Friday, November 2, 2012

Âm dương

Là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên toàn bộ vũ trụ. Âm thể hiện cho những gì yếu đuối nhỏ bé, tối tăm, thụ động, nữ tính, mềm mại ... đối lập nó là dương thể hiện sự mạnh mẽ, cho ánh sáng, chủ động, nam tính, cứng rắn ... Triết lý giải thích vũ trụ dựa trên âm và dương được gọi là triết lý âm dương.

Nguồn gốc của âm dương

Âm dương là hai khái niệm được hình thành cách đây rất lâu. Về nguồn gốc của âm dương và triết lý âm dương, rất nhiều người theo Khổng An Quốc và Lưu Hâm (nhà Hán) mà cho rằng Phục Hy là người có công sáng tạo. Một số người khác thì cho rằng đó là công lao của "âm dương gia", một giáo phái của Trung Quốc. Cả hai giả thuyết trên đều không có cơ sở khoa học vì Phục Hy là một nhân vật thần thoại, không có thực còn âm dương gia chỉ có công áp dụng âm dương để giải thích địa lý-lịch sử mà thôi. Phái này hình thành vào thế kỷ thứ 3 nên không thể sáng tạo âm dương được.

Các nghiên cứu khoa học liên ngành của Việt Nam và Trung Quốc đã kết luận rằng "khái niệm âm dương có nguồn gốc phương Nam". ("Phương Nam" ở đây bao gồm vùng nam Trung Hoa, từ sông Dương Tử trở xuống và vùng Việt Nam. Trong quá trình phát triển, nước Trung Hoa trải qua hai thời kỳ: 1. "Đông tiến" là thời kỳ Trung Hoa mở rộng từ thượng lưu (phía tây) xuống hạ lưu (phía đông) của sông Hoàng Hà; 2. "Nam tiến" là thời kỳ mở rộng từ lưu vực sông Hoàng Hà (phía bắc) xuống phía nam sông Dương Tử. Trong quá trình nam tiến, người Hán đã tiếp thu triết lý âm dương của các cư dân phương nam, rồi phát triển, hệ thống hóa triết lý đó bằng khả năng phân tích của người du mục làm cho triết lý âm dương đạt đến hoàn thiện và mang ảnh hưởng của nó tác động trở lại cư dân phương nam.

Cư dân phương nam sinh sống bằng nông nghiệp nên quan tâm số một của họ là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Sinh sản của con người thì do hai yếu tố: cha và mẹ, nữ và nam; còn sự sinh sôi nảy nở của hoa màu thì do đất và trời - "đất sinh, trời dưỡng". Chính vì thế mà hai cặp "mẹ-cha", "đất-trời" là sự khái quát đầu tiên trên con đường dẫn đến triết lý âm dương.

Trừu tượng hóa âm dương

Từ việc khái niệm âm dương được dùng để chỉ những cặp đối lập cụ thể ở trên, người xưa tiến thêm một bước là dùng nó để chỉ những cặp đối lập trừu tượng hơn ví dụ như "lạnh-nóng", rồi cặp "lạnh-nóng" lại là cơ sở để suy tiếp như về phương hướng: "phương bắc" lạnh nên thuộc âm, "phương nam" nóng nên thuộc dương; về thời tiết: "mùa đông" lạnh nên thuộc âm, "mùa hè" nóng nên thuộc dương; về thời gian: "ban đêm" lạnh nên thuộc âm, "ban ngày" nóng nên thuộc dương. Nếu tiếp tục suy diễn nữa thì: đêm thì tối nên "tối" thuộc âm, ngày thì sáng nên "sáng" thuộc dương; tối có màu đen nên "màu đen" thuộc âm, ngày sáng thì nắng "đỏ" nên "màu đỏ" thuộc dương.

Từ cặp "mẹ-cha" (nữ-nam, cái-đực) có thể suy ra rằng:

    * Giống cái có khả năng mang thai (tuy một mà hai), nên về loại số, thì số "chẵn"   thuộc âm; giống đực không có khả năng ấy, một là một, nên số "lẻ" thuộc dương. Điều này giải thích tại sao quẻ dương là một vạch dài (-), còn quẻ âm là hai vạch ngắn (--).
   
    * Về hình khối thì khối vuông ổn định, tĩnh, tỷ lệ giữa cạnh và chu vi là 1:4, số 4 là số chẵn, chính vì thế mà khối vuông thuộc âm; hình cầu không ổn định, động, tỷ lệ giữa đường kính và chu vi là 1:3 (số π), số 3 là số lẻ, chính vì vậy mà khối cầu thuộc dương.

Tuy vậy, các cặp đối lập chưa phải là nội dung chính của triết lý âm dương. Triết lý âm dương không phải là triết lý về các cặp đối lập. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có các phạm trù đối lập nhau, ngôn ngữ của tất cả các dân tộc đều có từ trái nghĩa. Điều quan trọng của triết lý âm dương chính ở bản chất và quan hệ của hai khái niệm âm dương. Đó chính là điều khác biệt triết lý âm dương với các triết lý khác.

Các quy luật của triết lý âm và dương

Tất cả các đặc điểm của triết lý âm dương đều tuân theo hai quy luật cơ bản. Đó là quy luật về bản chất của các thành tố và quy luật về quan hệ giữa các thành tố.

Quy luật về bản chất của các thành tố của triết lý âm dương là:

    * Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, và
   
    * Trong âm có dương, trong dương có âm.

Quy luật này cho thấy việc xác định một vật là âm hay dương chỉ là tương đối, trong sự so sánh với một vật khác. Ví dụ về trong âm có dương: đất lạnh nên thuộc âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng; về trong dương có âm: nắng nóng thuộc dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa nhiều (hơi nước bay lên) làm nên mưa lạnh thuộc âm. Chính vì thế mà việc xác định tính âm dương của các cặp đối lập thường dễ dàng. Nhưng đối với các vật đơn lẻ thì khó khăn hơn nên có hai hệ quả để giúp cho việc xác định tính âm dương của một đối tượng:

     * Muốn xác định được tính chất âm dương của một đối tượng thì trước hết phải xác định được đối tượng so sánh. Màu trắng so với màu đỏ thì là âm, nhưng so với màu đen thì là dương. Ta có thể xác lập được mức độ âm dương cho nhiều hệ; ví dụ, về màu sắc thì đi từ âm đến dương ta có đen-trắng-xanh-vàng-đỏ (đất "đen" sinh ra mầm lá "trắng", lớn lên thì chuyển thành "xanh", lâu dần chuyển thành lá "vàng" và cuối cùng thành "đỏ")
   
     * Muốn xác định được tính chất âm dương của một đối tượng thì phải xác định được cơ sở so sánh. Ví dụ, nước so với đất thì, về độ cứng thì nước là âm, đất là dương; nhưng về độ linh động thì nước là dương, đất là âm.

Quy luật về quan hệ giữa các thành tố của triết lý âm dương là:

    * Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, và
   
    * Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng, nóng và lạnh,... luôn chuyển hóa cho nhau. Cây màu xanh từ đất "đen", sau khi lớn chín "vàng" rồi hóa "đỏ" và cuối cùng lại rụng xuống và thối rữa để trở lại màu "đen" của đất. Từ nước lạnh (âm) nếu được đun nóng đến cùng cực thì bốc hơi lên trời (thành dương), và ngược lại, nếu được làm lạnh đến cùng cực thì nó sẽ thành nước đá (thành dương).

Tất cả các quy luật trên được thể hiện đầy đủ trong biểu tượng âm dương nói lên bản chất và sự chuyển hóa của âm và dương.
 
So sánh với các quy luật của lô-gíc học

Trong lô-gíc học cũng có hai quy luật tương đương với hai quy luật ở trên. Đó là quy luật về bản chất của thành tố - luật đồng nhất, và quy luật về quan hệ giữa các thành tố - luật lý do đầy đủ mà hệ quả của nó là luật nhân quả.

Luật đồng nhất (bản chất A = A) chỉ đúng khi sự vật và hiện tượng đứng yên, mà điều này thì không biện chứng vì sự vật và hiện tượng luôn vận động (đổi mới), mà nếu vận động thì nó không thể đồng nhất với chính nó được nữa. Trong khi đó, quy luật về bản chất của triết lý âm dương là trong âm có dương, trong dương có âm, tức là trong A đã có B rồi.

Luật lý do đầy đủ xác lập nên luật nhân quả cũng chỉ xem xét sự vật và hiện tượng trong sự cô lập, không liên hệ với môi trường xung quanh, trong khi trên thực tế, sự vật và hiện tượng tồn tại trong không gian và quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác. Cái này là nhân của cái kia, nhưng nó lại là quả của cái khác. Không có nhân tuyệt đố và quả tuyệt đối rất phù hợp với luật chuyển hóa âm dương bất tận, vô thủy (không có bắt đầu) và vô chung (không có kết thúc).

Hai quy luật của lôgíc học là sản phẩm của lối tư duy phân tích, chú trọng đến các yếu tố biệt lập của văn hóa du mục; trong khi quy luật của triết lý âm dương là điển hình của tư duy tổng hợp, chú trọng đến các quan hệ của văn hóa nông nghiệp.

Hai hướng phát triển của triết lý âm dương


Triết lý âm dương là cơ sở để xây dựng lên hai hệ thống triết lý khác đó là hệ thống "tam tài, ngũ hành" và "tứ tượng, bát quái".

Nếu so sánh phương Đông với phương Tây thì phương Tây chú trọng đến tư duy phân tích, siêu hình còn phương Đông chú trọng đến tư duy tổng hợp, biện chứng. Nhưng nếu xét riêng ở phương Đông thì nếu đi từ bắc xuống nam ta sẽ thấy phía bắc Trung Quốc nặng về phân tích hơn tổng hợp, còn phía nam thì ngược lại, nặng về tổng hợp hơn phân tích. Triết lý âm dương bắt nguồn từ phương Nam, nhưng đối với các dân tộc Đông Nam Á, do tính phân tích yếu nên họ chỉ lại ở tư duy âm dương sơ khai mang tính tổng hợp. Trong khi đó khối Bách Việt đã phát triển và hoàn thiện nó. Tổ tiên người Hán cũng vậy, sau khi tiếp thu triết lý âm dương sơ khai, họ cũng phát triển nó nhưng do năng lực phân tích của họ mạnh hơn năng lực phân tích của người Bách Việt mà từ triết lý âm dương ban đầu, người Bách Việt và người Hán đã xây dựng nên hai hệ thống triết lý khác nhau.

Ở phương Nam, với lối tư duy mạnh về tổng hợp, người Bách Việt đã tạo ra mô hình vũ trụ với số lượng thành tố lẻ (dương): hai sinh ba (tam tài), ba sinh năm (ngũ hành). Chính vì thế mà Lão Tử, một nhà triết học của nước Sở (thuộc phương Nam) lại cho rằng: "nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Tư duy số lẻ là một trong những nét đặc thù của phương Nam. Trong rất nhiều thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, các số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 xuất hiện rất nhiều. Ví dụ: "ba mặt một lời"; "ba vợ, bảy nàng hầu"; "tam sao, thất bản" ...

Ở phương Bắc, với lối tư duy mạnh về phân tích, người Hán đã gọi âm dương là lưỡng nghi, và bằng cách phân đôi thuần túy mà sinh ra mô hình vũ trụ chặt chẽ với số lượng thành tố chẵn (âm). Chính vì vậy Kinh Dịch trình bày sự hình thành vũ trụ như sau: "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng" (hai sinh bốn, bốn sinh tám). Người phương Bắc thích dùng số chẵn; ví dụ, "tứ đại", "tứ mã", "tứ trụ",... Lối tư duy như vậy, hoàn toàn không có chỗ cho ngũ hành - điều này cho thấy, quan niệm cho rằng "âm dương - ngũ hành - bát quái" chỉ là sản phẩm của người Hán có lẽ là một sai lầm.

Ứng dụng trong thực tế

Âm dương trong thực tế hiện đại đã được khái quát hóa để chỉ ra hai mặt đối lập nhau trong một sự vật, một hiện tượng. Từ đó chúng được dùng để điều phối, trấn áp hay hỗ trợ nhau. Như trong Đông Y với công việc. chúng được dùng để xem xét sự mất cân bằng giữa các cơ quan để biết tả hay bổ chúng. Trong nhân tướng học chúng được dùng để xem xét một cá nhân thiên về cá tính nóng hay lạnh, để sử dụng nhân lực phù hợp.

Nguồn: Tủ sách Khoa học VLOS

No comments:

Post a Comment

Popular Posts