Sunday, September 9, 2012

Xuôi dòng Tam Cốc


 “Ai đẽo đá để thành Tam Cốc/ Ai khơi nguồn để nước trong ngần/ Ai đắp bến để thuyền em xuôi ngược… Tam Cốc Ninh Bình… Có dòng sông xanh có núi trập trùng…”. Những câu hát của nhạc sĩ Thế Hùng đã thôi thúc chúng tôi đến thăm “vịnh Hạ Long thứ hai” - khu danh thắng Tam Cốc (Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Tam Cốc (hay Xuyên Thủy động, Tam Thủy động) là khu di tích - danh thắng thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Nơi đây được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”, “Hạ Long không sóng” hay “Nam thiên đệ nhị động”.
Ai đắp bến để thuyền em xuôi ngược
Khu danh thắng gồm ba hang đá tự nhiên (hang Cả - 127m, hang Hai - 60m, hang Ba -50m). Ngoài ra, khu này còn có đền thờ, chứa nhiều dấu tích từ các đời vua nhà Trần. Tiêu biểu là đền Thái Vi - nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung.

Nhìn từ bến, Tam Cốc đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. 

Tam Cốc là khu du lịch hoàn toàn tự nhiên. Chỉ trừ bến thuyền, khu danh thắng này chưa có bất kỳ sự kiến tạo nào bởi con người.


“Hạ Long trên cạn” thu hút khách bởi vẻ đẹp của sông Ngô Đồng 

Rời Hà Nội, chiếc xe 16 chỗ khởi hành trong tiếng hát hò rôm rả của nhóm sinh viên. Chỉ hơn 3 giờ sau, xe đã đến địa phận tỉnh Ninh Bình. Những dãy núi đá bạt ngàn, trùng điệp quanh dòng Ngô Đồng uốn lượn chào đón cả nhóm đến với khu thắng cảnh tự nhiên Tam Cốc.

Nhìn từ trong hang Cả. 

Thuyền tôi được ông Nguyễn Văn Nhạc (60 tuổi) - người dân xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), chèo lái. Hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất quê hương, cũng am hiểu nhiều kiến thức lịch sử - văn hóa nên ngẫu nhiên ông trở thành hướng dẫn viên du lịch cho cả nhóm.

Phong cảnh thiên nhiên sau hang Hai. 

Tháng 3, tiết trời còn se lạnh nhưng không gian xung quanh tràn ngập màu xanh của lúa, cỏ cây và những dãy núi trùng điệp. Nước sông Ngô Đồng lạnh và rất trong. Ngay tại bến đò, ngồi trên thuyền đã có thể chiêm ngưỡng đủ loại rong rêu dưới đáy.

Đá hình mỏ đại bàng - mỏm đá tự nhiên đặc biệt ở khu du lịch Tam Cốc. 

Sông Ngô Đồng uốn lượn, lách qua nhiều ngọn núi để vòng xuyên qua ba hang tối: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Ông lái đò bảo để khám phá vừa đủ cũng cần khoảng 2 giờ, qua khoảng 7km đường sông.
Mỗi lần đi qua hang, thú vị nhất là cảm nhận được âm thanh của nước vỗ hai bên bờ vách đá. Đôi lúc nước nhỏ từ đá xuống tạo nên thứ âm thanh thật đặc biệt, hệt như tiếng đàn.

Dân Ninh Hải (Hoa Lư) coi mỏm đá tự nhiên này là “hòn Vọng Phu số hai”. 

Chúng tôi dùng đèn flash của máy ảnh soi lên thành hang để nhìn nhũ đá phát sáng. Trong hang, đá có rất nhiều hình thù nhưng nhiều nhất là dạng uốn theo nước chảy với kích cỡ đủ loại.
Sau mỗi hang, khung cảnh lại đẹp và yên ắng hơn. Đọc đường đến hang Ba, thi thoảng lại bắt gặp những chú cò trắng lặn ngụp bên sông, phía xa từng bầy dê thong thả đang ăn cỏ trên triền núi…
Mỗi mùa Tam Cốc lại mang một vẻ đẹp riêng nên lúc nào cũng đông khách du lịch. Mùa xuân, hai bên dòng sông toàn màu xanh của lúa non nhưng đến tầm tháng 5, tháng 6 lại toàn màu vàng bởi lúa đang mùa chín. Còn khoảng tháng 7 trở đi, từ hai ven bờ sông đến sát tận vách núi, hoa súng nở trắng xóa.

Biểu trưng của vị thần xây núi 

Với người dân Ninh Bình, mỏm đá có hình người này là biểu trưng của vị thần xây núi. Theo truyền thuyết, khi gánh núi đi ngang qua Tam Cốc, đòn gánh của thần đắp núi bị gãy nên hai quả núi rơi xuống bên sông. Vị thần cũng ở lại đây từ đó. Tuy nhiên đây là mỏm đá tự nhiên có hình thù đặc biệt chứ không nhờ xây, tạc nên.

Tam Cốc còn là nơi quy tụ của cò. 

Đến thăm khu thắng cảnh này có rất nhiều khách nước ngoài. Ngoài việc thưởng ngoạn, chụp hình, vẽ tranh, họ tỏ ra vô cùng thích thú khi được cùng cầm tay chèo với người lái đò.
Chúng tôi kết thúc cuộc “thám hiểm” bằng một phiên chợ nổi trên sông. Sau hang Ba, hàng chục chiếc thuyền hàng và đông đảo khách du lịch tấp nập mua bán. Chợ nổi trên sông Ngô Đồng tuy nhỏ nhưng có đủ thứ hàng hóa từ đồ ăn, hoa quả, đến các loại cây, hoa (đặc biệt là phong lan rừng)…

Du lịch, GO!
Theo Nguyễn Dịu (TTO)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts