Thursday, September 13, 2012

KIM ĐỊNH VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT NAM

 GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH và NV thuộc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh

Đây là bài viết (có bổ sung) đã trình bày tại Tọa đàm tưởng niệm 15 năm ngày mất của GS. Lương Kim Định do Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý học Đông phương tổ chức ngày 14-7-2012 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (x. tin tại [TT VHH 2012; CAND 2012]).
Bài viết gồm bốn nội dung: (1) Hiện tượng Kim Định; (2) Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định; (3) Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định; (4) Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta.

  


1. Hiện tượng Kim Định

1.1. Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam, có bốn cái mốc quan trọng được tạo nên bởi bốn nhân vật.
Người đầu tiên viết sách về văn hóa Việt Nam là Lê Quý Đôn với “Vân đài loại ngữ” (9 quyển, 1773), và sách đó mang tính bách khoa thư.
Người đầu tiên viết chuyên luận về văn hóa Việt Nam và bảo vệ lấy bằng tiến sĩ tại phương Tây (Đại học Sorbonne, Paris, 1934) là Nguyễn Văn Huyên với luận án chính là “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”, hai luận án này được xếp loại xuất sắc và được xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới dân tộc học châu Âu.
Người đầu tiên viết sách giáo khoa về văn hóa Việt Nam theo tiêu chuẩn phương Tây là Đào Duy Anh, và sách đó là “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938); ông cũng là một nhà bách khoa thư trong nhiều lĩnh vực.
Tất cả những sách bách khoa thư, sách chuyên luận, và sách giáo trình nêu trên đều được soạn thảo rất công phu và đều là những sách rất có giá trị (cho đến tận ngày nay), nhưng cả về hình thức và nội dung đều tuân theo những chuẩn mực của thời đại mình. Vì vậy các tác giả của chúng đều sống một cuộc đời suôn sẻ. Con đường quan lộ của Lê Quý Đôn có phần lận đận nhưng ông cũng từng nhiều lần giữ các trọng trách, khi mất được truy phong là thượng thư Bộ Công. Đào Duy Anh là một nhà giáo khả kính. Nguyễn Văn Huyên là người giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam lâu nhất (gần 29 năm).
Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam, người đầu tiên làm nên một hiện tượng, gây nên một phong trào, và sống một cuộc đời không thể nói là suôn sẻ, ấy là Kim Định (1914-1997).
Triết gia Lương Kim Định (1914-1997)

1.2. “Hiện tượng” là một sự kiện hay sự việc đặc biệtbất thường. Điều bất thường về hình thức nằm ở chỗ Lương Kim Định là người đầu tiên và cho đến nay là duy nhất viết nhiều sách nhất về văn hóa Việt Nam.
Nếu không kể 7 cuốn chưa in, 5 cuốn in rồi mà bị thất lạc, thì Kim Định có tổng cộng 32 cuốn mà ngày nay chúng ta có thể tiếp cận được[1]. Trong đó có 20 cuốn được xuất bản trong giai đoạn 1965-1975, và 12 cuốn được xuất bản trong giai đoạn 1979-2000. Có hai năm ông xuất bản tới 4 quyển mỗi năm (1970, 1973) và hai năm ông xuất bản 3 quyển mỗi năm (1969, 1987), x. bảng 1.
Năm
Số lượng
Tên sách
Giai đoạn
1965
1
Cửa Khổng

20

1967
1
Chữ Thời
1969
3
Vũ trụ nhân linh; Định hướng văn học; Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

1970
4
Tâm tư; Việt lý tố nguyên; Dịch Kinh linh thể; Hiến chương giáo dục

1971
2
Lạc Thư minh triết; Triết lý Cái Đình

1972
1
Cơ cấu Việt Nho

1973
4
Loa Thành đồ thuyết; Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt Nam; Vấn đề Quốc học; Tinh hoa Ngũ Điển

1975
1
Triết lý giáo dục
1979
1
Hồn Nước với lễ Gia Tiên

12
1982
1
Văn Lang vũ bộ

1984
2
Hùng Việt sử ca; Sứ điệp trống đồng

1986
1
Hoa Kỳ và thế chiến lược toàn cầu

1987
3
Đạo trường chung cho Đông Á; Cẩm nang Triết Việt; Hưng Việt
1988
2
Gốc rễ Triết Việt; Việt Triết nhập môn

1997
1
Thái bình minh triết

2000
1
Phong thái An Vi

Không rõ năm
3
Nhân chủ; Kinh Hùng khải triết; Pho tượng đẹp nhất của Việt Tộc

Bảng 1: Tình hình xuất bản sách của Kim Định

Trong 32 cuốn đó, cuốn dày nhất, cũng được chính ông đánh giá cao nhất, là “Chữ Thời” dày 700 trang. Có 2 cuốn dày 430 trang là “Việt lý tố nguyên” (430 tr.) và “Sứ điệp trống đồng” (431 tr.). Hai cuốn mỏng nhất là “Đạo trường chung cho Đông Á” (111 tr.) và “Cẩm nang Triết Việt” (80 tr.). 27 cuốn còn lại dày trung bình khoảng 200-250 trang.
Sách của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975

1.3. Dù dày mỏng thế nào thì những gì Kim Định để lại cũng thực sự là một di sản vô cùng đồ sộ. Tuy là một di sản đồ sộ, nhưng điều làm nên HIỆN TƯỢNG KIM ĐỊNH không phải là ở hình thức số lượng và khối lượng, mà là ở nội dung: Trong những cuốn sách đó, Kim Định đã đưa ra những đề quyết động trời” (như người ta thường nói và chính Kim Định cũng thừa nhận). Ông khẳng định rằng giống người Việt một sắc tộc đã đến ăn ở trên khắp nước Tàu trước giống người Hoa. Người Việt từng là chủ nhân không chỉ của nước Tàu, mà còn là của phần lớn các giá trị văn hóa tinh thần quan trọng đã bị người Hán dần dần thâu tóm hết là Nho giáo và Ngũ kinh. Theo cách nói của Kim Định, tộc Việt đã xây nền văn hóa minh triết nhân bản rồi người Hoa học theo và chiếm đoạt.
Nếu đang tự nhiên mà có người tuyên bố như vậy hẳn sẽ bị xã hội xem là kẻ không bình thường. Và cách ứng xử thông thường với kẻ không bình thường là không ai thèm để ý đến, nếu có nhắc đến thì là để đem ra chế diễu như người ta đã từng làm đối với ông đạo Dừa.
Với Kim Định cũng đã từng có cách ứng xử tương tự ở Sài Gòn trước năm 1975 và ở hải ngoại sau năm 1975. Song với một người điên bình thường thì sau đó sẽ là quên lãng, như người Tây Nam Bộ từng quên lãng vô số các ông đạo Đi, đạo Đứng, đạo Nằm, đạo Ngồi, v.v. đến rồi lại đi ở vùng Tây Nam Bộ trong các năm đầu thế kỷ XX. Nhưng với Kim Định thì tình hình không phải như thế mà tệ hơn rất nhiều. Giới học giả giễu cợt chê bai đã đành, người ta “đánh” Kim Định bằng lời nói và ngòi bút đã đành, ngay cả các cha bề trên trong đạo của ông cũng quay lưng lại với ông. Hà Văn Thùy nhận xét rằng “Gần như suốt cuộc đời, Kim Định sống giữa hai làn đạn” [Hà Văn Thùy 2011]. Theo tôi, phải nói là “Kim Định sống giữa rất nhiều làn đạn” mới đúng!
Vì sao người ta lại sợ ông đến thế? Câu trả lời hình như rất đơn giản: Là vì ông có quá nhiều người theo. Mà số người theo này lại mỗi ngày một đông. Mà số người mỗi ngày một đông này lại không phải là người bình dân, gần như tuyệt đại bộ phận họ là trí thức (tuy phần nhiều là những người không chuyên sâu trong lĩnh vực này), và là sinh viên, tức những chủ nhân của tương lai.
Tất cả những cái bất thường đó đã làm nên “hiện tượng Kim Định”.
1.4. Lôi kéo được nhiều người theo, ấy hẳn là vì ông có những điểm mạnh. Bị nhiều người chống đối, ấy chắc là vì ông có những chỗ yếu. Những điểm mạnh sẽ là cơ sở để gặt hái các thành công. Những điểm yếu sẽ là nơi xuất phát dẫn đến những hạn chế.
Chúng ta hãy lần lượt xác định những điểm mạnh những thành công cùng những điểm yếu những hạn chế ấy của Kim Định.

2. Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định

2.1. Có thể thấy Kim Định có tất cả năm điểm mạnh.
Điểm mạnh thứ nhất của Kim Định là ông tốt nghiệp chuyên ngành Triết Tây; nghĩa là ông đã được đào tạo rất bài bản và có phương pháp.
Điểm mạnh thứ hai là ông lại còn học cao học chuyên ngành Trung Quốc học (ngành Đông phương học) tại Pháp: Nhờ đó mà ông am hiểu lịch sử và văn hóa Trung Hoa, tiếp xúc được với các tác phẩm nghiên cứu Trung Quốc của người phương Tây; trong ông tri thức Tây và Đông đã bổ sung khá hoàn hảo cho nhau.
Điểm mạnh thứ ba là Kim Định làm linh mục tại nhà thờ: do vậy dễ hiểu rằng ông là người ham muốn truyền đạo và rất có phương pháp, kinh nghiệm trong việc tổ chức truyền đạo, gây dựng phong trào.
Nếu chỉ hoạt động tôn giáo, chỉ truyền đạo, thì chỉ cần có một niềm tin. Nhưng ông còn có điểm mạnh thứ tư là tham gia giảng dạy triết học tại đại học; điều đó có nghĩa là ông có may mắn sống trong môi trường đại học khuyến khích tư duy sáng tạo. Trong ngành triết học, tư duy sáng tạo ấy đòi hỏi một năng lực suy luận, không loại trừ cả năng lực tưởng tượng phong phú nữa.
Điểm mạnh thứ năm nằm ở chỗ Kim Định là người sinh ra ở Bắc Kỳ, song lại sống ở Nam Kỳ. Sinh ra ở đất Bắc (Nam Định) nên trong con người ông có cái “máu” thích làm lý luận. Nhưng chính cái môi trường sống Nam Kỳ mới là yếu tố mang tính quyết định trong việc tạo ra “hiện tượng Kim Định”.
Nam Kỳ là nơi mà vào đầu thế kỷ XX từng có một công tử Bạc Liêu sắm máy bay để đi thăm đồng (lúc ấy cả nước chỉ có hai người có máy bay riêng là vua Bảo Đại và công tử Trần Trinh Huy), còn nay thì có những nông dân “Hai Lúa” to gan dám tự mình chế tạo máy bay (như Lê Văn Danh, Trần Quốc Hải ở Tây Ninh). Kim Định học được ở họ lối tư duy phóng khoáng, cách hành xử năng động và mạnh dạn, “dám nghĩ dám làm”.
Nam Kỳ lại là nơi ở xa Đất Tổ; mà người trí thức như Kim Định càng ở xa Đất Tổ bao nhiêu thì tấm lòng và tình cảm hướng về nguồn càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
Nam Kỳ thời Kim Định còn là mảnh đất tư bản tự do. Cái chất “tư bản tự do” này nếu đặt trong môi trường phương Tây thì sẽ phát triển mạnh xu hướng quốc tế mà coi nhẹ dân tộc quốc gia; nhưng nếu đặt trong môi trường phương Đông thì ngược lại, lại tạo điều kiện cho việc phát huy tinh thần quốc gia dân tộc.
Tổng hợp của tất cả năm điểm mạnh ấy đã làm nên ba thành công lớn, cũng là những đóng góp của Kim Định.
2.2. Thành công và đóng góp lớn thứ nhất là trên lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học, Kim Định là người đi tiên phong trong việc tìm kiếm những giá trị tinh thần đặc thù của dân tộc.
Trong một bài viết công bố năm 2005 nhân dịp 40 năm ngày thống nhất đất nước [Trần Ngọc Thêm 2005], chúng tôi đã nhận xét rằng phe Tư bản Chủ nghĩa hình thành trước ở khu vực phía Tây, nên mang đậm những giá trị đã định hình của văn hóa phương Tây là coi trọng cá nhân, phát huy dân chủ và phổ biến Kitô giáo. Phe Xã hội Chủ nghĩa thì hình thành muộn hơn ở khu vực phía Đông, nên tư tưởng của K. Marx cùng với kinh nghiệm của V.I. Lenin, được thực hiện bởi I.V. Stalin và Mao Trạch Đông đã kết hợp với những giá trị cổ truyền của văn hóa phương Đông mà thành ba cột trụ là coi trọng cộng đồng, tập trung quyền lực (“chuyên chính vô sản”), và đề cao vô thần luận. Bởi vậy mà ở các nước Xã hội Chủ nghĩa trước đây không có chỗ đứng cho các tư tưởng dân tộc, nếu có sẽ lập tức bị coi là “dân tộc hẹp hòi” (Nguyễn Ái Quốc đã từng bị Quốc tế Cộng sản phê phán như thế). Bởi vậy mà trong khi ở miền Nam, Tổng thống họ Ngô vẫn sử dụng trang phục khăn đóng áo dài trong các dịp quốc lễ, thì cán bộ miền Bắc giai đoạn này lại dùng bộ “đại cán” của người Tàu!
Chính trong bối cảnh ấy mà ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã có nhiều người quan tâm nghiên cứu văn hóa dân tộc như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Toan Ánh, Lê Văn Siêu, Kim Định... và đã xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc có giá trị. Trong khi đó, ở miền Bắc giai đoạn này duy nhất chỉ có ngành khảo cổ học gặt hái được nhiều thành công trong việc tìm về cội nguồn, còn những công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc tương tự như của các đồng nghiệp miền Nam thì hầu như vắng bóng.
Trong số những tác giả vừa nêu, Kim Định đã nổi lên một cách khác thường, nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Với thành công này, không ai có thể phủ nhận rằng ông là một người có tinh thần dân tộc đầy nhiệt huyết trong số những người yêu nước, yêu dân tộc.
2.3. Trên lĩnh vực tư tưởng học thuật, với tất cả những thuận lợi và khó khăn vào thời đại của mình, trên cơ sở những tư liệu và tài liệu chưa phải là nhiều, Kim Định đã đưa được cái tinh thần phóng khoáng “dám nghĩ dám làm” của người Nam Bộ vào trong nghiên cứu khoa học để đề xuất những nhận định khái quát rất mạnh bạo, rất tiên phong, và, tuy còn chứa nhiều sai lầm mang tính bộ phận, nhưng về cơ bản và trên những nét tổng thể thì có thể nói là đúng hướng. Đó là nhận xét về vai trò và đóng góp của văn hóa Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa.
Những nhận định này đã góp công khai phóng, giải thoát người Việt khỏi thứ tư duy nô lệ coi cái gì cũng từ Trung Hoa mà ra; chúng trở thành nguồn cảm hứng và động viên cho rất nhiều người tiếp tục bỏ công sức đi theo hướng này. Đó là thành công và đóng góp lớn thứ hai của Kim Định.
2.4. Thành công và đóng góp lớn thứ ba của Kim Định là trên lĩnh vực phong trào. Trong hơn 30 năm (1965-1997), với những sức chống phá dữ dội từ nhiều phía, nhưng Kim Định đã không chỉ nghiên cứu một mình, mà ông đã khởi to ra được một phong trào nghiên cu văn hóa Việt, tư tưởng Vit..., ông đã khơi gợi lên được lòng yêu nước, yêu dân tộc trong một phạm vi rộng lớn trí thức và lớp trẻ. Hội An Việt tại Vương Quốc Anh (do ông Vũ Khánh Thành thành lập năm 1982), Hội An Việt toàn cầu, phong trào Hùng Việt là những minh chứng.
Đúng như GS. Trần Văn Ðoàn, nguyên trưởng khoa triết học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, đã nhận xét: “Từ các tiểu bang bên Mỹ, cho tới các nước tại Âu Châu, từ Gia Nã Ðại cho tới Âu Châu, nơi đâu cũng có phong trào Hùng Việt hấp dẫn cả ngàn người. Thật là một hiện tượng chưa từng thấy”. “Có thể nói mà không sợ lịch sử chê bai, cụ Kim Ðịnh có lẽ là một người trí thức Việt duy nhất có thể gây lên một ảnh hưởng như vậy” [Trần Văn Ðoàn 1997]. Là người khá gần gũi với GS. Trần trong định hướng nghiên cứu (nên được ông mời làm một trong năm thành viên nòng cốt của Ủy ban Nghiên cứu Tư tưởng Việt [Trần Văn Đoàn 1999]) và cũng gần gũi với GS. Trần trong cách đánh giá về Kim Định, tôi chỉ có thể xin ký thêm một chữ vào nhận định rất xác đáng của ông.
Đóng góp này của Kim Địnhvô cùng lớn lao. Nếu chỉ đơn thuần là một trí thức, một nhà giáo, một nhà khoa học thì không dễ gì làm được. Đóng góp đó rất đáng tôn vinh, ca ngợi noi theo. Khơi gọi lên được tinh thần yêu nước ở mọi người, thì cái tinh thần ấy ở người khởi xướng phải lớn gấp chừng nào. Khơi gọi lên được nhiệt tâm của những người khác, thì cái nhiệt tâm ấy ở Kim Định phải lớn biết chừng nào!

3. Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định

3.1. Những cơ sở làm nên các điểm mạnh của Kim Định vừa nêu trên cũng chính là nơi bắt nguồn những điểm yếu của ông.
Thứ nhất, việc Kim Định đã ở xa đất tổ trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, mọi thông tin (kể cả thông tin khoa học) bị ngăn chặn, thành ra rất thiếu thốn về tư liệu, lại cộng thêm đối tượng nghiên cứu là môn triết học trừu tượng rất dễ khiến ông sa vào tư biện.
Thứ hai, thập niên 1960 là lúc mà ở Sài Gòn gần như có một “phong trào” nghiên cứu về triết Việt với sự tham gia của một số người tự học triết, thậm chí là không chuyên về triết như Nguyễn Ðăng Thục, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, v.v. [Trần Văn Ðoàn 2000]. Môi trường thiếu chuyên nghiệp này cộng với việc hành nghề tôn giáo (động, coi trọng phong trào) là những lý do dẫn đến khả năng làm giảm tính khoa học, làm phai nhạt tính nghiêm túc hàn lâm, làm nảy sinh tính dễ dãi, lãng mạn ở Kim Định, một người mặc dù đã được đào tạo triết học một cách bài bản.
Thứ ba, việc Kim Định thụ hưởng một nền giáo dục Tây phương tại đất phương Tây cộng với văn hóa Ki-tô giáo tạo nên chất văn hóa phương Tây quá mạnh rất dễ khiến ông sinh ra cực đoan.
Thứ tư, việc Kim Định nghiên cứu triết học (liên quan đến tư tưởng), nghiên cứu văn hóa (liên quan đến dân tộc), cộng với hoạt động phong trào (liên quan đến quần chúng) rất dễ khiến ông bị hiểu lầm là làm chính trị.
Bốn điểm yếu vừa nêu đã dẫn đến hậu quả là các công trình nghiên cứu của Kim Định mắc phải ba hạn chế: (a) Dễ dãi, lãng mạn, tư biện; (b) Cực đoan; và (c) Mang màu sắc chính trị.
3.2. Hạn chế thứ nhất trong các công trình nghiên cứu của Kim Định là tính dễ dãi, lãng mạn tư biện.
Đây chính là hạn chế lớn nhất mà các nhà khoa học thực sự khó có thể chấp nhận được. Và đây cũng là lý do chính đáng dẫn đến sự phản ứng và quay lưng của nhiều người trong giới khoa học. Từ phản ứng dẫn đến mỉa mai châm chọc quá đà chỉ là một bước ngắn. Bài “Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học” Việt Nam?” của Tạ Chí Đại Trường đăng trên mạng talawas.org (sau đăng lại trên tạp chí Xưa và Nay số 377, 378) tuy chứa đựng cái sự mỉa mai châm chọc (đáng tiếc là rất không nghiêm túc!) ấy ngay từ trong tên bài, nhưng một số sự kiện mà ông sử gia họ Tạ đưa ra phê phán không phải là sai.
Những suy luận kiểu như ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 được đọc thành “Tam Miêu và Bách Việt”, vì “Tam Miêu là tháng 3, còn Bách Việt là mồng 10. Mười là số chẵn [chục nên] có thể thay số chẵn trăm” (Triết lí cái đình, mục “VII. Việt Hùng”) rõ ràng là quá lãng mạn. Hoặc từ khẳng định “người Việt từng cư trú trên khắp đất Tàu” dẫn đến khẳng định Ðông Di (tổ tiên người Mãn Châu, Triều Tiên) là một chi của Việt; mặt khác, Khổng Tử theo Nghiêu Thuấn, mà Thuấn là người Ðông Di, cho nên kết luận sách Khổng Tử là của Việt cả (Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc) [Tạ Chí Đại Trường 2008] thì rõ ràng là quá dễ dãi.
Không cứ gì Tạ Chí Đại Trường, Hà Văn Thùy cũng chỉ ra những trường hợp mà khi hăng hái quá đà, Kim Định đã sa vào tư biện, dẫn tới sai lầm. Quá say sưa với phương pháp của mình, ông đã viết cả một cuốn sách “Loa thành đồ thuyết” giảng giải về thành Cổ Loa chín vòng, hình trôn ốc là biểu trưng tuyệt vời của văn hóa Việt. Khi khảo cổ học phát hiện thành chỉ có hai vòng do An Dương vương xây, còn vòng thứ ba do Mã Viện đắp, hóa ra không những không có chín vòng thành mà chả làm gì có cái thành hình trôn ốc [Hà Văn Thùy 2011].
Ngay trong bài viết tưởng niệm Kim Ðịnh vào năm ông ra đi (1997), Trần Văn Đoàn có viết một câu khiến tôi phải suy nghĩ mãi: “Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ” [Trần Văn Ðoàn 1997]. Tôi cho rằng với cụm từ “vượt xa Trần Ðức Thảo” này, GS. Trần Văn Đoàn vừa có ý khen, nhưng cũng vừa có ý “chê khéo” học giả họ Lương. Khen là khen cái tinh thần suy nghĩ độc lập, đôi khi có thể đi ngược lại với số đông (điều mà đáng tiếc là còn yếu ở Trần Ðức Thảo: Trần Ðức Thảo nghiên cứu triết học Marx và hiện tượng học đều là nghiên cứu theo phong trào, theo “mốt” mang tính thời đại). “Chê khéo” Kim Định là tuy cụ có suy nghĩ độc lập, nhưng cái suy nghĩ ấy nhiều khi lại quá dễ dãi, vượt xa Trần Ðức Thảo là người viết rất bài bản, hàn lâm. Ở một chỗ khác trong chính bài này, ông viết rõ hơn: “tôi tuy khẳng định triết học của cụ, song cũng phê bình tính chất thiếu nghiêm túc và quá lãng mạn trong nền triết học An Vi của cụ” [Trần Văn Ðoàn 1997]. Trong “Việt Triết luận tập”, giáo sư Trần đánh giá cụ thể hơn nữa: “Ngay các tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Ðăng Thục, Kim Ðịnh cũng đều vướng vào những lỗi lầm căn bản như thiếu hệ thống, phân tích rời rạc, lý luận thiếu vững chắc, đôi khi mâu thuẫn, sử liệu mơ hồ, vân vân [Trần Văn Ðoàn 2000].
Cái tinh thần năng động “dám nghĩ dám làm” Nam Bộ thì quý thật, nhưng dù là để tư duy triết học sáng tạo ra triết Việt hay để thực hành kỹ thuật chế tạo ra máy bay, đều cần phải có một cơ sở lý luận vững chắc mang tính hệ thống chặt chẽ, phi mâu thuẫn như nhau.
3.3. Hạn chế thứ hai trong các công trình nghiên cứu của Kim Định là tính cực đoan.
Như đã phân tích ở trên, việc Kim Định được thụ hưởng một nền giáo dục Tây phương tại đất phương Tây cộng với văn hóa Ki-tô giáo đã tạo nên trong ông chất văn hóa phương Tây quá mạnh. Một người ủng hộ ông rất mực, trong một bài viết đăng trên trang mạng “An Việt toàn cầu” cũng phải thốt lên rằng: “Lời văn trong sách [của Kim Định] chứa đầy tinh thần yêu nước mà cái gì Việt Nam cũng nhứt, và tôi sợ quan niệm quá cực đoan thì rất khó dung nạp trong các nước tự do phương Tây” [Lê Hùng 2012].
Trong cuốn “Việt lý tố nguyên” (và nhiều nơi khác) Kim Định từng viết rằng “hễ mình chống đối cái gì thì cuối cùng sẽ sa vào cái đó, trong triết quen gọi là nhị nguyên” (Việt lý tố nguyên, mục XIII). Bản thân Kim Định trong tư duy nghiên cứu, cả đời luôn có nhận thức rất đúng về vai trò tối thượng của sự “quân bình”, luôn có ý thức rất rõ về vai trò của tỷ lệ “tham thiên lưỡng địa”, luôn có chủ trương hành động hướng tới “thái hòa”, luôn mong muốn thông qua con đường “an vi” để tạo nên “An Việt”, thế nhưng nhiều kết luận khoa học của ông lại quá cực đoan.
3.4. Hạn chế thứ ba của Kim Định là ông để cho các công trình nghiên cứu của mình mang màu sắc chính trị, còn trong cuộc đời thì để người ta cho rằng ông “làm chính trị”.
Làm chính trị ở mức cao nhất là tìm cách tác động đến tư tưởng của một dân tộc nhằm tạo ra một phong trào quần chúng rồi vạch ra đường lối mà dẫn dắt họ. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, sự đan xen và hội tụ của những hoạt động khác nhau mà Kim Định đã thực hiện trong cuộc đời đã tạo nên một thứ rất giống với việc “làm chính trị”: Ông nghiên cứu triết học là cái liên quan đến tư tưởng, ông nghiên cứu văn hóa là cái liên quan đến dân tộc, ông tạo nên các phong trào là cái liên quan đến quần chúng.
Quan sát các tác phẩm của ông, một số người cảm thấy cái “màu sắc chính trị” bao trùm hình như là tinh thần chống cộng. Lê Hùng nhận xét rằng “Kim Định thường lấy cái Duy Vật cộng sản ra diu cợt nhiều nhất” [Lê Hùng 2012]. Theo Tạ Chí Đại Trường thì “Bị đẩy ra khỏi nước, Kim Ðịnh tức giận, căm thù người cộng sản” [Tạ Chí Đại Trường 2008]. Chúng tôi đã thử thống kê, chỉ trong một cuốn “Việt lý tố nguyên” (bản có bổ sung)[2], đã có 48 lần tác giả nhắc đến từ “cộng sản”. Nếu bỏ ra một bên những từ ngữ mang tính mỉa mai giễu cợt, thì có thể thấy ông chỉ đơn thuần coi đó là một mảng tài liệu thực tế được đưa ra phân tích dưới ánh sáng lý thuyết của mình.
Trong suốt cuốn “Việt lý tố nguyên, Kim Định đã chỉ ra rằng người cộng sản đã đúng khi nhìn ra được vai trò của dân chúng nên không những đã dùng “tiếng dân” (ngôn ngữ bình dân) để tuyên truyền, mà còn trao vào tay thợ thuyền quyền lãnh đạo (mục VI). Theo Kim Định, người cộng sản đã “độc quyền chuyên chế”, “nghi kỵ tự do”, nhưng ông lại tỏ ý đồng tình: “nghi kỵ là phải, vì nếu ai cũng đòi tự do tự trị cả thì làm sao tổ chức xã hội cho mạnh được” (mục XI). Kim Định chỉ ra rằng sở dĩ “Trung cộng, Việt cộng” đã thắng thế là bởi, thay vì chỉ dựa vào thợ thuyền như cộng sản phương Tây thì họ dã biết dựa vào thôn dân: “Mao ... có lý vì đã giữ được y nguyên cái lương tri lành mạnh của thôn dân miền Giang Nam” mà “Tây Âu gọi sự thành công này là một sự Tàu hóa cộng sản (sinisation du coummunisme)”. “Thôn dân (trước kia là Viêm Việt) có một nền triết lý đặc trưng rất ơn ích cho con người và nhờ đó đã trở thành một sức mạnh ghê gớm không một bạo lực nào có thể đàn áp được”. Chính là nhờ biết “đi sát dân, đúng hơn là ở ngay trong lòng dân” mà người cộng sản đã phát động được tinh thần yêu nước của dân chúng, “đoàn kết để đánh bật ngoại bang”. Trong khi “phía quốc gia chỉ là mấy nhóm chính trị tuy thành tâm ... nhưng thiếu hẳn triết lý”, “ý thức thì lại là Tây: lơ mơ như thế ... thì có thua cộng sản cũng là chuyện bình thường” (mục XV).
Dù đúng hay sai, thì những phân tích như thế trong hoàn cảnh thông tin một chiều, rất thiếu thốn về tư liệu cũng như thực tiễn thực sự là những cố gắng suy tư khách quan của một người làm khoa học.
Cuối cùng, nếu nói rằng Kim Định “làm chính trị” (để phủ định những đóng góp của ông) thì phải chỉ ra được ông thuộc phe phái nào? Nhưng điều đó là không thể: “Làm chính trị” kiểu gì mà đứng ở giữa những làn đạn đến từ mọi phía? Sau năm 1975, tên ông từng bị đưa vào danh sách 10 tác giả bị cấm đọc ở Việt Nam. Những người xếp mình vào phái “quốc gia” thì “đánh” Kim Định từ trong nước (trước 1975) ra đến nước ngoài (sau 1975). Còn những người đồng đạo với ông thì đã giam lỏng ông trong những năm cuối đời tại một nhà tu ở nước Mỹ. “Học trò muốn gặp ông phải giả xin xưng tội để hỏi thêm về triết lý, trong sự chứng kiến của người giám sát. Lúc bị đột qụy, bất tỉnh, máy tính của ông bị mất, trong đó có chứa hơn mười tác phẩm đã viết xong hay chưa hoàn tất để chờ xuất bản” [Hà Văn Thùy 2011]. C xúy duy trì nền Văn hoá Việt Nam trong cộng đồng hi ngoại và việc làm cuả Linh mục Kim Định trên phương diện văn hoá đã bị hiểu lầm là người làm chính trị, điều mà Giáo hội Thiên chúa giáo không muốn các vị tu sĩ công khai, sợ động chạm, hiểu lầm” [Lê Hùng 2012].
Đến đây thì việc Kim Định“làm chính trị” hay không, có viết sách theo chỉ thị của một phe phái nào hay không thiết tưởng đã đủ rõ: Là người theo chủ thuyết Plato, hẳn ông muốn có một đất nước tuyệt vời. Bởi vậy, “tham vọng chính trị” thì có thể có, còn “mưu đồ chính trị” và “làm chính trị” thì chắc là không. Ông là một học giả không theo đảng phái nào. Cái “lỗi” từ phía chủ quan là đôi khi ông đã để cho một số người lợi dụng, là ông đã “tạo điều kiện” để từ phía khách quan người ta vô tình hoặc cố ý “quy tội” cho ông là làm chính trị!

4. Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta

4.1. Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Khi mà yếu tố quốc tế gia tăng thì yếu tố dân tộc, quốc gia có nguy cơ bị suy giảm. Chính trong bối cảnh ấy mà vai trò của văn hóa dân tộc đang được chú trọng hơn bao giờ hết.
Kỷ nguyên toàn cầu hoá là kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật. Khi mà yếu tố khoa học kỹ thuật gia tăng thì yếu tố con người có nguy cơ bị lấn át. Chính trong bối cảnh ấy mà vai trò của văn hóa nói riêng và chất nhân văn nói chung đang được đề cao.
Giới trẻ Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật mang tính toàn cầu thấy rất rõ nhu cầu trở về với truyền thống, với văn hóa, với dân tộc. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao mà những tư tưởng kiểu như của Kim Định hấp dẫn họ đến thế.
4.2. Trong bối cảnh đó, những gì mà Kim Định đã viết ra và đã tạo dựng là một di sản có giá trị; nó có ảnh hưởng trong một phạm vi công chúng trí thức khá rộng, thực sự không thể coi thường.
Liên quan đến di sản của Kim Định, chúng ta cần làm ba việc:
(1) Đánh giá đúng Kim Định. Đây là việc dễ mà khó. Dễ, vì mọi thứ khá rõ ràng. Khó, vì Kim Định cực đoan nên sinh ra những người ủng hộ và chống đối Kim Định cũng cực đoan, nhiều khi còn cực đoan hơn cả chính ông. Mà sự ủng hộ và chống đối một cách cực đoan thì sẽ có nguy cơ mắc phải những sai lầm của chính Kim Định ở một mức độ trầm trọng hơn. Cái khó không nằm ở việc xác định chân lý mà nằm ở sự đối kháng giữa những tư tưởng cực đoan chứa đựng sai lầm ấy.
(2) Khi đã đánh giá đúng rồi thì với những gì là đóng góp của Kim Định, chúng ta cần giới thiệu, phát huy. Cái cần giới thiệu ở đây là ý tưởng xác định những đóng góp của văn hóa Bách Việt trong nền văn hóa chung của Trung Hoa (việc này lần đầu tiên đã được chúng tôi thực hiện vào năm 1995, khi đưa 9 cuốn sách của Kim Định vào danh mục “Tài liệu tham khảo” trong bản in chính thức cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, x. hình 1). Cái cần phát huy ở đây trước hết là một ý thức dân tộc lành mạnh trên cơ sở một tinh thần đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, xếp lại quá khứ, cùng góp công sức hướng đến tương lai.
 Hình 1: Trích trang 490 cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (1995)

(3) Và với những gì chưa rõ ràng, chưa chính xác ở Kim Định, chúng ta cần phải kiểm chứng, cụ thể hóa và chính xác hóa. Với những sai sót, hạn chế của Kim Định, chúng ta cần phải uốn nắn, chỉnh sửa. Công việc này cần tiến hành một cách chu đáo, thận trọng, với sự góp sức của nhiều người.
Từ phía mình, chúng tôi đã chỉnh sửa và chứng minh quan niệm về nguồn gốc Đông Nam Á (không phải Việt Nam) của triết lý âm dương và đã trình bày thành công tại Hội thảo quốc tế về Dịch học thời tảo kỳ tổ chức tại Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) tháng 10-2011 [x.: Khoa Văn hóa học 2011]. Các quan niệm cực đoan cho rằng Dịch học, Nho học Trung Hoa là của người Việt đã được chúng tôi điều chỉnh và chỉ ra là có hai con đường phát triển của triết lý âm dương; có sự tích hợp văn hóa phương Bắc với văn hóa phương Nam trong Nho giáo nguyên thủy [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 118-121, 481-493]. Tương tự, tương quan “văn hóa nông nghiệp / văn hóa du mục” đã được chúng tôi phát triển thành lý luận về ba loại hình văn hóa trọng tĩnh, văn hóa trọng động, và văn hóa trung gian [Trần Ngọc Thêm 2009], v.v.
Thiếu sự thận trọng, cái dễ dãi của Kim Định sẽ có nguy cơ không những không được chỉnh sửa mà còn có thể bị nhân lên. Câu chuyện “người Việt vào nước Tàu trước” là một ví dụ. Nếu nói đơn giản rằng người nguyên thủy sau khi phát sinh tại châu Phi đã men theo bờ biển đi về phía Đông, tới Đông Nam Á thì rẽ ra làm hai nhánh, một nhánh đi lên phía Bắc, nhánh kia rẽ xuống phía Nam, thì hầu như không có gì phải bàn, cũng không cần phải viện dẫn đến những nghiên cứu di truyền học để chứng minh. Song nếu nói như Kim Định hoặc “người Việt vào nước Tàu trước”, hay như một người phát triển Kim Định rằng “con đường ven biển Ấn Độ đã đưa người tiền sử tới Việt Nam rồi từ Việt Nam, người Việt cổ đi lên khai phá Trung Quốc” thì lại không chuẩn xác; đơn giản là vì vào lúc đó (khoảng 7-8 vạn năm trước, lúc người nguyên thủy từ châu Phi di cư đến Đông Nam Á rồi rẽ lên Đông Bắc Á) thì làm gì đã có “Việt Nam” với “Trung Quốc” hay “nước Tàu”? Làm gì đã có “tộc Việt” hay “tộc Hoa”? Kể cả “người Việt cổ” lúc ấy cũng chưa hề có. Gán ghép sai lệch về tọa độ giữa chủ thể với không gian và thời gian diễn ra sự kiện như vậy sẽ có nguy cơ kéo theo nhiều kết luận sai lầm khác, kiểu như “Không chỉ sách Dịch mà ngay cả ngôn ngữ người Trung Hoa đang dùng cũng là sản phẩm của tộc Việt”. Theo kiểu suy luận đó, người Ấn Độ, người A-rập, người châu Phi đều có thể nói rằng họ “đến khai phá và cư trú ở Việt Nam và Trung Quốc” trước người Việt và người Hoa!
Đóng góp thực sự của Kim Định không phải ở những khẳng định cực đoan như thế, mà là ở việc khai phóng, giải thoát người Việt khỏi thứ tư duy bị trói buộc. Vào thời của Kim Định, căn bệnh đề cao một chiều văn hóa Trung Hoa là tư duy nô lệ, phát ngôn dễ dãi là đáng trách. Còn vào thời điểm hiện nay 15 năm sau khi Kim Định đã ra người thiên cổ, những đóng góp của ông cần được đánh giá một cách bình tĩnh, khoa học, khách quan để phát huy những gì có thể phát huy được, trong những phạm vi và theo những cách thức phù hợp. Những hạn chế của ông cần được rút ra làm bài học để tránh lặp lại trong những nghiên cứu khoa học về sau. Tinh thần khoa học, khách quan đòi hỏi phải tránh không chỉ việc phê phán ông một cách cực đoan, mà cả việc ca ngợi ông một cách quá đà. Cần coi chừng quả lắc sau khi đã lắc quá mức sang tả sẽ rơi vào trạng thái ngược lại là vượt khung về bên hữu!

Tài liệu trích dẫn

  1. CAND 2012: Khẳng định niềm tự hào dân tộc từ thông điệp văn hóa cổ. - http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2008/12/176267.cand
  2. Hà Văn Thùy 2007: Hành trình tìm lại cội nguồn. – H.: NXB Văn học.
  3. Hà Văn Thùy 2011: Lần thứ ba thưa chuyện với ông Tạ Chí Đại Trường. - http://lethieunhon.com/read.php/4987.htm
  4. Khoa Văn hóa học 2011: Hội thảo quốc tế Dịch học 2011 - Sơn Đông, Trung Quốc. - http://vanhoahoc.vn/tin-tuc/tin-nha/2110-hoi-thao-quoc-te-dich-hoc-2011-son-dong-trung-quoc.html
  5. Lê Hùng 2012: Triết gia Kim Định dưới ngòi viết sắt. - http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=383&Itemid=99999999
  6. Tạ Chí Đại Trường 2008: Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học” Việt Nam? - http:// www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12188&rb=0302
  7. TT VHH 2012: Tọa đàm tưởng niệm cố triết gia Lương Kim Định nhân 15 năm ngày mất của ông. - http://vanhoahoc.vn/tin-tuc/tin-lien-quan/2252-toa-dam-tuong-niem-co-triet-gia-luong-kim-dinh-nhan-15-nam-ngay-mat-cua-ong.html
  8. Trần Ngọc Thêm 1995: Cơ sở văn hóa Việt Nam. - Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản.
  9. Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. – NXB Tp. Hồ Chí Minh.
  10. Trần Ngọc Thêm 2005: Quá trình hoà nhập văn hoá ở Việt Nam trước và sau 1975. - Tạp chí “Văn hoá Nghệ thuật”, số 4 (250), tr. 11-16.
  11. Trần Ngọc Thêm 2009: Sự phát triển của Đông Á từ góc nhìn hệ thống - loại hình. – In trong tạp chí “Nghiên cứu Trung Quốc”, số 3, tr. 10-23. http://vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-trung-hoa/1860-tran-ngoc-them-su-phat-trien-cua-dong-a-tu-goc-nhin-he-thong-loai-hinh.html
  12. Trần Văn Ðoàn 1997: Tưởng niệm cụ Kim Định. - http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle &id=90&ia=1417
  13. Trần Văn Đoàn 1999: Chương trình nghiên cứu tư tưởng trong văn hóa Việt và Ủy ban nghiên cứu tư tưởng Việt. - http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=90&ia=355
  14. Trần Văn Ðoàn 2000: Việt Triết luận tập, Thuợng tập: Truy nguyên bản chất của Việt triết. - http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/viettriet/viettriet.htm

No comments:

Post a Comment

Popular Posts