặc chỉ sinh con gái!)
Mẹ đẻ của cô Lê Thị Mệnh là Vũ Thị Tỉnh, nhưng do mất sớm, nên ông bố đã lấy vợ kế, người họ Chu. Không hiểu khi còn bé cô Mệnh bị bà dì ghẻ đối xử thế nào, nhưng ở những nơi thờ Thái hậu Ỷ Lan, người ta lại gọi đấy là “Đền bà Tấm” – giống tên nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Hai “nhân vật” này tuy có hoàn cảnh giống nhau (“dì ghẻ con chồng”) – cô Mệnh ít nhiều có bị bà họ Chu đối xử không bằng con đẻ, nhưng chắc hẳn cũng không ở mức độ tàn tệ” độc hại như cô Tấm bị đối xử trong truyện cổ tích được.
Về tên của Thái hậu Ỷ Lan, sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt, người Tàu, đời Tống – tương đương với cuối đời Lý – còn chép là Lê Thị Yến Loan. Do sự lạ lẫm về cái tên “tục” của một phụ nữ dân gian ở vào thời ấy mà có tới bốn âm tiết, thì có thể cho rằng “Yến Loan” chẳng qua chỉ là biến âm của “Ỷ Lan” mà thôi, vậy có thể nói tên gọi Lê Thị Yến Loan của Thẩm Hoạt là cách ghi không chính xác.
Liên quan đến sự kiện Lê Thị Mệnh được tuyển vào cung, sách ĐVSKTT ghi: “Chương Thành Gia Khánh năm thứ 3 (1061) mùa xuân, tháng hai (đời vua Lý Thánh Tông) chọn con gái dân gian 12 người vào hậu cung”. Trong khi ấy, truyền thuyết dân gian kể: Vào năm vua Lý Thánh Tông đã 39 tuổi mà chưa có con trai, nên cùng đoàn tùy tùng từ kinh thành Thăng Long sang chùa Dâu (ở Thuận Thành, Bắc Ninh) cầu tự. Khi quan quân hộ giá nhà vua trên đường về, đi qua vùng Sủi, dân chúng đổ xô ra xem. Nhưng cô Mệnh lúc ấy, không như mọi người, lại dựa gốc cây đứng riêng một chỗ, từ xa nhìn lại… Có bản Thần tích còn chép, cô chẳng những không đến tận chỗ giáp mặt vua quan như mọi người, mà còn đứng ở một nơi khuất để hát, khiến vua nghe thấy hay phải sai quan đến vời về…, hoặc khi ấy cô còn đang mải mê cắt cỏ, do dì ghẻ bắt buộc, nên đã không thể đến gần chỗ mọi người tập trung…
Việc nhà vua đi cầu tự, rồi sau đó tuyển thêm con gái đẹp vào cung (để ứng với việc cầu tự) hẳn phải là một sự kiện lớn lao đối với dân chúng vùng Kinh Bắc (cũng là quê gốc của các vua nhà Lý) và việc dân chúng đi xem, đi đón rước, cũng phải diễn ra trên suốt hai chặng đường đi, về, chứ chẳng riêng gì người dân vùng Sủi (do vậy mới có đến 12 người được tuyển!). Đây cũng là một dịp may hiếm có để các cô gái vùng này kén chồng. Do vậy, các cô muốn được lọt vào “mắt xanh” của nhà vua, hẳn phải trang điểm và ăn mặc đẹp đẽ để đi “đón rước” – một hình thức tự nguyện cho nhà vua xem mặt. Và cô Mệnh, cũng không thể nằm ngoài tình thế chung ấy được. Việc cô đứng riêng ra một chỗ là một cách có chủ ý, để nhà vua chú ý tới mình nhiều hơn. Còn việc “cô đang cắt cỏ” thì hẳn là cách nhấn mạnh của truyền thuyết về nguồn gốc dân giã, hay lam hay làm hoặc bị hành hạ như cô Tấm cổ tích. Đến như việc “cô đứng ở một chỗ khuất mà hát khiến nhà vua phải phái quan đi mời về…” thì xem ra lại có vẻ ngô nghê, vì một người thông minh hẳn sẽ chẳng bao giờ lại xử sự như vậy.
Quả nhiên, cô Mệnh xinh đẹp và có tài dự đoán trước, trong lần ấy đã được tuyển vào hậu cung làm phi tần. Cứ lấy lý mà suy, khi nhà vua đã luống tuổi cần có con ngay, thì cô Mệnh khi ấy chắc sẽ vào khoảng 17, 18 tuổi, chứ không thể quá trẻ, “thập tam” (13) được. Vào cung, cô được nhà vua yêu mến, rồi đặt tên hiệu là “Ỷ Lan” – hẳn đã dựa vào cái tích “dựa gốc cây” nhưng không phải cây lan của cô, khi trước.
Theo ĐVSL thì Lý Thánh Tông có tới 8 hoàng hậu, còn các phi tần thì không kể. Còn nếu thống kê dựa vào ĐVSKTT thì nhà vua có tới 9 hoàng tử, đấy là chưa kể các công chúa chưa hoặc không thấy sách này ghi. Việc nhà vua lập nhiêu hoàng hậu, thì từ các triều Đinh, Tiền Lê, rồi Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông đều đã có tiền lệ. Lúc 12 cô gái dân gian vào cung, số hoàng hậu chưa lên đến con số 8, nhưng vấn đề trở nên hệ trọng lại là ở chỗ chưa có ai, hoàng hậu hoặc phi tần đã có, sinh được con trai – người kế vị. Cả 5 năm sau đó, từ 1061 đến 1065, tình hình cũng vẫn nguyên như vậy. Từ đây, có thể thấy nhà vua và cả triều đình đã “sốt ruột” như thế nào. Chính vì vậy, khi phi tần Lê Thị Mệnh sinh được con trai đầu tiên vào tháng giêng năm 1066, thì ngay ngày hôm sau, con được lập làm Hoàng Thái tử, còn mẹ được phong từ “phu nhân” lên “thần phi”, và được ở riêng tại gác Du Thiểm như ĐVSL đã ghi.
(Để chứng minh cho sự “sốt ruột” của nhà vua và triều đình, có thể kể đến sự kiện năm 1064, “chi hậu nội nhân” Nguyễn Bông được nhà vua sai làm lễ cầu tự ở chùa Thánh chúa. Nguyễn Bông nghe nhà sư coi chùa dạy cho thuật “đầu thai thác hoa”, nhưng khi đang tiến hành công chuyện (nhìn trộm phu nhân tắm) thì bị phát hiện, rồi phải tội chém đầu ở cánh đồng trước chùa, thuộc xã Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội ngày nay).
Hai năm sau, vào năm 1068,vận may lại đến với Ỷ Lan thần phi thêm một lần nữa: sinh con trai thứ hai (hiệu là Minh Nhân Vương – không rõ tên), và lần này, được phong từ “Thần phi” lên “Nguyên phi” – đứng đầu các “phi”.
Kíp đến năm sau, 1069, xảy ra việc Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh Chiêm Thành. ĐVSKTT ghi: “Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được”.
Về sự kiện này, một số nhà bình luận và sáng tác thời nay ca ngợi Nguyên phi sáng suốt, có tài trị quốc… hẳn cũng có cơ sở. Tuy nhiên, nếu đẩy tới mức cho rằng: Lý Thánh Tông có con mắt tinh đời, “không giao việc “Lưu thủ kinh sư” cho Tể Tướng (Thái sư Lý Đạo Thành) hoặc Thân vương (một trong các Hoàng thân – em của Lý Thánh Tông) mà lại giao cho một phụ nữ – Nguyên phi mới ngoài 20 tuổi – chỉ vì nhìn thấy trước tài năng của người đó” (Nguyễn Lương Bích: Giữ vững sơn hà, tập II. Nxb Thanh niên; 1983, trang 36), thì lại là chưa đúng với sự thật lịch sử. Ta có thể đặt câu hỏi: chẳng lẽ cả Tể Tướng và các Thân vương lại không có ai có đủ khả năng để đảm nhận chức “Lưu thủ kinh sư” này ư?
Xin trở lại với hai vị Tiên vương của Lý Thánh Tông để làm sáng tỏ thêm những nghi ngờ này:
Biết là con cháu về sau sẽ lắm vợ nhiều con, nên để chọn một người kế vị xứng đáng, vua sáng lập triều Lý (tức Lý Thái Tổ) đã đặt ra lệ phong tước Vương cho các con của mẹ đích, còn các con của mẹ thứ chỉ phong tước Hầu, và không đặt ngay ngôi Hoàng Thái tử. Làm như vậy để khuyến khích các con chăm làm việc thiện, qua đó sẽ chọn được người xứng đáng mà truyền ngôi (theo ĐVSKTT). Nhưng trái với ý tưởng tốt đẹp đó, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh giành, bằng hành vi mờ ám và bằng cả vũ lực. Đầu thời Lý Thái Tông xảy ra vụ ba vương tranh ngôi. Còn đầu thời Lý Thánh Tông, Ngài được nối ngôi do có lợi thế là con trai trưởng, chứ so về tài đức, chắc gì đã hơn các vương khác, chẳng hạn, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đang trấn thủ Nghệ An?. Bởi vậy, với tư cách nhà vua đương nhiệm, Lý Thánh Tông có thừa kinh nghiệm để hiểu rằng không thể trao chức “Lưu thủ kinh sư” cho Tể Tướng hay một Thân vương nào được. Vì vạn nhất nếu xảy ra việc nhà vua tử trận trên chiến trường, thì người nối ngôi sẽ là Hoàng Thái tử. Do vậy, Nguyên phi – mẹ đẻ của Hoàng Thái tử, đương nhiên sẽ là người bảo hộ trực tiếp cho quyền lợi của con trai mình, cũng tức là con trai của nhà vua vậy. Quả nhiên, Lý Thánh Tông đã tính toán không lầm.
Còn về phía Nguyên phi Ỷ Lan, thì đây lại là cơ hội trời cho để bộc lộ đảm lược ra trước thiên hạ. Hơn ai hết, bà hiểu rằng thời vận của mình và của con trai đã điểm, mà đây mới chỉ là bước khởi đầu. Do vậy, việc thực hiện công quyền của bà còn bao hàm cả ý thức về tư lợi nữa, mà theo ý chúng tôi, người nào muốn tìm đến sự thật lịch sử, thì không thể bỏ qua chuyện này.
2. Bà chúa quyền uy
Tháng giêng năm 1072 vua Lý Thánh Tông băng hà. Không thấy di mệnh của Ngài để lại, nhưng trong ĐVSKTT thì ghi: “Hoàng Thái tử Càn Đức lên ngôi ở trước linh cữu… Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái hậu họ Dương là Hoàng Thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”.
Trong đoạn văn trên, có người cho rằng, chỉ có Hoàng Thái hậu họ Dương mới được buông rèm cung nghe chính sự với nhà vua, nhưng chúng tôi cho rằng, cả hai bà cùng ngồi sau rèm nghe chính sự với nhà vua nhỏ tuổi, mà trong đó, Hoàng Thái hậu họ Dương ở bậc trên (bên tả – trái) còn Ỷ Lan Hoàng Thái phi thì ở bậc dưới (bên hữu – phải). Thứ nữa mới đến Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc thêm, tức ở bậc thứ ba, nhưng không ngồi trong rèm.
Cũng qua đoạn văn trên, còn có thể hiểu đây là một biện pháp dung hòa mà trước khi mất, vua Lý Thánh Tông đã di huấn lại. Còn nếu xảy ra việc nhà vua mất đột ngột không kịp trối trăng, thì đấy cũng là cách dàn xếp hợp tình hợp lý của một Triều đình bắt đầu theo quan niệm Nho giáo, tất phải làm. Vấn đề then chốt là ở chỗ: cốt sao có thể duy trì vững chắc được địa vị Thiên tử của nhà vua mới khi chỉ 7 tuổi, mà không để lọt vào tay một Thân vương (các em trai của Lý Thánh Tông) và lại càng không để lọt ra ngoài, vào tay các dòng họ khác.
Thế nhưng, sự đời vốn không bao giờ đơn giản trong các ván bài quyền lực. Về tư cách, phẩm hạnh của Dương Thái hậu và Lý Đạo Thành, cả mấy bộ sử thời phong kiến đều không thấy có một lời chỉ trích, qua sự kiện này. Hơn nữa, nhiều sử gia còn cho rằng Dương Thái hậu vô tội và Thái sư Lý Đạo Thành là vị Tể Tướng mẫu mực, hết lòng trung thành với Hoàng gia (như Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí). Vậy thì, không có ai khác ngoài Ỷ Lan Hoàng Thái phi muốn độc chiếm địa vị thống trị. Là người đã bén mùi quyền lực và có kinh nghiệm qua 5 tháng ở chức “Lưu thủ kinh sư”, nên hơn ai hết, bà Ỷ Lan hiểu mình phải làm gì để đạt được mục đích. Lợi thế của bà chính là ở chỗ: bà là mẹ đẻ của nhà vua đương nhiệm mới có 7 tuổi, và bà đã lợi dụng ngay điều đó, với độc chiêu: mượn miệng nhà vua để thực hiện ý đồ của mình. Sách ĐVSKTT ghi: “Năm 1073, giam Hoàng Thái hậu họ Dương, tôn Hoàng Thái phi làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quí người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai đem giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”.
Về sự kiện này, sử gia Lê Văn Hưu quả là thiếu dũng khí không dám chỉ đích danh hành vi tàn độc của Ỷ Lan, nên mới hạ câu: Linh Nhân có tính ghen. Còn sử gia Ngô Sĩ Liên sau đó thì bình luận: “Nhân tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích Thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư?”. Thế nhưng ở ngay sau đó, sử gia họ Ngô lại vẫn đồng tình với sử gia họ Lê trong việc biện hộ cho Ỷ Lan: “Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bây giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to”.
Theo cách biện hộ trên, chung qui thì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả, vì ghen là thường tình, và vua còn trẻ thơ. Cũng không bị coi là tội nữa, mà chỉ là lỗi thôi. Thật là nực cười!
Các quan chức và học giả sau đó cũng vẫn chưa đánh giá đúng bản chất sự việc, mặc dù ít nhiều họ đã biểu lộ thái độ lên án trước cái ác. Lê Tung (Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu đời Lê Tương Dực) viết trong bài Việt Giám thông khảo tổng luận ở sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Nhân Tông quá nghe lời của mẹ đẻ mà giam chết mẹ đích”, còn Lê Quí Đôn (Thượng thư, đời Lê Hiển Tông) viết trong Đại Việt thông sử: “Đến như Ỷ Lan nguyên phi được vua con phong là ”Thần”, đã phạm tội ác giả hại vợ đích”… Như vậy, cả hai vị này cũng như hai vị kể trên, đều không nhắc tới việc 76 thị nữ bị giết cùng một lần với Dương Thái hậu. Sinh mạng của người dân quả là “không đáng kể” dưới con mắt các quan chức và sử gia thời phong kiến thật! (76 mạng người chứ phải ít đâu!).
Thế nhưng, còn đáng ngạc nhiên và băn khoăn hơn, là việc một vài tác giả nghiên cứu và sáng tác thời nay, trong khi say sưa ca ngợi tài năng, công lao và cả đức độ của Ỷ Lan, cũng không một lần nhắc tới tội lỗi của bà, mà khi đọc ĐVSKTT chắc chắn là họ đã biết! Tội lỗi “giết người hàng loạt” ấy, vượt xa cả hình phạt dưới hai thời Đinh, Tiền Lê trước đó, và chỉ có thể so sánh với Trần Thủ Độ của đời Trần về sau, khi viên Thái sư này, sau khi đã giành vương quyền từ họ Lý về cho họ Trần một cách hòa bình, lại còn nhẫn tâm giết hết các tôn thất nhà Lý với việc “ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết” (ĐVSKTT).
Cũng trong đợt thanh trừng này, Thái sư Lý Đạo Thành bị hạ từ Tể tướng xuống Tổng trấn, đi coi châu Nghệ An. Chỉ sau đó một năm, nhận thấy Lý Đạo Thành vẫn rất mực trung thành với Hoàng gia (qua việc thờ cúng Lý Thánh Tông) nên Ỷ Lan (tất nhiên là qua đạo dụ của nhà vua!) mới thăng lại cho lên chức Thái phó (dưới chức Thái úy) để về Kinh đô.
ĐVSKTT cũng như các bộ sử khác không thấy nói tới việc Ỷ Lan Thái hậu thôi nhiếp chính (tức “buông rèm nghe chính sự”) để chính thức trao trả quyền cai quản quốc gia cho Lý Nhân Tông từ khi nào, nhưng dựa vào sự kiện năm 1085 khi nhà vua tròn 20 tuổi, “Bây giờ thiên hạ vô sự, hoàng hậu đi chơi khắp các nơi núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp” (ĐVSKTT) thì có thể cho rằng năm 1085 đó, là năm Thái hậu thôi Nhiếp chính. Tuy nhiên, dẫu có thôi Nhiếp chính thật, thì những việc quốc gia đại sự Thái hậu nhiều khi vẫn giữ quyền quyết định, cho tới tận khi bà qua đời (năm 1117). Điều này, theo ý chúng tôi, là có thể đoán chắc được, khi ta dựa vào tính cách quyết đoán của bà mẹ và tính tình nhân hiếu (theo Ngô Sĩ Liên) của người con.
Để thấy rõ quyền uy của Thái hậu Ỷ Lan ở cương vị như một “Nguyên thủ quốc gia” hay một “Thái Thượng hoàng” trong suốt 45 năm, từ 1073 đến 1117, ta có thể xem cách dùng người của bà qua ba nhân vật trụ cột của thời ấy, là Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt và Lê Văn Thịnh.
- Về Lý Đạo Thành thì ở đoạn trên đã nhắc. Ở đây chỉ cần nói thêm: Ông vốn xuất thân Nho học, nhiều năm mở trường dạy học trò, có uy vọng, sau khi đỗ Mậu tài, Lý Thánh Tông cho làm chức “Bình chương sự”, rồi dần dần thăng lên tới Thái sư. Chính ông là “Cố mệnh đại thần”, nhận di chiếu của Lý Thánh Tông, phò Càn Đức mới 7 tuổi , lên ngôi vua. Vậy mà Lý Nhân Tông vừa mới chính vị thì ông đã bị “hạ bệ”, chỉ vì Ỷ Lan không muốn chia sẻ quyền lực với bất cứ ai.
- Về Lý Thường Kiệt thì mọi người đã rõ: Ông là một thiên tài quân sự đã hai lần cầm quân đánh Tống (một lần trên đất Tống, một lần trên đất Việt), bốn lần đánh Chiêm (lần đầu làm tướng Tiên phong cho Lý Thánh Tông, còn ba lần sau thì làm Thống lĩnh) đều thắng lợi. Ông cũng là vị quan đức độ, thanh liêm chính trực, chí công vô tư, được quân dân cả nước tin yêu và chiếm trọn lòng tin của ba đời vua Lý (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông). Ỷ Lan biết rất rõ tài năng và uy tín của ông, nhưng cũng không hề chia sẻ quyền lực, mà chỉ triệt để sử dụng ông như một vị tướng, trận mạc nối tiếp trận mạc, cho đến tận khi ông đã già rồi cũng vì trận mạc trở về thì sinh ốm đau mà qua đời. Chứng cứ là khi mới làm Nhiếp chính, Ỷ Lan không phong thêm cho ông chức nào. Ngay cả sau lần đánh Tống thắng lợi lẫy lừng trên đất Tống trở về, ông vẫn mang hàm Thái phó như từ thời Lý Thánh Tông còn sống. Chỉ sau khi ông thống lĩnh ba quân đi đánh Chiêm, vẽ thành bản đồ ba châu… trở về dâng lên, thì mới được phong lên Thái Úy – đứng đầu hàng quan võ. Năm sau, 1076, ông lại thống lĩnh ba quân chặn đứng quân Tống tràn sang ở mạn sông Như Nguyệt, thắng lợi lẫy lừng, nhưng cũng vẫn ở hàm Thái Úy. Chưa bao giờ Lý Thường Kiệt được ở chức Thái sư (hay Tể tướng) để thay mặt nhà vua điều hành công việc trong triều. Nội dung công việc của chức vụ này, Nhiếp chính Ỷ Lan đã nắm trọn.
- Về Lê Văn Thịnh. Năm 1075 đỗ đầu khoa thi “Minh tinh bác học”, rồi được cử vào dạy vua Lý Nhân Tông học. 10 năm sau, 1084, ông là Thị lang bộ Binh đi đàm phán với người Tống về biên giới, thắng lợi (nhà Tống phải trả lại ta châu Quảng Nguyên đã chiếm trong chiến tranh, từ 1076). Năm sau, 1085, mà theo dự đoán có thể là năm Ỷ Lan thôi Nhiếp chính, ông được thăng lên chức Thái sư. 12 năm sau, 1096, thì ông bị hạ chức, được tha tội chết, nhưng phải đày lên trại Thao giang (Phú thọ). Con đường thăng quan tiến chức của Lê Văn Thịnh cho thấy cách dùng người của Ỷ Lan rất mạnh dạn. Nhưng việc ông suýt bị giết, rồi bị đi đày, lại cho thấy Ỷ Lan chỉ dung nạp những ai nghe theo mình, còn ai trái ý sẽ bị thanh trừng ngay không thương tiếc. Mặc dù ĐVSKTT đã viết Lê Văn Thịnh làm phép hóa hổ, định hại nhà vua ở hồ Dâm đàm (tức hồ Tây), nhưng có lẽ đấy chỉ là điều bịa đặt, không thể tin được. Đằng sau sự kiện “hóa hổ” ấy, chính là đã phản ánh một cuộc đấu tranh về quyền lực. Chính ĐVSKTT cho biết: năm 1085 khi cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư, thì cũng là năm Thái hậu đi chơi khắp nơi, định xây dựng các chùa, tháp. 12 năm Lê Văn Thịnh ở chức Thái sư, cũng là 12 năm Ỷ Lan xây dựng rất nhiều chùa, tháp. Việc xây (lựng chùa, tháp, do Thái hậu chủ trương, lý đương nhiên là phải lấy tiền bạc từ ngân quỹ quốc gia. Vị quan đầu triều thấy ngân sách thiêu hụt mà mình thì phải chịu trách nhiệm, nên gián tiếp rồi trực tiếp, đã có “ý kiến” với nhà vua. Mâu thuẫn cụ thể là ở đấy, nhưng mâu thuẫn sâu xa lại là ở chỗ: Bây giờ sẽ điều hành đất nước theo quan điểm, đường lối nào, Nho giáo hay Phật giáo? Đây là cả một câu chuyện dài cần được lý giải cặn kẽ, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói: Đó là thời điểm bắt đầu nảy sinh sự giao tranh quyết liệt giữa hai đường lối Nho giáo và Phật giáo, diễn ra trên chính trường, và Thái hậu Ỷ Lan, người có dư thừa quyền lực để hạ bệ và định đoạt mạng sống của Thái sư Lê Văn Thịnh, do bà đưa lên! Hạ bệ xong Thái sư, Thái hậu vẫn tiếp tục cho xây dựng các chùa, tháp, chẳng ai dám cản ngăn. Cả đời bà, xây dựng tới trên 100 ngôi chùa, trong đó, có hai ngôi chùa lớn là Diên Hựu và Lãm sơn, với những ngọn tháp và quần thể kiến trúc qui mô khá đồ sộ như: đào hồ, xây cầu, lập vườn hoa… (theo ĐVSKTT) Điều đáng lưu ý là phần lớn các chùa, tháp đó, đều xây dựng trên địa phận vùng Kinh Bắc – quê hương của bà và cũng là quê hương của các vua nhà Lý.
3. Công và tội – đôi điều muốn luận bàn
- Về phẩm chất cá nhân của Ỷ Lan, có những điểm đáng được ghi nhận. Điểm đầu tiên là khi mới bước chân vào trong cung, tuổi còn rất trẻ, bà đã ý thức được sự cần thiết phải có học vấn sâu rộng. Chính vì vậy, bà đã lao vào học tập, đọc nhiều sách vở, không như phần lớn các cung nữ khác, là dành thời gian để trang điểm và dành dụm tiền bạc. Đó cũng chính là cách để được nhà vua sủng ái nhiều hơn – điều mà các cung nữ khác không ý thức được, hoặc ý thức được nhưng không đủ khả năng thực hiện. Chính vì có học vấn sâu rộng như vậy, nên khi ở cương vị điều khiển bộ máy quyền hành của quốc gia, Ỷ Lan đã có những quyết sách sáng suốt trên các lĩnh vực nội trị, ngoại giao, huy động lực lượng tiến hành chiến tranh… Học vấn của bà, chẳng những đủ để điều hành đất nước, mà còn đủ để đàm đạo với các cao tăng, tức là đã đi sâu cả vào những lĩnh vực đạo lý, tư tưởng.
- Về những đóng góp của Ỷ Lan, có thể kể đến các việc cụ thể như: Khi mới làm Nhiếp chính (1073), theo đề nghị của Lý Thường Kiệt, bà đã cho các công thần 80 tuổi đều được chống gậy ngồi ghế khi lâm triều. Nếu Lý Thánh Tông là vua đầu tiên xây Văn miếu (1070) thì bà, theo đề nghị của Lý Thường Kiệt, cũng là người đầu tiên cho mở liền hai khoa thi “Minh tinh bác học” và “Nho học tam trường” (1075). Dưới triều đại của hai mẹ con bà, lần thứ hai (vào năm 1075), vẫn là theo lời bàn của Lý Thường Kiệt, quân Đại Việt hành quân sang đất Tống đánh giặc Tống, vì chúng đang chuẩn bị binh lực đánh ta (lần thứ nhất vào năm 1059, Lý Thánh Tông đã cho quân đánh Châu Khâm của nước Tống, vì họ phản phúc). Trong hai lần đánh Tống, ba lần đánh Chiêm, phải huy động nhân tài vật lực toàn quốc, thì lý đương nhiên, ở phương diện lãnh đạo quốc gia, bà phải là người có công đầu, ở phần chủ trương, đường lối và phê duyệt. Công lao cụ thể về nội trị trong thời bình của bà còn có thể kể đến việc: năm 1077 cho đắp đê sông Như Nguyệt, năm sau lại sửa đắp đê Đại La xung quanh thành Thăng Long, năm 1084 xuống chiếu cho trong nước xây nhà ngói, năm 1103 (khi ấy bà đã già, thôi không Nhiếp chính) đã “phát tiền cho nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã bán đợ mình, đem gả cho những người góa vợ (ĐVSKTT), hay như năm 1117 (trước khi bà mất) đã nhắc nhở vua Lý Nhân Tông phải thi hành nghiêm lệnh cấm giết trâu, để đảm bảo sản xuất cho nhà nông v.v…
- Việc Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng chùa, tháp, đương nhiên là có ý nghĩa văn hóa, nhưng lại xây dựng quá nhiều và tốn kém (như chùa Ram ở núi Ram phải 8 năm mới xong, tháp Chương Sơn tại Ý Yên cao tới khoảng 60m, mở mang khu chùa Một cột nguy nga, tráng lệ và cho đúc một quả chuông rất lớn v.v…) trong khi sức dân còn có hạn, lại vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn trên qui mô toàn quốc… thì lại là quá đáng. ĐVSKTT ghi: “Tục truyền rằng Thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan”. Như thế còn cớ nghĩa là bà làm chùa để phục vụ cho nhu cầu tinh thần (sám hối) của mình! Nhưng đến việc: sau khi chết lại còn “bắt ba người hầu gái chôn theo” (cũng theo ĐVSKTT) thì giải thích sao đây? Sử gia Ngô Sĩ Liên có băn khoăn về điều này, nhưng chỉ đưa ra câu hỏi chứ không lên án: “Hỏa táng là lễ đạo Phật (tức hỏa táng thi hài Ỷ Lan) chôn theo là tục nhà Tần, Nhân Tông đều làm theo, hoặc giả vâng lời dặn lại của Thái hậu chăng?” (ĐVSKTT). Như thế là, cộng cả hai lần, để phục vụ cho “nhu cầu tinh thần” và “sự nghiệp chính trị” của mình, bà Ỷ Lan đã cướp đi sinh mạng của 80 con người vô tội! Và do vậy, việc “ba người hầu gái phải chôn theo” kia, là bà đã có sự dự tính từ trước, để có người hầu hạ ở thế giới bên kia, vì số chùa đã xây từ trước đó là hơn 100 mà! Như thế, nếu ta có đánh giá bà là một con người ích kỷ và tàn bạo, thì trước công luận, cũng chẳng có gì là quá lời.
Giáo lý của nhà Phật có nói: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Đó dường như là câu cửa miệng mà không mấy người Việt Nam nào lại không thuộc. Thế thì việc Lý Nhân Tông phong “Thần” cho mẹ, sau khi bà qua đời (theo Lê Quí Đôn trong ĐVTS), và việc một số nơi xưng tụng Ỷ Lan là “bà Quan Âm”, hoặc một số chùa thờ phụng bà là “Đức Phật”, thì không hiểu đã dựa trên giáo lý nào của đạo Phật? Các sử gia và học giả thời phong kiến, do còn bị ràng buộc bởi quan hệ vua – tôi, nên nhiều khi cũng không dám nói thẳng chính kiến của mình. Tuy thế, nhưng những gì là chuyện có thật xảy ra với Ỷ Lan thì họ cũng đã viết, đã ghi lại. Chúng tôi chưa từng thấy ở đâu có đường phố, trường học, khu dân cư v.v… nào mang tên Ỷ Lan hay Trần Thủ Độ cả, mặc dù trong lịch sử họ đã là những người có công, trong khi đó lại thấy có tên của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Thế là đã rõ: Dân ta vốn rất ghét cái ác, yêu quí cái thiện, và nâng niu trân trọng những giá trị văn hóa đích thực. Để kết luận chúng tôi xin nói thêm rằng, trong lịch sử Việt Nam, bà Ỷ Lan tuy đã có một số công lao đáng được ghi nhận, nhưng bản thân bà lại nêu một tấm gương xấu không thể chấp nhận được về phương diện “nhân bản”. Đó là việc, bà, vừa thản nhiên giết người hàng loạt xong, lại vừa thản nhiên ngồi bàn đến chuyện nhân từ, đạo lý, rồi dùng quyền hành của mình lấy tiền bạc của thiên hạ đem ban phát cho những nơi này, nơi khác, khiến cho họ cứ lầm tưởng là đã nhận được “ân đức”… Giáo lý từ bi của đạo Phật cũng bị bà lợi dụng để chẳng những mang lại quyền hành tối thượng cho mình, mà con để chiêu tuyết, “vinh cửu hóa” cho bản thân, ở ngay cả sau khi đã tạ thế.
TS. LÃ DUY LAN
Vietsuky.wordpress.com
Theo: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts