Wednesday, November 14, 2012

CÔNG NGHỆ VÔ THỨC

Vô thức và ý thức
Khoa học vật lí đế vương của thế kỷ 20 sẽ nhường chỗ cho khoa học tâm linh thống soái trong thế kỷ 21 và các thế kỉ sau! Còn mấy ngày nữa, hành tinh chúng ta bước sang thập kỉ hai của thế kỉ 21. Biết bao sự kiện đang và sẽ sảy ra trên quả đất bé nhỏ và mong manh này. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế và khoa học thôi cũng đã làm nên nhiều chuyện. Trên thế giới ngày nay, nhờ áp dụng các thành tựu khoa học, làm xuất hiện nhiều công nghệ: công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ nano...

Tất cả các công nghệ trên đều phục vụ cho đời sống con người. Nhưng có một điều là khoa học và công nghệ phát triển càng cao con người càng ít hạnh phúc hơn! Nhiều bệnh xuất hiện: tâm thần, stress, ung thư... Chưa kể các doanh nghiệp và các nhóm có cùng lợi ích đánh mất nhân tâm, chạy theo đồng tiền đánh đổi sinh mạng con người bằng các chính sách huỷ hoại môi trường làm trái đất ngày càng nóng lên, khí hậu luôn thay đổi, môi trường tâm linh bị ô nhiễm...
Có cách nào để cuộc sống con người hạnh phúc hơn không? Có. Đạo học phương Đông và Phật giáo có giải pháp cho vấn nạn trên. Đó là con người hãy quay về với chính mình, với bản tâm thanh tịnh của mình. Bản gốc con người là ở đây. Trong ngôn ngữ Việt có từ: THIÊN HẠ. Thiên là Trời, là Chân Tâm, là Vô thức..., là một cái gì đó cao quý, thanh cao... Hạ là xuống, là giáng xuống... Thiên hạ là nói về con người. Con người từ thế giới thanh cao giáng xuống hình hài này, giáng xuống thế giới này.
Hiện nay, có nhiều khái niệm về Vô thức. Theo phân tâm học Phật giáo: Vô thức có thể hiểu là tiềm thức. Tiềm thức là nơi tàng chứa tất cả kết quả của hành động mà mình đã làm, ý nghĩ đã nghĩ trong hiện tại và quá khứ, kể cả trong kiếp trước nữa. Chính vì thế, mà Tiềm thức chi phối mọi hoạt động trong hiện tại của ta, đôi lúc nó xảy ra một cách đáng kinh ngạc. Ý thức là bản năng sao lưu, ghi nhớ và tích trữ chính những gì mình đã làm vào trong Tiềm thức. Nếu hành động nào không được ghi chép qua công đoạn này thì gọi là hành động Vô ý. Nhờ có Ý thức mà Tiềm thức được hình thành dần dần và đi theo ta suốt mãi cho đến khi không còn ta (hình hài) nữa. Có thể nói Ý thức làm nên tư tưởng còn Tiềm thức là kết quả hình thành bản năng và tâm hồn của mỗi chúng ta. Vì thế, Nhạc phẩm "Một cõi đi về" của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn có đoạn: "Trên hai vai ta đôi vầng Nhật Nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về".
Thiền - công nghệ vô thức
Trên thế giới, có nhiều giai thoại về Vô thức. Gớt kể: "Tôi không hề có từ trước những khái niệm và dự cảm nào về những bài thơ ấy, nhưng lập tức chúng xâm chiếm trí não tôi và đòi hỏi thể hiện ngay lập tức, đến mức tôi phải ghi lại những bài thơ ấy một cách không tự giác...". Menđêlêep mô tả: Đã từ lâu, tôi có nghi ngờ là có mối liên hệ nào đó giữa các nguyên tố với nhau, mong tìm ra quy luật dưới dạng một bảng nhưng không thành công. Rồi một hôm, trong giấc mơ, tôi thấy rõ bảng tuần hoàn... Tôi tỉnh dậy và viết vội lên mảnh giấy đầu tiên nhặt được trên bàn viết của mình. Poăngcarê viết: "Một hôm, tôi uống cà phê đen, trái với thói quen của tôi. Không ngủ được. Các ý kiến xô đến dồn dập, tôi có cảm giác chúng va chạm nhau cho đến khi có hai ý móc nối với nhau thành một tổ hợp vững. Sáng dậy tôi xác nhận có tồn tại một lớp hàm số mới... Chỉ còn viết lại các kết quả. Cần vài tiếng. Ở đây có sự song song tồn tại của ý thức và vô thức. Một trường hợp khác của nhạc sĩ người Ý G. Tactini, vào cuối thế kỉ 18. Ông tin vào sự tồn tại của "địa ngục và thiên đường". Một lần do ảnh hưởng những ý nghĩ về thế giới bên kia, ông mơ thấy "quỷ sứ" đến xin ông nhận vào dàn nhạc của ông. Ông nói: "Nhưng tôi chỉ cần các nhạc công chơi vĩ cầm thôi!". Quỷ sứ liền giận dữ: "Vì sao ngài nghĩ rằng tôi không biết chơi vĩ cầm?". Nói xong quỷ sứ vớ lấy cây vĩ cầm và bắt đầu chơi. Ngay khi những hợp âm đầu tiên vang lên, Tactini quên mất những sợ hải đối với vị khách bất thường này và ông hết sức lắng nghe. Ông đã bị quyến rũ và đến lúc tỉnh dậy, ông ghi nhanh những gì đã nghe vào sổ nhạc. Đây là bản Xônát, nổi tiếng nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông và mang tên là "Xônát của quỷ sứ". Sáng tạo hầu hết là do Vô thức.
Con người hiện nay, có tính hướng ngoại: Từ Tâm chạy theo Vật, bỏ gốc lấy ngọn. Cũng từ suy nghĩ này, giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đề xuất nên có CÔNG NGHỆ VÔ THỨC: phương pháp rèn (tu) luyện để con người trở về với CHÂN TÂM, tìm cái hạnh phúc chân thật hơn, làm việc sáng tạo hơn. Thiền, trong Phật giáo đó là một dạng của công nghệ vô thức.

Hoàng Lạc
Ảnh: Internet

No comments:

Post a Comment

Popular Posts