Friday, November 16, 2012

SÔNG GIANH LỊCH SỬ

Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 mét thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
Dòng chảy ở thượng nguồn theo hình chữ V với hướng chủ đạo là Tây Nam - Đông Bắc. Từ điểm giáp ranh ba xã Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa bắt đầu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Tới ranh giới hai xã Kim Hóa và Lệ Hóa, nó tiếp nhận thêm nguồn nước từ một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn, chảy về từ phía Tây. Phía dưới thị trấn Ba Đồn khoảng 3 km, sông Gianh tiếp nhận thêm nước từ chi lưu phía hữu ngạn, chảy ra từ khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cầu Sông Gianh
Sông Gianh dài khoảng 160 km, cắt qua quốc lộ 1 ở Tây Bắc Cửa Gianh 5 km. Đoạn sông ở hạ lưu, từ Cửa Gianh đến Ba Đồn 6 km, đến thị trấn Đồng Lê huyện Tuyên Hóa là 47 km. Đoạn thượng lưu từ Khe Nét trở về nguồn dài khoảng 70 - 80 km, lòng sông nhiều thác ghềnh. Khoảng 20 km đầu nguồn đá đổ ngổn ngang trong lòng sông. Tới Đồng Tâm, lòng sông rộng khoảng 80 - 90 m, lớn nhất 110-115 m. Đoạn từ các xã Phù Hóa, Quảng Tiên tới thị trấn Ba Đồn lòng sông có 5 cồn, đảo nhỏ trên sông, trong đó đảo dài nhất khoảng 3,8 km rộng nhất khoảng 0,8 km. Ngay dưới Ba Đồn lòng sông rộng tới 1 km.
Trong lịch sử, sông Gianh được gọi là Linh Giang. Nếu Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069) thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672). Chiến trường chính là miền Bố Chính (Quảng Bình). Đèo Ngang gắn với huyền thoại “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1558, Nguyễn Hoàng, một danh tướng thời Lê Trung Hưng, con thứ của Nguyễn Kim, sợ bị Trịnh Kiểm mưu hại, đã xin vào trấn thủ Thuận Hoá, mở đầu nhà Nguyễn sau này.
Trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang, nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là sông Gianh. Bờ bắc sông có chợ Ba Đồn là nơi quân Trịnh mua đồ ăn uống và trao đổi hàng hóa. Bờ Nam sông có một số thành lũy chắc chắn do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp, luỹ Thầy dài 18 km, luỹ Trường Dục dài 10 km. Di tích Lũy Thầy, Quảng Bình quan, thành quách của thời Trịnh Nguyễn nay vẫn còn.

Với 213 dòng sông lớn nhỏ chảy qua đất Việt thì sông Gianh là dòng sông duy nhất chỉ chảy qua một tỉnh Quảng Bình. Từ bao đời nay dòng sông vẫn bình lặng trôi, hòa với bóng nước trời mây, núi non trùng điệp, lấp lánh ánh bạc của những con thuyền nhanh tay chèo lái, thêm cái nắng rát bỏng miền Trung khắc nghiệt, đôi bờ sông Gianh vẫn bình dị và trầm mặc theo thời gian. Trải dài theo sông là những xóm làng thuần nông, làng nghề, làng văn hóa. Làng nghề nằm ở hạ lưu sông Gianh (làng nón lá, bánh đa bánh đúc Tân An được nắng gió của dòng sông làm đậm đà hương vị).
Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hoá dài chừng 4 cây số là vùng giao thoa giữa nước lợ và nước ngọt. Làng Phù Hoá nghèo nhưng dân Phù Hoá ham học. Xuôi tiếp về hạ lưu sông Gianh, đến đoạn qua hai xã Quảng Hải và Quảng Thanh, nước sông đã bắt đầu có độ mặn. Nơi miền sơn cước có một ngôi làng Lệ Sơn lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh cuồn cuộn sóng vỗ, từ hàng trăm năm trước đây là làng văn hóa đứng đầu trong bát danh làng xứ Quảng về tinh thần hiếu học và cần cù của người dân nghèo nơi đây. Tương truyền từng có 100 con chim phượng hoàng rủ nhau bay đậu ở núi làng Lệ Sơn nên địa danh này là vùng đất linh địa, cảnh sắc non bồng thủy tú như  bức tranh "Sơn thủy hữu tình".
Đôi bờ sông Gianh đã đi vào lòng người, đi vào trái tim những con người xứ Quảng hiền hòa cần cù. Đôi bờ sông Gianh với cảnh sắc tuyệt mỹ của núi non và sông nước, với vẻ đẹp của lịch sử và văn hóa dân tộc vẫn được lưu truyền từ bao đời nay:
Quảng Bình chiều nao
Ta đứng bên ni, ngóng về... bên... nớ....
Ơi... con sông Gianh dòng nước xanh trong hiền như dòng lệ...
Mấy trăm năm xưa thành lưỡi gươm chia lìa
Và bao đời nay sao vẫn chưa liền bến
Hớ ơ ơ ớ hời Sông Gianh....
Ôi cái nắng chang chang cồn cát Quảng Bình
Dòng sông Gianh lặng lẽ trôi, xanh thẳm như một dải lụa mềm, vẻ đẹp đằm thắm uốn mình bọc lấy làng Lệ Sơn (Huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình). Làng Lệ Sơn, một bên có dãy núi huyền thoại 99 đỉnh che chở, một bên là dòng sông Gianh hiền hoà vỗ về. Đến nơi đây, người ta bỗng ngỡ như mình đang chứng kiến một bức tranh thuỷ mặc non nước hữu tình. Vẻ đẹp của dòng Gianh bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi.
Bao đời nay dòng sông vẫn bình lặng trôi, hòa với bóng nước trời mây, núi non trùng điệp, cùng cái nắng rát bỏng miền Trung khắc nghiệt, đôi bờ sông Gianh vẫn bình dị và trầm mặc theo thời gian. Hoàng hôn buông xuống dòng sông Giang lóng lánh, cây cầu bắc ngang sông huyền ảo hơn và đẹp hơn bất cứ lúc nào. Đôi bờ Sông Gianh hiền hoà và thơ mộng. Người ta nói đàn bà thuộc số 9, đàn ông thuộc số 7, cầu sông Gianh có 9 nhịp và 7 trụ chính ý nói đến sự hoà hợp vĩnh hằng, thế nên mới có bài ca “sông Gianh chín nhịp cầu”. Ngày nay sông Gianh không còn chia lìa hai bờ nữa, cầu sông Gianh đã bắc ngang lưu thông một cõi, sông Gianh bây giờ đang vỗ về cuộc sống của người dân nơi đây.
Cứ sau mùa hoa lau nở, người làng ven bờ sông Gianh lại đánh bắt được mùa ruốc, mùa cá. Nơi đây nổi tiếng với món chắt chắt (loài hến nhỏ ) xào lá lốt hay mít non, rau muống thái nhỏ ăn kèm bánh đa. Khúc sông Gianh ngang qua ba xã Văn Hóa, Cảnh Hóa và Phù Hóa là nơi nổi tiếng có loài Bống Cát nước ngọt. Đem cá xóc muối rồi rim khô ăn với cháo trắng hoặc cơm nóng ngon đến nao lòng người.
Quảng Bình không chỉ đẹp bởi Phong Nha - Kẻ Bàng. Nếu du khách đã đến Quảng Bình, du khách là những người đam mê đi tìm vẻ đẹp của tự nhiên, muốn hoà mình vào cuộc sống dân dã của thiên nhiên thì chớ quên đến dòng sông Gianh buổi sớm mai, buổi hoàng hôn. Đi trên những con thuyền nhỏ khắp dòng sông thưởng ngoạn vẻ đẹp của đất trời, bạn sẽ thấy rằng thiên nhiên và con người dường như giao hoà ở nơi đây.
Hoàng Lạc (tổng hợp)
Từ: Avala.vn, Vietbalo, vi.wikipedia
Ảnh: sưu tầm Internet

No comments:

Post a Comment

Popular Posts