Saturday, August 11, 2012

TÌM HIỂU TRIẾT VIỆT (8)

Cơ Cấu Việt Nho

  • Vấn Đề Học Nho
  • Hai Cái Nhìn Về Nho Giáo: Hán Nho và Việt Nho
  • Nguồn Gốc Văn Hóa và sự Thành Lập Nước Tàu
  • Ngôn Ngữ của Kẻ Chiến Thắng
  • Những Dấu Văn Hóa của Tứ Di so với Tàu
  • Những Dấu Văn Minh của Tứ Di so với Tàu
  • Nhận Diện Cơ Cấu Việt Nho
  • Cơ Cấu Việt Nho
    • Âm Dương
    • Tam tài
    • Ngũ Hành

Vấn Đề Học Nho
Nghiên cứu về nguồn gốc Văn Hoá Việt Nam, triết gia Kim Định xác tín rằng muốn tìm về Văn Hoá Việt, nếu bỏ Nho thì ta chỉ tìm thấy ngọn chứ chưa đến gốc của Văn Hóa, vì Nho Giáo chứa đựng những hằng số của văn minh nước ta. Theo sau bao nhiêu nghiên cứu của triết gia, cũng như gần đây khoa khảo cổ trên thế giới đã chứng minh, sắc dân Bách Việt đã vào và cư ngụ trên đất Tàu ngày nay trước khi có một dân tộc thực sự là Tàu xuất hiện.
Thật vậy, về nguồn gốc dân tộc Trung Hoa, dưới ánh sáng mới nhất của khoa học ngày nay, sự việc hầu như được khẳng định là khởi thủy người Trung Hoa là do nhóm dân định cư tại vùng Đông Nam Á đến từ Phi Châu ở đợt thiên di đầu tiên qua ngả Nam Á, cách đây khoảng 60 ngàn năm, tiến đến Đông Á cách đây khoảng 40 ngàn năm trở lại khi khí hậu miền Bắc bắt đầu ấm áp, sau đó từ Đông Á và Đông Nam Á tiến lên phía Bắc Trung Hoa. Đó là những nhóm dân đầu tiên cư ngụ trên nước Tàu mà sau này được gọi chung bằng tên Đại Tộc Bách Việt. Còn người Hoa Hán là kết quả của đợt thiên di về sau từ Phi Châu vào đất Trung Hoa qua ngả Trung Á và Âu Châu khoảng một, hai chục ngàn năm sau, lai giống với những người đã định cư từ trước tại Tàu.
Sau những năm lệ thuộc Tàu và Tây, ảnh hưởng của văn minh vật chất đã lấn chiếm tinh thần tự tin của dân tộc, cho nên ta cứ theo chân các học giả Tây phương mà tin một cách mù quáng vào lý thuyết cũ kỹ đã bị khoa học ngày nay bác bỏ để tin rằng Nho Giáo là của Tàu. Thì ngày nay với tinh thần độc lập và dựa trên những khám phá khoa học gần đây nhất, ta tẩy chay những gì chẳng còn mới mẻ và lại không phải là sự thật lịch sử.
Rất lâu trước những khám phá mới nhất của khoa học vừa trình bày ở trên, khi đi sâu vào cánh rừng già văn hóa Đông phương, triết gia Kim Định đã nhận thấy có những điểm tương đồng giữa Văn Hóa Việt Nam với nền văn hóa bản địa của Tàu. Khoa khảo cổ đã ghi nhận về việc Tàu không phải là một chủng tộc, không có văn hóa trước chi cả (1-The Origins of Chinese Civilization thuyết trình tại hội nghị Berkeley, 1978 và cập nhật hóa 1980. In thành sách University of California Press, 1983; 2- The Chinese Heritage, Wu, in tại Crown Publisher, New York, 1982. Tiến sĩ Wu vừa là đại sứ kiêm học giả). Do đó, người Hoa Hán chỉ là dân du mục từ Tây Bắc đến và lai giống với dân bản thổ, và về sau trở thành dân nông nghiệp trồng lúa khô. Nhờ có thuận lợi chính trị, họ thống nhất cả một vùng mênh mông như Tàu ngày nay, và công thức hóa các văn hóa bản địa thành Ngũ Kinh và Tứ Thư, nền tảng của Nho Giáo mà ai cũng thừa nhận sau này. Thế nhưng, văn hóa bản địa thuộc lãnh thổ Tàu ngày nay và văn hóa của ta là một. Gia tài tinh thần Văn Hóa đâu chỉ lệ thuộc chữ viết, chế độ chính trị. Văn Hóa là toàn thể các hình thái sinh hoạt của con người trong cách tiếp xử với thiên nhiên và xã hội, thì những yếu tố văn hóa ấy dù có chữ viết hay không, dù có được thành một nền văn học thành văn hay chỉ là nền văn hóa dân gian, đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là cái tinh thần của văn hóa, cái hồn văn hóa, cái tàng ẩn của văn hóa, cái mạch ngầm tương quan liên kết định tính một nền văn hóa mà Lévi-Strauss gọi là Cơ Cấu. Cho nên chỉ cơ cấu mới định tính một nền văn hóa. Cho nên, xét về cơ cấu, ta còn có nét đặc trưng của Văn Hóa Nho hơn cả Tàu. Xét trong lịch sử thành văn của văn hóa Tàu, ta thấy đâu đó những sự tiết lộ về tính chất này. Hãy xem kỹ lich sử văn hóa Tàu và các lời thánh hiền của họ. Chính Đức Khổng Tử cứ lập lại mãi rằng ngài không sáng tác kinh điển, mà chỉ san định, chỉ thuật lại đạo cổ xưa. “ Ngô thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”(Thuật Nhi- Luận Ngữ q.4). Khi học trò ngài là Tử Lộ hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói rằng: “Đem đức nhu thuận mà sửa đổi, tha thứ cho kẻ vô đạo, đó là cái dũng của người phương Nam, người quân tử theo đạo đó” (Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo; Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi - Trung Dung 10). Các thánh hiền mà Khổng Tử noi theo như Vua Nghiêu, Vua Thuấn đều thuộc Tứ Di, mà Tứ Di là Bách Việt.
“Trọng Ni Tổ thuật Nghiêu Thuấn, Hiến chương Văn Vũ”(Khổng Tử thuật lại đạo của ông tổ là Nghiêu, Thuấn, Hiến chương lấy của vua Văn,Vũ - Trung Dung 30). “Thuấn sanh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều; Đông Di chi nhân dã. Văn Vương sanh ư Kỳ Châu, tốt ư Tất Dĩnh; Tây Di chi nhân dã.”(Vua Thuấn sinh ra ở đất Chư Phùng, về sau dời đến đất Phụ Hạ và mất ở đất Minh Điều. Ấy là người phiên miền Đông vậy. Vua Văn Vương sinh ra ở đất Kỳ Châu, mất ở đất Tất Dĩnh. Ấy là người phiên miền Tây vậy- Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ). Thêm nữa, những triều đại chính của Tàu lại phá đổ Nho mạnh nhất: Nhà Chu tận diệt sách của nhà Thương, nhà Tần đốt sách chôn Nho, nhà Hán xuyên tạc kinh văn (Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm làm sách ngụy kinh của cổ nhân gọi là bí thư trong thư viện Thạch Cừ của riêng triều đình. Các nhà Thái học ở kinh đô đều phải dùng sách ở thư viện Thạch Cừ). Và sau này tuy đã nhận Nho nhưng vẫn còn lưu lại hai yếu tố phát xuất từ Tây là hoạn quan và pháp hình để kiểm soát nho sĩ.
Ngược lại, nước Việt Nam các làng mãi từ xa xưa luôn luôn lẩn trốn văn minh Tàu, thế mà hằng số của Nho lại nằm sâu trong lòng dân Việt Nam, còn sâu hơn cả bên Tàu. Chế độ tự trị xã thôn với bình sản và tôn trọng con người qua việc nặng về tục lệ hơn pháp luật (phép vua thua lệ làng). Chính trong thời Lê ở nước ta, một thời có óc độc lập chống Tàu hơn hết, cũng là thời Nho giáo phát triển rất mạnh. Đó là vì cái phần trổi vượt hơn hết của Nho là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... là nền tảng của văn hóa Việt Nam, nên vua quan ta chống Tàu nhưng vẫn không chống Nho giáo. Đó là, trong cái tiềm thức dân tộc vẫn thấy hồn của mình ẩn khuất trong Nho giáo, vẫn linh tính cái sứ mạng kế thừa cuối cùng của dòng tộc Việt để đến một ngày đi nhận lại dấu chỉ của mình.
 Khi nhà Tần thôn tính các nước nhỏ đến khi toàn thắng và nhà Hán diệt nhà Tần mượn danh hiệu Nho để đặt nền móng cai trị, nhưng đó là pháp gia, hình gia chứ đâu phải Nho gia. Vì Nho có nghĩa là Nhu. Nhu vừa là nhu yếu, đáp ứng được những nhu yếu thâm sâu của con người. Nhu vừa có nghĩa là nhu thuận, hiền hậu. Chính vì thế khi Đức Khổng Tử trả lời câu hỏi của Tử Lộ hỏi về sức mạnh, ngài trả lời rằng cái sức mạnh nào? Của Bắc phương hay của Nam phương? Và ngài theo cái đạo “khoan nhu”, “không báo thù kẻ vô đạo” của phương Nam. Đức Khổng Tử trọng Chính Danh, nên câu trả lời của ngài là nét nổi bật của ý nghĩa Nho là khoan hòa, nhu thuận, hiền hậu. Quan niệm này ngược hẳn lại với Nho gia pháp hình của Tần, Hán. Cho nên nói Hán nho làm sa đọa Nho Nguyên Thuỷ là lẽ ấy, và ta gọi Việt Nho để phân biệt với thứ Nho sa đoạ từ thời Tần, Hán cho mãi tới sau này mà các chế độ phong kiến duy trì. Như thế Đạo Nho đã là của Việt tộc từ đời xa xưa, dù có bị tiêu trầm theo bước chân du mục phong kiến, nhưng tổ tiên ta vẫn giữ gìn được phần nào nơi xa triều đình, thể hiện trong đời sống dân quê ở xã thôn. Triết gia Kim Định chỉ làm sáng tỏ Đạo Việt từ lâu đã có sẵn và bảo chứng nằm ngay nơi kinh sách của Tàu. Do đó không lạ gì ta còn giữ được tinh thần của Nho Nguyên thuỷ nhiều hơn của Tàu. Tàu đã công thức hóa Nho Giáo thành những kinh điển đồ sộ như Ngũ Kinh, Tứ Thư nhưng đồng thời cũng du nhâp những yếu tố du mục vào Nho giáo (Thiên tử, hoạn quan, pháp hình, khinh phụ nữ, tập trung tài sản nơi nhà vua) làm sai lạc Nho giáo chân truyền, cho nên triết gia Kim Định gọi là Hán Nho. Việt còn giữ được tinh túy của Đạo Nho nhiều hơn Tàu (Địa vị phụ nữ cao, bình sản, trọng tình hơn lý, nặng tục lệ hơn pháp luật). Đó là những lý do ta cần phục hoạt lại Nho Giáo, dĩ nhiên thứ Nho Giáo chưa bị nhà Tần, Hán làm sa đọa. Triết gia đặt tên là Viêt Nho. Việt Nho có 2 nghĩa như đã trình bày, đó là: 1- Nho của Viêt Tộc, 2- Nho Siêu Việt. Nghĩa thứ hai này là mục đích chính ta cần tìm học. Vì tìm học Nho giáo chân truyền là cách học hỏi theo cái ý nghĩa vượt thoát của từ, hiểu tới nền móng của Đạo, tìm tòi cái Cơ Cấu của Nho. Muốn hiểu Nho thì đọc thêm Ngũ Kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu - Kinh Nhạc đã bị mất-). Đây là một công trình dài, vì không những đó là bộ sách lớn, viết bằng chữ Nho, mà chính là chỗ nó đã bị xuyên tạc, pha trộn những yếu tố du mục của Hán nho làm ta khó nắm được nét nhất quán của Việt Đạo.
Bộ sách của Triết gia Kim Định là một kỳ công, khám phá những nét căn cơ của Việt Nho, cho ta có hành trang để khỏi bị lạc vào cánh rừng già kinh điển ấy. Thế nhưng, giữa tình trạng phân tán hiện nay do đủ mọi ý hệ ngoại lai gây ra, chính thế hệ chúng ta, cũng không dễ mấy ai có đủ tĩnh tâm và hoàn cảnh để tìm đọc toàn bộ tư tưởng của triết gia. Lòng ái quốc rất nhiều người đã có sẵn. Nhưng đường về văn hóa dân tộc nếu thiếu định hướng, cũng chỉ là con đường tìm cái ngọn, uống tạm nước sông, hồ. Cội nguồn Văn Hóa Quê Mẹ ở mãi tận thời xa xưa, thời Di, Việt làm chủ nước Tàu, thời tổ tiên ta trồng lúa nước nuôi dân, chiêm nghiệm thiên văn, địa lý, tạo vật để xây nền tảng nguyên lý Âm Dương cho cuộc sống ổn định và hạnh phúc - Cội nguồn Minh Triết Việt Nho. Chúng ta cắt đứt với Nho chính là cắt đứt với nguồn suối cam tuyền của tư tưởng tổ tiên. Chúng ta tìm học Nho không phải là học mớ kinh sách xưa, trì chú mớ chữ nghĩa cũ như thời ông cha ta học theo tinh thần tầm chương, trích cú Hán Nho, Tống Nho. Không. Ta học Nho theo tinh thần khác. Ta tìm lại Việt tính trong Nho, làm sáng tỏ cái uẩn ức của vận mệnh dân tộc mấy ngàn năm lưu lạc. Đó không phải là đẹp lòng tổ tiên sao? Đọc lịch sử quê hương, đã bao lần ta thổn thức, thương dân tộc hàng ngàn năm lệ thuộc, huống gì trăm năm đô hộ, huống gì mấy chục năm xương máu Việt tương tàn. Đã bao lần những bài học lịch sử làm ta xúc động, làm dòng máu Việt sôi sục đau thương, khi danh dự Việt bị chà sát dưới bao gông cùm đế quốc. Nhưng thôi, chuyện xưa đã qua rồi, hồn thiêng dân tộc vẫn còn đây, đưa ngọn bút tài hoa Kim Định khơi mộ phần tiên tổ, tìm được họa đồ quê nước ngàn năm với gia tài tinh thần Việt Nho, ân cần trao lại thế hệ chúng ta. Chúng ta trong những phút tĩnh tâm, mỗi khi lòng yêu nước, thương nòi, nhớ quê dạt dào nổi dậy, xin hãy thắp một nén hương lòng, đi nhận lại tinh anh của tổ tiên, góp công xây dựng cho quê hương lầm than đã mấy ngàn năm, cho có một ngày rửa được mối nhục nhằn dĩ vãng. Những nhà nghiên cứu khách quan trên thế giới đang trả lại giá trị văn hóa của ta trên những công trình thực nghiệm của họ. Nhưng như thế tiêu cực quá. Ai trả lại ta cái giá của những hàng bao nhiêu triệu cái chết- để- mà- sống của con dân Việt suốt mấy ngàn năm chiến đấu chống ngoại xâm và cường bạo? Chỉ để cho một chữ VIỆT còn đứng dưới ánh mặt trời. Không. Ta không thể im lìm chịu phận tiểu nhược mãi. Một dân tộc có nền Văn Hóa Nông Nghiệp ổn định lâu đời nhất trên thế giới phải tới ngày thực hiện sứ mạng của nó. Tìm học Việt Nho để mang Tinh Hoa Văn Hóa Việt sáng soi khắp nẻo trần gian còn chìm đắm trong bóng tối của cái gọi là “văn minh vật chất”. Sau cơn mê vật bản này rồi, nhân loại đang và sẽ cần đến một loại ánh sáng khác.
Sắc mầu Văn Hóa Việt Nho.

Hai cái nhìn về Nho Giáo: Hán Nho và Việt Nho
Nho giáo xuất phát từ thời khuyết sử và gồm 4 giai đoạn:
Một là Hoàng Nho thuộc Tam Hoàng từ 4480-3080 trước T.L.
Hai là Di Nho từ vua Thuấn 2255-Vũ 2205 trước T.L.
Ba là Việt Nho hay Nguyên Nho (Nội dung Việt Nho được Khổng Tử công thức hóa thành Kinh điển của Nho Giáo), lối Xuân Thu 821 trước T.L.
Bốn là Hán Nho cũng là Khổng Giáo từ nhà Chu 1122 trước T.L. nhưng bị sa đọa với sự xuyên tạc của nhà Hán.
Hoàng Nho là Nho của Tam Hoàng: Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông. Nho đợt này được chứa đựng trong 4 loại sách gọi là: Tam Phần, Ngũ Điển, Bát Sách, Cửu Khâu. (Xem Chu Lễ, Chương Xuân Quan Tòng Bá, tiết Ngoại sử). Đời Chu có đặt chức quan “ngoại sử” để coi về bộ sách cổ xưa này. Gọi là ngoại sử vì những sách đó có trước khi có dân tộc Tàu. Vì những sách đó đã mất, nên ta chỉ có thể biết một cách gián tiếp qua những nét đặc trưng nổi bật là số 3, 5, 8, 9 trong tên sách. Rồi đến tính cách và phong thái của Tam Hoàng như sống cả trên trời lẫn dưới nước, Phục Hi thì làm ra “Dịch Tiên Thiên”, Nữ Oa nấu đá Ngũ Sắc, Thần Nông khai sáng nông nghiệp. Đấy là loại Tổ đầu tiên lập ra Nho, có thể gọi tên là thời Hoàng Nho. Chính vì sử sách truyền lại rằng nhà Chu “để mất” các cổ thư nên sau này người ra quên hẳn dòng văn hóa Hoàng Nho, và mới có truyện móc nối với Hoàng Đế, và chỉ tính năm từ Hoàng Đế (2696 trước T.L.) trở lên thành ra Phục Hi là 2852 và Thần Nông là 2737 trước T.L.
Đợt Tổ thứ hai là Nghiêu Thuấn. Sách Trung Dung chương 30 nói: “Trọng Ni Tổ thuật Nghiêu Thuấn, Hiến chương Văn Vũ” (Trọng Ni - tên Khổng Tử - thuật lại đạo của ông tổ mình là Nghiêu, Thuấn, còn hiến chương thì lấy của Văn, Vũ). Thế mà ông Thuấn, Ông Văn đều là người Man Di (như đã trưng dẫn sách Mạnh Tử ở phần trên ).
Vậy ta có thể gọi Nho thời này là Di Nho.
Đợt ba là Việt Nho. Việt cũng gọi là Bách Việt là tên mới để chỉ các dòng tộc cũ như Tứ Di hay Man Di. Đó là một liên đoàn các dân bản thổ đã cư ngụ ở nước Tàu trước khi Tàu xuất hiện, gọi là: Viêm Chủng, Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Di... và quãng sau này gọi chung bằng tên Bách Việt gồm nhiều chi như:
  • Bộc Việt: miền Kinh Sở
  • Liêu Việt: miền Hồ Quảng
  • U Việt: miền Chiết Giang
  • Mân Việt: miền Phúc Kiến
  • Nam Việt: miền Lưỡng Quảng
  • Lạc Việt: miền Bắc Việt Nam hiện nay
Thời Hán Nho:
Khi Khổng Tử thời Nhà Chu, san định các sách và văn hoá cổ xưa, Nho giáo được phát triển. Sau đó, nhà Hán dùng Nho trong chính trị, truyền bá Hán Nho và làm suy tàn cái tinh túy của thời Di Nho và Việt Nho. Khổng Tử có công làm cho Di Nho hoặc Việt Nho trở nên rõ ràng, san định sách vở, đặt thành câu văn rành mạch, hay gọi là “công thức hóa”. Hán Nho làm hỏng cái nguyên thủy của Đạo Nho, tạo thành thứ Nho của triều đình, vua quan, xa rời nền văn hóa dân gian của Việt Nho. Hay nói cách khác, Hán Nho đã làm sa đọa Việt Nho.
Ngày nay chúng ta lần dở những trang Huyền Sử xa xưa, truy tầm dấu tích Việt Đạo qua những ẩn số văn hóa để rồi đọc lại Hán Nho theo tinh thần Nguyên thủy của Nho. Đọc Nho theo lối Việt có nghĩa là tìm về Việt Nho của Đạo Việt. Cần đọc Nho xuyên qua ý và lời. Cần đọc Nho vươn lên ý và lời. Cần đọc Nho tới cái tinh túy của Đạo. Đọc Nho như thế là phục hoạt nguồn sống chân thực của văn hóa Việt tộc đã bị Hán Nho làm tiêu trầm. Chỉ có người chủ cũ của Nho mới nhận diện được Nho. Chúng ta là thế hệ kế thừa cuối cùng của Văn Hóa Bách Việt, duy nhất còn mang được đến ngày nay chữ Việt cho danh hiệu quê nước, cho nên việc đọc Nho theo tinh thần Việt Nho sẽ là một bổn phận, một sứ mạng thiêng liêng. Và cũng là một danh dự của con dân nòi giống Việt. Hãy cùng nhau can đảm và tiên phong lên đường tìm về Quê Hương Văn Hóa Việt Mến Yêu.

Nguồn gốc văn hóa Việt và sự thành lập nước Tàu
Nước Tàu mới có từ khoảng 20 thế kỷ trước Tây Lịch và chính thức gọi là Tàu là từ đời nhà Tần năm 221 trước Tây Lịch. Khởi đầu của lịch sử nước Tàu trước Tần là nhà Hạ, Thương, Chu.
  • Nhà Hạ kéo dài 439 năm (2205 - 1766 trước T.L)

    Tiếng Hạ không phải là tên chủng tộc mà là chỉ một mảnh đất nhỏ ở mạn Nam sông Hoàng Hà, đối với người mạn bắc thì nam kể như là hạ.

     
  • Nhà Thương kéo dài 612 năm (1766 - 1154 ) trước T. L. Về văn hóa thì phát xuất từ Hoài Di, Việt. Bà Giản Địch tổ nhà Thương sinh con theo lối dã hợp của Di, theo mẫu hệ, gọi tên theo lối Việt như vua Đế Ất. Khi đánh nhau với nhà Chu thì hầu hết là nhờ quân Di. Mà Di với Việt có liên hệ chặt chẽ về cả tiếng nói và cùng một gốc Nam Á. Tộc Thương chỉ là một bộ tộc hùng mạnh, sau bao cuộc chinh phục đất đai mà chỉ rộng chừng vài ba trăm ngàn dặm. Còn chung quanh toàn là đất của Di, có thể nói suốt từ bờ Thái Bình Dương đến mạn Nam Trung Quốc đều là đất của Di. Khối lớn lao đó gồm hàng vạn nước mà sử thường gọi là “vạn quốc chư hầu”, mỗi nước chỉ bằng một tổng hoặc huyện bây giờ. Rồi cứ bộ tộc này mạnh thì thôn tính bộ tộc khác để sát nhập thành một nước lớn hơn. Tất cả còn chung một nền văn hóa cổ, không có chi phân biệt: huyền thọai mang nét Lưỡng Hợp, anh em kế nghiệp tộc trưởng, khi múa mang lông chim.
     
  • Nhà Chu kéo dài 897 năm (1122-225 trước T. L.), phát xuất từ Tây Di, họ Cơ, thuộc bộ tộc Nhung (hoặc Khương). Đến thời nhà Chu số bộ tộc còn lại từ vạn quốc là 160. Xem trong bản đồ Kinh Thư của Legge (quyển IV, trang 126) địa vực nhà Chu chỉ quanh quẩn bên sông Hoàng Hà, tức là địa phương Hà Nam, Trực Lệ, Sơn Tây, Hiệp Tây ngày nay, mà xung quanh còn vô số những bộ tộc của Di. Nhà Chu thuộc dân phía Tây Bắc thuộc về dân du mục hoặc bán du mục, hiếu chiến, phụ hệ, trọng võ. Sau khi chinh phục xong nhà Thương là một xã hội định cư, nông nghiệp, khi xếp đặt guồng máy cai trị nhà Chu đưa vào văn hóa Di những yếu tố khác biệt.
     
    • Ý niệm Thiên Tử
    • Quân đội chuyên nghiệp
    • Luật hình
    • Hoạn quan
    • Trọng tay phải, ưa số 6, 8
    • Đàn áp đàn bà
    • Khinh miệt dân chúng, gọi là lê dân (dân đen đầu)
    • Chuyển tài sản từ làng xã sang tay nhà vua.
    Những yếu tố chính như thiên tử, hoạn quan, luật hình là yếu tố vay mượn bên miền du mục Lưỡng Hà như Perse, Assyria ngược hẳn lại văn hóa cổ, làm bẻ quặt Di Nho, nên sau này so với Di Nho, Chu Nho là văn hóa du mục.
    Và cũng từ đấy, thì xã hội bắt đầu phân biệt Tàu với Di Việt bằng cách coi khinh và chữ Di Địch mới hàm nghĩa “rợ mọi”, chứ trước không hề có thế, vì Tàu đều xuất phát từ Tứ Di cả, nhưng khi chinh phục được Tứ Di rồi thì quay lại khinh dễ gốc của mình. Rồi nhờ có quân đội nên bờ cõi mở rộng, tạo thành một nước có vua, với uy quyền tuyệt đối của “Con Trời” (Thiên Tử). Sau đó để duy trì uy quyền của nhà vua, luật pháp đặt ra để thay thế cho tục lệ của thời bộ lạc. Hình pháp để trị tội kẻ phạm luật thay cho văn hóa của tục lệ. Văn tự đã có từ thời trước như chữ con quăng và chân chim, tuy phát triển nhưng dùng để củng cố uy quyền của nhà vua và luật pháp. Vua xưng là “Thiên Tử”, con trời, có thiên mệnh, và từ đó lễ nghĩa của vua quan và giới quyền quí ra đời phân cách giữa văn hóa của giới triều đình vua quan với văn hóa thôn quê của nhân dân. Nền văn hóa của giới triều đình ở tại lễ nghi, phẩm chất trá ngụy. Nền văn hóa Di Nho trọng nhân dân, nơi những người nhà quê ít học hành, chữ nghĩa, đơn giản, nhưng lại trọng tình cảm và nhân nghĩa. Hai nền văn hóa bác học và bình dân chỉ phản ánh hai mặt khác biệt quá độ của một nền văn hóa nguyên thủy. Đó là Nguyên Nho. Hay nói cách khác, Nho là văn hóa chung của thời đại, nhưng triều đình vua quan trọng Lễ, vỏ của Nho. Trong khi nhân dân trọng cái ruột của Nho, đó là Tình.
     

  • Nhà Tần kéo dài 49 năm (255-206 trước T. L.), nhưng khi chiếm toàn cõi nước Tàu, nhất là Sở, Việt, Ngô và xưng là Tần Thủy Hoàng Đế từ năm 221 trước T. L. Tuy thời gian cai trị ngắn, nhưng đã để lại một hình ảnh nước Tàu to lớn, thống nhất nên từ đó mọi người vướng vào hình ảnh này mà quên đi những quãng đầu lúc nước Tàu còn nhỏ bé. Từ Tần Thủy Hoàng nước Tàu vẫn không có tên nước, vẫn phải mượn tên Tần để gọi nước. Người Tàu đọc Tần là Tsin, thành ra Chine, China. Tần là một trong Tứ Di, nhưng vì tiếp cận với du mục quá lâu nên theo hướng du mục chuyên chế, tàn bạo, không hợp với vương đạo, nên chấm dứt sớm.
     
  • Nhà Hán (206-32 trước T. L.), cũng phát xuất từ Tứ Di, miền Giang Tô. Khi mới lên ngôi còn tế Ly Vưu và xưng mình là Hán Man. Chữ Hán là hình dung từ chỉ cao sang vinh hiển, chứ không là tên dòng tộc nào, y như chữ Hạ và Hoa cũng thế. Vì Tàu chỉ từ Tứ Di mà ra nên không có dòng tộc riêng và không có tên riêng. Do đó Tàu chỉ như một thực thể chính trị, văn hóa chứ không có nghĩa chủng tộc nào. Đến đời nhà Tần vì Tần nổi quá nên người Mông Cổ gọi Tàu là Tần và đó là hình ảnh của nước Tàu cho đến nay mà thôi. Nhưng điều này chứng tỏ Tàu không là một chủng tộc riêng mà chỉ do Tứ Di phát xuất. Điều này đã thành hiển nhiên khi xem mấy vị thủy tổ như Phục Hi, Nữ Oa đều xuất thân từ Di, miền châu thổ sông Hoài.

Ngôn Ngữ của Kẻ Chiến Thắng
Sự kiện chính trị xẩy ra ở khắp nơi là hễ nơi nào có kinh đô nhà vua thì ngôn ngữ ở nơi đó thắng thế và dần dần trở thành “quốc ngữ”. Sự kiện ấy đang xẩy ra thời đại này bên Trung Cộng là thổ âm chung quanh Bắc Kinh đang được trợ lực để lấn át thổ âm các địa phương khác. Theo các nhà ngôn ngữ thì Tàu có lối 10 phương âm. Trong đó tiếng Quan thoại được kể là chính thức (do may mắn là tiếng của kinh đô vua ở, nên được đắc dụng, chứ không phải vì có văn hóa cao). Tiếng Quan thoại cũng chỉ ở phía đông Thiểm Tây, bắc Hà Nam, nam Hà Bắc, nam Sơn Tây. Ngoài ra hầu như khắp nơi đều nói giọng của Di Việt gồm có:
  1. Tần ngữ được coi như cổ ngữ của Quan Thoại
  2. Thục ngữ, âm của người Thái xưa
  3. Yên, Tề ngữ của Đông Di và Mặc Địch
  4. Sở ngữ: Kinh Mân, Lạc Việt
  5. Mân ngữ của Mân Việt ở Phúc Kiến
  6. Giang Hoài ngữ: Việt Chiết Giang (U Việt)
  7. Ngô Việt ngữ ở Bắc Giang Tô, Việt Chiết Giang
  8. Điền và Kiềm ngữ ở Vân Nam
  9. Việt ngữ ở Quảng Đông, Quảng Tây.
Sự kiện ngôn ngữ là ngôn ngữ của kẻ chiến thắng, cho nên khi san định kinh điển thì tiếng phương Bắc đã được chễm chệ ngồi ghế chủ tịch. Đó là một sự may mắn của nước Tàu về mặt chính trị. Sỡ dĩ người ta quen đồng hóa Nho với Hán là vì thói quen chính trị. Nhưng tinh thần không lệ thuộc cú pháp, hay cả ngôn từ. Cũng vì sự lấn lướt của ngôn ngữ mà Hán tộc đã có thể xuyên tạc Nho để người sau không còn có thể nhận ra được đâu là Nho chân thực, Nho của Việt. Sự kiện đốt sách chôn nho đời Tần, xuyên tạc nho do vụ thư viện Thạch Cừ đời Hán, khiến cho sau này Nho giáo là một thực thể phức tạp, lẫn lộn cả những yếu tố trái ngược như vừa tranh đấu cho tự do con người mà lại vừa đàn áp con người, vừa trọng nhân nghĩa mà lại nặng hình luật và lễ nghi. Về chữ viết, chữ Nho ngày nay ta thấy mới có từ đời Tần (thế kỷ thứ 3 trước T.L.) và gọi là chữ lệ. Đó là thứ chữ cuối cùng do Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu thì cũng thống nhất chữ Nho. Trước nhà Tần có rất nhiều kiểu viết, nhưng nổi hơn cả là chữ con quăng cũng gọi là khoa đẩu và chữ chân chim. Hai thứ chữ này là của Việt Tộc. Hai thứ chữ này có từ lâu, mãi thời Hồng Bàng. Sau Tần Thủy Hoàng thống nhất văn tự bắt dùng chữ lệ, từ đó chữ chân chim và con quăng bị tiêu trầm.
Dưới đây là mấy mẫu chữ cổ được tìm thấy trong các thám quật mới nhất:
Chữ cổ trên lưỡi cầy Đông Sơn (trên)
qua đồng Thanh Hóa (dưới)

Một loại chữ cổ (tìm thấy tại vùng Mường, Thanh Hoá)
 
Tóm lại cả Chữ Nho, Đạo Nho đều do Việt Tộc có trước rồi sau người Tàu công thức hóa thành những câu văn ngắn gọn. Hay nói cách khác, các Kinh Vô Tự của Đạo Việt, sau Tàu cho vào kinh sách, thành kinh “hữu tự”. Vậy muốn tìm về Văn Hóa Việt thì phải tìm về lâu đài văn hóa của kinh vô tự trước khi có kinh hữu tự của Tần Hán, trước cả thời nhà Chu, trước thời Khổng Tử san định các sách cổ.

Những Dấu Văn Hóa của Tứ Di so với Tàu
  1. Trọng bên tả. Kinh Thư ghi “Tứ Di tả nhậm” có nghĩa các bộ tộc Di đều bắt vạt áo bên tả, tay trái. Đối lại, Tàu trọng bên hữu, cài áo tay phải.
  2. Dấu hai là bên tả đi với phương Đông Nam, số 2 và 3
  3. Dấu ba đi với trọng bên tả là trọng phái yếu, trọng nữ. Cho nên đặt Âm trước Dương. Ngược lại Tàu trọng bên hữu, trọng sức mạnh, nên đặt Càn trước Khôn.
  4. Trọng số 5. Bà Nữ Oa luyện đá ngũ sắc để vá lại trời. Nói lên Nguyên Lý Mẹ đi đôi với số 5.
  5. Bà Nữ Oa sau hóa ra chim Tinh Vệ. Chim là tiền thân của Tiên, cùng bay trên trời nhởn nhơ nơi ruộng lúa nước.
  6. Phục Hi làm ra Kinh Dịch với số 2 và 3.
  7. Những huyền thoại luôn có nét đặc trưng lưỡng hợp như: Nữ Oa, Phục Hi, Non Nước, Núi Sông. Hay gọi là những Nét Song Trùng.
  8. Vật tổ: là chim và xà long mạn bắc, hoặc giao long mạn nam, chứ không như của Tàu lúc đầu là bạch hổ.
  9. Tình gia đình. Ông Thuấn nói về đức hiếu thảo, tức là văn hóa trọng tình gia đình và sẽ xây tình nước trên căn bản tình nhà.

Những Dấu Văn Minh của Việt so với Tàu
  • Việt: nông nghiệp lúa Mễ, ruộng nước. Tàu: du mục, ruộng khô, lúa mì, lúa tắc, lúa mạch.
  • Việt đi thuyền. Tàu cưỡi ngựa.
  • Làng quê Việt Tự trị. Tàu quân chủ chuyên chế.
  • Địa vị phụ nữ Việt cao, được tham dự “đồng tế”với chồng trong Lễ gia tiên.Phụ nữ Việt là Linh hồn của gia đình, nuôi chồng, dạy con, có vai trò là “ nội tướng” trong gia đình. Người phụ nữ Tàu lệ thuộc, vai trò thấp trong gia đình; trước kia còn có tục phải chôn sống khi chồng chết.

Nhận Diện Cơ Cấu Việt Nho: Văn Hóa - Khảo Cổ
Văn Hóa
Chữ Việt từ nay được hiểu rất rộng, bao gồm cả Việt Nam hiện đại lẫn Bách Việt, trước nữa là các dân đứng ngoài vòng lễ nghĩa nhà Chu, cùng toàn thể khối dân sống trong nước Tàu lúc chưa có Tàu xét như một dân tộc riêng biệt. Chữ Việt (0b) viết với bộ Mễ (0a) chỉ nông nghiệp là nét nổi nhất chung cho toàn chủng. Những yếu tố coi như mẫu số chung cho đại chủng Việt, là khối dân mà gần đây khảo cổ gọi là Mongoloids, nhiều sách quen gọi là Nam Mông Cổ. Khối Mongoloids chia ra hàng trăm chi tộc, với những tên khác nhau, trong có một tên có tầm bao quát rộng được dùng chung cho toàn khối (Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Di) Bách Việt. Sở dĩ chúng ta gọi tên Việt đại biểu cho toàn thể khối này vì chữ Việt viết với bộ Mễ chỉ nét nông nghiệp là nét nổi nhất chung cho toàn chủng. Sau đến, qua bao đợt tiêu trầm, chữ Việt chỉ còn duy nhất cái tên Việt trong quốc hiệu Việt Nam của chúng ta. Đó là chưa kể ta còn lối 60 sắc dân thiểu số trong nước sau bao đợt di dân. Và, cuối cùng, đất Việt lại là nơi tìm được nhiều trống đồng đại biểu cho nét văn hóa của đại chủng nhất. Sau đây là mấy yếu tố coi như mẫu số chung của văn hóa đại chủng Việt:
  1. Nông Nghiệp
  2. Tổ chức xã hội theo lối thôn làng, rồi liên làng, tổng.
  3. Thờ tổ tiên
  4. Địa vị phụ nữ cao
  5. Khi múa đeo lông chim
  6. Xâm mình
  7. Cài áo bên trái (Tứ Di tả nhậm)
  8. Huyền thoại mang nét lưỡng hợp.

Khảo Cổ
Về khảo cổ, thời Tân Thạch: Rìu có tay cầm được tìm thấy khắp từ Sơn Đông xuống Việt Nam.
Sau là loại rìu lưỡi cong cùng hình dáng với phủ Việt.
Thời đồ gốm 11,000 năm trước T. L: Gốm Văn thừng với kỹ thuật khắc vạch và đóng dấu. Gốm ba chân có đáy ở Đông Sơn, trên Ngưỡng Thiều và Long Sơn, đặc biệt có cái lịch (nồi ba bề).
Văn xoáy ốc ngược kim đồng hồ do hình chim bay xuất hiện vì có chấm mắt.
Thời đại đồ đồng lối 3 ngàn năm trước T. L. với những đỉnh, những tước đủ loại, tựu trung loại 3 chân 2 tai nổi bật. Đồ đồng xuất hiện ở Đông Nam Á (đã tìm được bên Thái lối 3000 năm trước T. L., bên Tàu khoảng đầu nhà Hạ lối 2000 trước T. L.)

(Trên: Từ trái qua phải): Rìu đá có tay cầm, Rìu đồng hình chữ nhật, Rìu lưỡi cong
(Dưới): Phủ Việt lưỡi cong

Văn Minh Du Mục
Chính vào thời đồ đồng này mà nảy sinh ra một dân tộc là Tàu: đó là vài bộ lạc ở vùng núi trong tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, tuy cùng là dân nông nghiệp, nhưng ruộng khô, cấy lúa gọi là thủ, là tắc, vì tiếp cận với du mục Bắc phương nên dần dần nhiễm nền văn hóa có tính chất du mục. Nền văn minh du mục gồm mấy điểm khác biệt sau:
  1. Có vua và nhà nước
  2. Quân đội lớn và chuyên nghiệp
  3. Thành thị, xây tường lũy bao quanh
  4. Pháp hình
  5. Nghệ thuật đồ sộ tách khỏi vật dụng: Cung điện lớn lao, mồ mả đồ sộ
  6. Chữ viết
  7. Xe ngựa
Đó là mấy nét lớn thường gắn bó với nhau, cái nọ sinh ra cái kia: Muốn có sức mạnh phải có quân đội thường trực (chứ không tụ họp dân khi cần như kiểu Thánh Gióng). Đã có quân đội mạnh tất phải có uy quyền thủ lãnh, sinh ra vua và pháp luật chặt chẽ. Chữ viết cần cho việc tập trung và kiểm soát. Uy quyền của vua được biểu lộ bằng cung điện nguy nga, mồ mả to lớn, kèm với mỹ thuật vĩ đại. Chính những điều này làm nên những nền nghệ thuật sáng chói, được những nhà nghiên cứu trình bày cho thiên hạ chiêm ngưỡng ca ngợi coi như những đỉnh cao của văn minh. Nhưng những đỉnh cao đó cũng là thước đo sự trầm thống khổ lụy của đại chúng. Vạn Lý trường thành là mồ chôn tập thể hàng bao trăm ngàn sinh mạng công nhân lao động. Cũng như Kim Tự Tháp của Ai Cập là kết quả biết bao máu xương của giai cấp nô lệ khốn cùng.

Cơ Cấu Âm Dương Của Việt Nho
Âm Dương là hai ý niệm căn bản cấu thành vạn vật. Ý niệm này có từ thời xa xưa. Người ta ghi lại bằng một vạch liền ___ và một vạch đứt – – , vạch liền sau này gọi là Dương. Vạch đứt sau này gọi là Âm.
Âm Dương có thể diễn giải thêm như đó là hai thế lực lớn gồm tất cả những gì có tính chất đối nghịch: giống cái và giống đực, tối và sáng, mềm và rắn, tĩnh và động... Sự hỗ tương hành động của Âm Dương sinh ra mọi hiện tượng vũ trụ.
Khi được hiểu như là “âm dương nhị khí” trong thiên nhiên, như khi xẩy ra việc động đất ở ba lưu vực thuộc địa phận nhà Chu, sách Chu Ngữ giải thích “Nếu khí Dương bị hãm ở dưới mà không xuất ra được, khí Âm bị nén mà không thoát lên được bấy giờ có địa chấn (động đất). Nay ba con sông bị động, ấy là khí Dương đã mất địa vị chính của nó và đã nén vào khí Âm. Khí Dương đã ra ngoài địa vị mà đứng vào địa vị của Âm, hẳn là nguồn sống phải bế tắc vậy” (Dương phục nhi bất năng xuất. Âm bách nhi bất năng chung. Ư thị hữu địa chấn, Kim tam nguyên thực chấn, Âm bách nhi bất năng chung. Ư thị địa chấn, Kim tam xuyên thực chấn. Thị dương thất kỳ sở nhi chấn Âm dã. Dương thất nhi tại Âm. Xuyên nguyên tất tắc”.
Kinh Dịch nói: “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. Kế chi giả, thiện dã, thành chi giả, tính dã” (1). (Kinh Dịch, Hệ từ 5)
(Một Âm một Dương là Đạo, kế tiếp là thiện lành, thành được âm dương là Tính)
Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo
Đức Khổng Tử đã giải thích Đạo rất rõ ràng nơi đây. Đạo là gì? Đơn sơ, giản dị, đạo là nhịp âm dương của vận hành vũ trụ. Âm và Dương là cặp phạm trù mâu thuẫn mà hòa hợp như đã trình bày. Đạo không thể cô âm hay độc dương. Đạo là một nguyên lý có tính hai mà một. Đạo là lưỡng-nhất-tính. Đạo chính là Thái Cực bao dung Âm Dương. Kinh Dịch còn nói đến luật “Ba dương hai âm” (Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số, thuyết quái) nghĩa là tỷ lệ dương âm là 3/2. Khoa học cũng chứng minh chân lý này.
Kế chi giả, Thiện dã
Thánh Hiền xưa còn nhắc ta ý nghĩa triết lý của chữ Thiện. Thiện là Nguyên Lý Âm Dương, phần tiên thiên chưa hình thành của vạn vật, là bước trong lành ban sơ của tạo vật.
Thành chi giả, Tính dã
Câu này sẽ được hiểu như sự tựu thành Lý Âm Dương chính là bản thể của con người, vạn vật. Âm Dương vận hành trong sáng, thiện lành dưỡng nuôi vạn vật. Con người không chỉ nhận thức Âm Dương như một thực thể khách quan của vũ trụ ngoại giới. Âm Dương là thể tính của vạn vật, trong đó con người. Con người nhận thức tính thể Âm Dương của mình. Con người khi ý thức về kết hợp tựu thành Âm Dương trong mình, đó là ý thức được Đạo. Âm Dương không là một chân lý thuộc ngoại giới. Âm Dương là bản thể sinh và dưỡng của vạn vật. Do đó, khi con người hiểu thấu cái Tính của mình, con người tức khắc Hoà được với cái chiều kích bao la của tạo vật, con người mới cảm thấy ta ở trong lòng vũ trụ. Hay tâm ta là tâm vũ trụ, mà tâm vũ trụ cũng là tâm ta. Đức Hòa này cũng được quảng diễn nơi Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật, vạn vật phụ âm nhi bão dương. Xung khí dĩ vi Hòa” (2)
(Chương 42 - Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai. Hai sinh ra Ba. Ba sinh ra vạn vật. Vạn vật cõng Âm mà bồng Dương. Mâu thuẫn Âm Dương đó là Hòa). Như vậy, con người chính là một Liên Kết, Tương Quan, Giao Hoà giữa hai chiều đối nghịch, là sự Thành của Âm Dương, và đó cũng là ý nghĩa của chữ Tính.
Ngoài ra, sự tương quan giữa Âm Dương còn có tính chất nội tại. Không có Âm và Dương xét như thuần Âm hay thuần Dương. Trong Âm đã có hàm tàng Dương, và trong Dương đã có tiềm ẩn Âm. (Âm trung hữu dương căn, dương trung hữu Âm căn). Theo luật này, khi Âm phái triển cùng cực, sẽ biến thành Dương, vì nó đã có sẵn mầm dương ở trong. Với Dương, cũng vậy. Khi Dương đến cực thịnh, lại biến thành Âm. Trên thực tế, ta thấy, mặt trời đứng bóng là cực cao, sẽ từ từ xế bóng. Mặt trăng đến độ tròn đầy, rồi chuyển sang từ từ khuyết. Trong đời sống, bất cứ hiện tượng gì, cá nhân, đoàn thể, xã hội nào hễ phát triển cực thịnh rồi cũng sẽ đi đến suy tàn, rồi từ những đổ nát, sự kiến tạo tốt đẹp hơn lại khai sinh. Cứ như thế, trong Âm và Dương đều có bản chất của nhau cho vạn vật biến hóa muôn màu muôn vẻ. Khoa học đã chứng minh luật “âm trung hữu dương căn” với sự khám phá ra hạt méson. (1)
Như vậy Âm Dương là nguyên lý tối cao của vạn vật. Âm Dương có tính mâu thuẫn nhưng không hủy diệt. Âm Dương có tính tương quan, tác động, chuyển hóa lẫn nhau, Âm Dương tương quan trong tính biến dịch và thâu hóa nơi vạn vật vũ trụ. Nho gọi là Thiên, là Đạo, là Tính. Cũng nằm trong chữ Thành ở đợt thể. Âm Dương là Đạo hai chiều kích. Đạo Âm Dương nói chung là phạm trù có tính lưỡng-nhất, kết quả tìm được là một Chân Lý Hòa nơi tất cả những gì xem như đối lập: Hòa tình với lý, hòa ý thức với tiềm thức, hòa cá nhân với xã hội, hòa tâm với vật, hòa hữu hạn với vô biên... nên Âm Dương chính là Thái Hòa.
Biện chứng Hégel cũng có hai hạn từ đối lập là chính đề và phản đề, nhưng tổng đề của Hégel là tổng đề triệt tiêu hai hạn từ trên. Do đó tổng đề của Hégel là tổng đề giả hiệu, hời hợt, mang tính hủy diệt. Duy vật sử quan của Karl-Marx là con đẻ của tổng đề hủy diệt của Hégel. Duy vật sử quan có tính hủy, tính ác, tính duy của triết học một chiều Tây phương. Âm Dương cũng là hai hạn từ kiểu biện chứng nhưng tổng đề Âm Dương là một tổng đề thứ thật, chân thực, toàn diện, có tầm mức vũ trụ, vạn vật. Hơn nữa, Âm Dương là hai hạn từ bao quát được các nền tảng của vũ trụ với tổng đề Thái Hòa làm đạo diễn cho cuộc nhân sinh. Tổng đề của Hégel chỉ đưa đến trừu tượng tinh thần. Tổng đề duy vật sử quan là tổng đề tiêu diệt đối nghịch của vật bản, là cuộc cánh mạng lẩn quẩn trong chiều kinh tế vật chất, là những rên xiết của kiếp người trong cùm kẹp của sự hủy diệt. Đặt nền tảng giá trị con người trên sinh hoạt kinh tế, có nghĩa là đặt giá trị Âm tính trên cuộc vận động của kiếp người. Đặt nặng chiều Âm nặng nề của vật thể là mất sức sống Âm Dương hai chiều mầu nhiệm của con người. Hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa là Âm chỉ huy Dương. Điều này nghịch với “Nhất Âm Nhất Dương Chi Vị Đạo”. Âm Dương Đồng xuất lộ nơi bản tính. Âm Dương Đồng Sinh nơi bản tính. Âm Dương Đồng Thành nơi bản tính. Đó là luật hai chiều Âm Dương. Đó là luật Hòa của Âm Dương. Tóm lại, tính nền tảng của Âm Dương là Hòa. Tính nền tảng của duy vật sử quan là Hủy. Nhận thức Âm Dương Hòa của Việt Nho là ý thức một thế giới quan bao la đại đồng, một nhân sinh quan tự do, nhân bản, đạo đức chân thực. Là giác ngộ Nhân Chủ Tính ở đợt cao cấp, giải phóng con người khỏi những gọng kềm nô lệ Duy Âm (vật bản) cũng như Duy Dương (thần linh).
Chú thích:
Hideki Yukawa, nhà bác học Nhật (giải thưởng Nobel 1949) đã giải thích tại sao chùm dương tính vào nhau, vì lẽ ra dương cùng dương sẽ không hút nhau mà phải xô đẩy ra. Ông khám phá ra loại hột mới gọi là méson. Méson có thể thuộc dương tính hoặc âm tính hoặc trung lập tính. Cho nên sở dĩ dương và dương hợp được với nhau vì là trong dương có âm (thiếu âm) gọi là méson-âm

Cơ Cấu Tam Tài
Triết lý Tam Tài của Việt Nho là ba hoạt lực trong sự tương quan, hợp tác, chuyển biến lẫn nhau. Tài thứ nhất là Thiên, tài thứ ba là Địa và tài thứ hai là Nhân. Thiên và Địa là hai đối cực mà tài Nhân là nơi giao hòa, hội thông của hai tài Thiên và Địa, Nhân ở đây có tính chất trừu tượng, tiêu biểu. Thiên và Địa là những cặp đôi mâu thuẫn của bản tính vũ trụ, vạn vật, con người. Thiên có thể là vô biên, đối lập với Địa là hữu hạn. Thiên là tiềm thức âm u đối với Địa là ý thức rõ rệt. Thiên là lý trí cứng rắn, đối lập với Địa là tình cảm mềm yếu. Thiên là lòng vị tha đối lập với Địa là lòng vị kỷ. Thiên cũng có thể là tâm linh đối lập với Địa là vật thể... Hai đối cực Thiên Địa làm nên Tính Bản Nhiên của con người. Vì, con người là Tính Thể Hai Chiều, là nơi hợp nhất của hai đối cực, là điểm liên hợp sống động của Thiên và Địa. Nhân, do đó là tác động Giao, Hội, Hợp, Tương, Liên, Hòa, Thành của hai hoạt lực Thiên Địa. Tác động ấy là Tính, là Mệnh, là Gốc, là Thiện của Người.
Chúng ta mới bàn đến Tính của con người, có nghĩa là mẫu dạng của cái tính chung, cái tính đại đồng, cái Nhân tính phổ quát của con người. Đó là thứ Nhân tính chưa đi vào thời gian và không gian nhỏ bé, chưa thành những cá tính riêng tư, chưa đi vào cái tiểu ngã dị biệt ở đợt hiện tượng. Chúng ta có thể gọi tài Nhân ở đây là Nhân tính đại đồng, Tính ở đây là Tính bản nhiên đại ngã. Theo cách trình bày như thế, ta hiểu tam tài là ý thức về Nhân tính ở đợt căn cơ, ở tầm mức phổ biến vũ trụ. Hay nói cách khác, người là một Hòa Điệu của Trời Đất, có một địa vị ngang hàng, hóa giải những mâu thuẫn của trời đất, giữ một địa vị quan trọng để trời đất được lưu thông, chuyển biến. Nhờ sự lưu chuyển những Tính của Thiên và Địa, mà cả ba được linh động, trường tồn. Việt Nho gọi là Sinh Sinh.
Sinh Sinh là Thiên Địa Nhân Hòa. Tới đây ta hiểu được cái uyên nguyên sâu xa của sự trường tồn là tính Hòa của Nhân, chỉ có đạt được bản tính Hòa của sự sống đời đời ấy con ngừơi bé nhỏ của mỗi cá nhân chúng ta mới tham dự được vào dòng sống muôn đời của Thiên Địa. Khi đạt được giao cảm, giao hòa, tương quan, liên hợp được với Thiên và Địa, con người mới thực sự là một phần tử của cơ thể vũ trụ, con người mới cảm nhận được những chiều kích bao la trong đời, con người mới cảm thấy có nguồn sống mãnh liệt nơi đáy thẳm tâm hồn. Đời sống sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn những âu lo vật thể, những bon chen nhỏ bé, những tình cảm chật hẹp. Tâm tư như mở rộng đến những chân trời của Tính Thể Vô Biên, niềm Bình An thâm sâu nơi đáy lòng, là Ánh SángÂm Thanh của Đạo.
Việt Nho biểu thị Tam Tài qua dạng chữ Vương (130) như sau:
Ba vạch ngang là ba tài: Thiên-Địa-Nhân (Trời-Đất-Người). Một vạch ở giữa nối cả ba vạch, để quán thông thiên địa, là chữ Vương. Vương ở đây có nghĩa là sự hoàn thiện, là giao cảm với trời đất, là siêu việt lên như trời đất. Chữ Vương là biểu hiệu của Nhân tính đại đồng, bản thể của con người. Con người là vua trong trời đất, con người là tâm linh của vạn vật, con người là cái Tâm của Thiên Địa, là cái Linh của Đất Trời. Ta hãy xem bài thơ Nhân Chủ qua bài vịnh Tam Tài của Trần Cao Vân:
Trời Đất sinh Ta có ý không
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in ta một chữ Đồng
Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che, Đất chở, Ta thong thả
Trời - Đất - Ta đây đủ hóa công.

Cơ Cấu Ngũ Hành
Ngũ Hành là một phạm trù triết học, là khung căn bản của minh triết Việt Nho. Bản văn cổ đại nhất nằm trong Kinh Thư ở thiên Nghiêu-Điển và thiên Hồng Phạm. Kinh Thư san định thời Khổng Tử, nhưng hai thiên Nghiêu-Điển và Hồng Phạm đã có từ lâu đời.
Bản văn Ngũ Hành chia làm 3 triệt. Triệt nhất, nói về thứ tự các hành. Gồm có kim, mộc, thủy, hoả, thổ. Triệt hai nói về tính chất của mỗi hành. Triệt ba nói về ngũ vị, sự ứng dụng nơi mùi vị: hàm, khổ, toan, tân, cam (mặn, đắng, chua, cay, ngọt). Triệt hai quan trọng nhất vì nói về cái thể, cái tính chất của mỗi hành.
Triết Tây phương theo Aristote , thì vạn vật tạo thành bởi 4 tố chất đất, nước, khí, lửa khác nhau, tuy biệt cách, biến động nhưng đồng thời 4 tố chất kia lại nằm trong khí éther bất biến, nên sự vật vẫn có tính chất liên tục. Nhưng éther ở cùng một bình diện hiện tượng như bốn tố chất kia, nó không có tính nối kết những cá thể riêng rẽ, nó cũng là một tính chất cá biệt, phân ly như bốn tố chất kia. Thành ra, tuy cùng nói về các tố chất khách quan, nhưng Ngũ Hành của Việt Nho mang một ý nghĩa triết lý hoàn toàn khác biệt với tứ tố vật lý của Aristote.
Thiên Hồng Phạm nói:
“Nước thấm xuống.
Lửa bốc lên.
Mộc uốn khúc để chính trực.
Kim vâng theo để biến cải.
Thổ ở chỗ gieo gặt”.
(Thủy viết nhuận hạ. Hoả viết viêm thượng. Mộc viết khúc trực. Kim viết tòng cách. Thổ viên giá sắc). (3)
Hành ở đây không hiểu theo lối tố chất cụ thể như thủy là nước, hỏa là lửa, thổ là đất. Hành ở đây phải được hiểu như là yếu tính, là vận hành, là tác động, là hoạt lực. Như thế theo cái hiểu bằng động từ, hành là một lộ trình của những yếu tính.
Những yếu tính này, kỳ diệu thay, dung chứa những nguyên lý muôn đời của cặp đôi, từng cặp đôi mâu thuẫn mà hòa hợp. Yếu tính của nước là thấm xuống, thì đối lập với yếu tính của hỏa là vươn lên. Còn yếu tính của Mộc mang tính cặp đôi “uốn khúc”, “chính trực” thì lại đối lập với cặp đôi yếu tính của kim là “vâng theo”, “biến đổi”. Rồi chính trong tự thân yếu tính của Mộc là “khúc” cũng đối đãi với “trực”. Uốn khúc để mà chính trực. Hai tác động đối đãi cao độ ở hành mộc cũng phản ánh nơi hành kim, đó là “tòng” để mà “cách”. Đây là cặp tính thể nhất nguyên lưỡng cực qua yếu tính của Mộc và Kim trong ngũ hành. Thế là từ hành thủy và hành hỏa ta thấy yếu tính tương phản đi với nhau trong cặp đối lập đơn thủy - hỏa. Rồi đến hành Mộc và Kim thì từ trong mỗi hành đã có cặp tính đối đãi và là cặp đối lập kép Kim-Mộc. Rồi đến hành Thổ, không có đối lập, nó là một hành đặc biệt không có chỗ ở tứ phương, không có cả yếu tính như 4 hành kia, nhưng chính trong sự hàm tàng, chứa đựng “Gieo - Gặt” thể hiện tác động đối đãi đặc trưng nhất. Thổ ở vị trí trung cung, nên cái cặp đôi uyên nguyên càng linh động, sâu sắc, nền tảng như cặp động từ “gieo-gặt”. Vì vậy Thổ gieo gặt tuy có một mình nhưng lại là hồn thiêng của tất cả, là cõi hội thông của các cặp đối lập, là mối tương quan của những nghịch chiều. Thổ vì vậy có đức tròn đầy viên dung của Đạo Thể. Chân lý tối thượng phải tròn, chỉ hình tròn mới bao dung được tất cả các phần tử hạn cục. Thánh Hiền dùng chữ “Viên” để chỉ rõ đức của thổ. Thổ viên giá săc.
Để quảng diễn cho ý nghĩa này, ta hãy xem giá trị của linh đức Thổ “Tri chu hồ vạn vật, nhi đạo tế thiên hạ cố bất quá. Bàng hành nhi bất lưu. Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu. An thổ đôn hồ nhân cố năng ái”. Câu này có nghĩa là “ Biết được cái Đạo thể tròn đầy của vạn vật, nên gây được An Hòa cho khắp cõi, vì vậy không đi quá. Hoạt động ở vòng ngoài mà không trôi theo lưu tục. Thấu hiểu mệnh trời nên không ưu sầu. Bình An nơi Thổ Tâm linh huyền nhiệm nên có thể yêu thương bằng tấm lòng chân thực” (4). (Kinh Dịch, Hệ từ 4)
 
Tri chu hồ vạn vật
Biết vạn vật tới mức tròn đầy, hay biết cái tròn đầy của vạn vật, hay cái hiểu biết toàn thể, về chân lý toàn diện. Đó là Tri chu. Hay nói cách khác, tri chu chính là trí tri, cái biết đến tận cùng. Như triệt thượng và triệt hạ. Tri đến triệt thượng là biết đến tận cùng cái tính lý của vạn vật. Triệt hạ là biết đến tận cùng cái bước ung dung của tính lý trên sự việc. Biết đến đợt trí tri là biết cả vòng trong tâm linh lẫn vòng ngoài hiện tượng của vạn vật. Triết giả, triệt dã, nằm trong ý nghĩa chu tri, có nghĩa là triết là cái biết triệt để, cùng cực trong sự hợp nội ngoại để thành đạo, thành con đường đi, thành hướng tiến hóa.
Qua câu quảng diễn này về ý nghĩa của hành Thổ trong Ngũ Hành, ta thấy đường về hành Thổ khởi đầu từ Chu Tri. Tri là sự hiểu biết, ở đây là chu tri, có nghĩa là sự hiểu biết của cái tri thức trọn vẹn, tròn đầy như chân lý. Có thể gọi chu tri là trí tuệ, là cái biết về Đạo lý của cả tử lẫn sinh. Của cả thường hằng bất biến lẫn thường nghiệm biến dịch. Chu tri là trong biến dịch cảm lẽ bất dịch. Trong động nắm vững tịnh. Chu tri là trong bất an động loạn biết giữ bình an thanh tịnh. Chu tri là Trí tuệ của cả vô biên lẫn hữu hạn. Chu tri là cái biết vươn lên tới đợt Tâm. Là cái biết vượt bé nhỏ giới hạn để bay bổng về vòm trời linh thiêng của Đạo thể. Chu tri là Huệ Tri.
Duy tâm hay duy vật là cái biết chưa đến độ tròn, đến chân lý tròn đầy viên mãn. Đó là cái biết phần mớ, mảnh vụn, hạn cục, khiếm khuyết. Những loại tri như vậy chưa phải là cái tri của người cầu tìm chân tri. Vì, như đã trình bày, chân tri phải có tình tròn đầy và dung hợp - Đạo Thể Viên Dung.
 
Đạo Tế Thiên Hạ, Cố Bất Quá
Đối đãi thiên hạ từ cái chu tri cho nên không đi quá, có nghĩa là không sa vào cực đoan, bất cập, thái quá, một chiều. Chỉ có chu tri mới đạt được đạo Bình Quân của trời đất trong việc tiếp nhân xử thế trên đời. Chu tri là biết, nhưng biết để thực hành nơi cõi nhân sinh, nên từ tâm thức chu tri, người trí thức Việt Nho hành đạo thì cuộc sống sẽ không đi vào tệ hại của căn bệnh “duy” một chiều kích mà thường cá nhân hay xã hội, các lý thuyết thường mắc phải. Duy là chỉ có thế này mà không có ngược lại, là cô độc, lẻ loi giữa bầu trời của trí tuệ tròn đầy, là tiêu diệt đối lập, là không truy nhận giá trị của đối kháng, là hủy thể, là diệt, là lạc vào cõi giới hạn, là con đường của tử vong. Các chủ thuyết duy giai cấp, duy dân tộc, duy thực nghiệm, duy thần linh, hay bất cứ khái niệm duy gì gì đi nữa chỉ là cái ý thức đưa đến sự mất bình quân, mà đáng lẽ phải đi vào sự “bất quá”.
Chu Tri là mới nói đến cái tri thức, dù là tri thức tròn đầy, viên mãn hai chiều của Đạo thể Viên Dung. Nhưng với Việt Nho, biết không để mà biết, biết không là vòm sao trên trời vô dụng. Người Trí mang trời xuống cùng đất. Với Đạo học Việt Nho, tri hành hợp nhất, nên cái tri thức sẽ được mang ra áp dụng nơi nhân quần xã hội, chu tri đưa đến một cuộc sống tiếp nhân xử thế chừng mực, không bất cập hay là thái quá. Có thể nói, chu tri đưa đến nền tảng Bình Quân trên mọi sinh hoạt xã hội.
 
Bàng Hành Nhi Bất Lưu
Hoạt động vòng ngoài mà không trôi theo lưu tục. Hoạt động vòng ngoài là tất cả các hình thái sinh hoạt của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Đây là lộ trình hướng ngoại của chu tri, con người cứ đi, đi mãi trở ra ngoài cái bản thể, cái trí tuệ của mình. Như tác động “gieo-gặt” của thổ, con người cứ đi gieo rồi gặt hái mang về cái hạt mầm nhỏ bé của một kiếp nhân sinh. Đi rồi cứ lăn mãi vào cuộc tử sinh, vào cõi động loạn, vào cảnh giới của phân biệt, đa đoan, trá ngụy, ưu sầu, một cõi mê, một cảnh lầm. Nhưng làm sao bước chân ra khỏi sa lầy của cuộc tranh đua cõi tử sinh, của hệ lụy trần gian? Thì đây, Việt Nho đã có chìa khóa hóa giải bằng cái chu tri của đạo. Biết được cái vô cùng bao la rồi nên sẽ có đường trở về, đi ra ngoài, nhưng vẫn còn đạo nội gìn giữ tấm lòng son. Son mài được nhưng vẫn còn sắc đỏ. Trí hiểu đến suối nguồn Minh Triết Siêu Việt rồi. chốn trần gian thô cạn không thể lấp lối tìm về. Đời sẽ không trôi đi đi mãi. Đời sẽ không cuốn xa xa mãi. Đi sẽ không đi xa mãi. Chu Tri là đến cõi Đạo Thể Viên Dung, là vào quỹ đạo của vòng tròn không kết thúc cũng như khởi đầu, cứ đi đi mãi nhưng không lạc, cứ trở ra đi nhưng đi xa mà cũng là trở về. Đạo tròn, tròn xoe. Đi đâu mà lạc? Bàng hành nhi bất lưu.
 
Lạc Thiên Tri Mệnh Cố Bất Ưu
Niềm rung cảm sâu xa với đạo trời gọi là Lạc Thiên. Chu tri là biết Thiên. Tri Mệnh cũng là biết cái bao la của Thiên trong cái tôi nhỏ bé. Mệnh là trong tiểu ngã này ta biết được đường vận hành cùng đại ngã. Cái ta nhỏ bé hòa cùng cái Ta bao la, cái tiểu thiên địa này hội nhập cùng cuộc đại diễn hành của Đạo. Đời không là cuộc hành hương về Nhất thể bao la, linh thiêng, huyền nhiệm sao? Niềm An vui của tâm hồn trong cảnh giới của chân tri mà cũng là chu tri, niềm An vui thênh thang vỡ bờ tạo vật để sang bờ Tính Thể Tâm Linh, đó là “lạc thiên”. Trí liễu hiểu lộ trình gieo gặt của thổ tâm linh là “tri mệnh”. Cho nên ưu sầu nào lẩn quẩn được bên bước chân Trí giả Việt Nho. Đạo đâu còn để cho người sầu bi. Lạc đến sau chu tri. Chu tri là đường đi đến Lạc. Lạc ở đây sẽ là cái vui của đạo. Lạc đạo nên vui cách thâm trầm, diệu huyền, thanh nhẹ. Chu tri rồi sẽ Lạc Đạo. Lạc Đạo là An Lạc nơi mệnh trời. Cho nên người trí Việt Nho tu thân, trước tiên là tu Đức Trí. Bảo chứng đầu tiên của đạo tu thân là chính lòng người trí thức Việt Nho: Tâm hồn An Vui, Thường Tịnh. Trí giả Việt Nho sau khi tung ra đời theo vòng ngoài của Đạo, nếu để lòng đã vấn vương ưu sầu, là chưa biết cái vui của đạo, là chưa thấu hiểu cái tính mệnh của mình, là chưa lấy Tâm trùm cảnh, là chưa tu thân, trau giồi Đức Tri tới độ Chu Tri. Đường tu dưỡng nội tâm tới độ trí tri, chu tri có thể kiểm chứng nơi sự thanh bình của đáy lòng. Người Việt Nho mang tâm thân mình cảm nghiệm đạo nhiệm mầu. Lạc Thiên Tri Mệnh cố bất ưu.
 
An Thổ
Thổ bây giờ ta đã hiểu rồi, đó không phải là tố chất đất như cái hiểu thường nghiệm của vật chất. Thổ ở tại gieo gặt. Thổ là đức của Tâm, có tính dưỡng nuôi của Đạo. Đi ra là gieo, và đi vào thì gặt. Kiếp người là gì, có phải chính là tác động gieo gặt của thổ. Sinh ra, lớn lên, lăn xả vào cuộc vật thể của cõi nhân sinh đó là động tác gieo. Rồi được những gì sau bao đấu tranh và ngụp lặn trong cái thú đau thương và hạnh phúc của cuộc tử sinh, đó là gặt. Ai cũng gieo gặt. Nhưng ai cũng gieo cái mầm hạt và gặt cái trái quả của chính mình. Đó là tác động gieo gặt của cá thể. Nhưng còn cuộc gieo lớn lao của cõi tính thể bao la vượt qua cái tôi bé nhỏ, cái đại cuộc gặt của mùa gieo gặt của Tâm Thổ tâm linh. Nơi đó có cái gieo của Chu Tri, có cái gặt của mùa An vui mênh mang của tấm lòng vũ trụ. Mùa Gieo Gặt, mùa Vui với Đạo Trời, Mùa An Lạc đó sẽ đến khi con người biết gieo gặt nơi hành thổ của Tâm linh trong cõi lòng mình. An thổ, theo Việt Nho, là tu thân bằng cách Qui Tâm.
 
Đôn Hồ Nhân
Chân đạo Việt Nho nhiệm mầu cũng còn để nuôi dưỡng Đức Nhân của lòng người. Người Việt Nho tu đức Trí cho đạt tới độ tròn đầy thì lòng nhân ái càng bao la. Tình yêu người hạn hẹp, phe đảng, giai cấp, đoàn lũ xuất phát từ trí hiểu phân chia, cục bộ, lẩn quẩn. Lòng nhân trong trí hiểu còn thấp kém, chật hẹp, giới hạn chưa được nuôi dưỡng và phát triển đúng mức sẽ chỉ sinh ra những căn bệnh của căm thù và đau thương. Cho nên, chỉ có đạt Chu Tri mới nuôi dưỡng, hun đúc được Đức Nhân một cách toàn hảo nhất: Trí Tuệ chỉ phục vụ Yêu Thương thì mới nuôi dưỡng được yêu thương. Trí tuệ phục vụ bất kỳ một sự ghét bỏ, kỳ thị, căm thù nào chỉ hủy diệt mầm hạt yêu thương, linh lực sống đời của nhân loại.
 
Cố Năng Ái
Đức Nhân là thể thường hằng của Đạo. Biểu tỏ của Đức Nhân là cái dụng của đạo, là Yêu Thương. Người trí Việt Nho khi tu thân, hun đúc đức nhân, cũng là để hành xử trong cuộc sinh hoạt vòng ngoài của đạo. Tấm lòng yêu thương vô biên và chân thực chỉ có thể có nơi những tâm hồn bao la, đức nhân đã được trưởng dưỡng từ giác ngộ một trí hiểu cũng bao la như trời đất.
 
Ý Nghĩa Cơ Cấu Ngũ Hành
Tóm lại, qua Cơ Cấu Ngũ Hành, thánh nhân Việt Nho đã để lại một bài học cô đọng về bước Tu Thân cả vòng trong tâm linh lẫn vòng ngoài hiện tượng. Bảo chứng của trình độ tu dưỡng nội tâm là đạt đến AN nơi Tâm linh và HÒA nơi tình yêu thương chân thực. Có nghĩa là khi đạt nội tỉnh An thì mới có ngoại giới Hòa. Có đạt tới cái Chu Tri thì mới có An, Tịnh trong lòng. Lòng có An, có Tịnh thì mới sắp đặt mọi việc bên ngoài sao cho hợp đạo, tự nhiên gây được cảnh thái hòa. Cảnh giới thái hòa sẽ tự nhiên mang đến sự chừng mực, bình quân cho tất cả. Do đó, đã hiểu được Đạo Thể Viên Dung, dù có hoạt động vòng ngoài của đời sống cách nào đi nữa, nhưng Trí giả Việt Nho không bị cuốn trôi theo lưu tục. Như Tâm vẫn hằng An vui trong mọi cảnh sắc ở đời. Lưu hành trong chốn động loạn nhưng Tâm người hiểu Đạo vẫn Tịnh An. Và, chỉ có dừng lại nơi thổ tâm linh, dừng chân nơi chốn quê hương bình an thâm sâu của tâm hồn, thì từ đó mới có thể có tấm lòng yêu thương chân thật.
Thật thế, ta không thể yêu người bằng lý trí suông, từ nội tâm động loạn, bất an, nghiêng lệch. Ta không thể yêu người khi chưa hiểu biết về tính thể trọn vẹn của người. Chưa nắm vững chân lý An Thổ thì làm sao có khả năng yêu thương tha nhân bao la và chân thật. Triết lý Ngũ Hành định hướng cho ta một lộ trình đi tìm hành thổ tâm linh, mảnh đất thiêng của quê hương tinh thần, để nội tâm được Tịnh An, Trí Tuệ thông suốt, để dưỡng nuôi tình người chân thực. Triết lý Ngũ Hành nhắc ta con đường của Trí Tuệ để phục vụ đức Nhân. Hay nói cách khác, theo triết lý Ngũ Hành, Trí tuệ là nguồn mạch cho tình yêu người cụ thể và thiết thực. Trí tuệ ở đây là sự liễu hiểu đạo lý hai chiều bổ túc, tương quan, hòa hợp trong vũ trụ, đời sống, cụ thể như yếu tính tiêu biểu của các tố chất làm biểu tượng.
Ta thấy triết lý Việt Nho không dùng những ý niệm xa thực tế, thuần lý trí. Đơn giản, rõ rệt như các tố chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà bất cứ người nào cũng có thể quan sát được, Minh Triết An Vi từ những biểu tượng ngũ hành mà khai mở chân lý nền tảng của nhân sinh. Những yếu tính của Kim và Mộc là những bài học vòng ngoài của bước lưu hành thế tục. Có lúc phải như mộc, uốn khúc để rồi chính trực. Có lúc như kim, vâng theo để mà biến cải. Những nguyên tắc này là nguyên tắc của sự linh động trong thực tế, của sự chấp nhận đi từ những bất lợi, trắc trở, bất như ý từ những hoàn cảnh riêng tư của cá nhân, xã hội, để rồi từ đó mà biến đổi, đưa về chính trực. Hiện thực triết lý ngũ hành là phải rèn luyện cái yếu tính của kim, của mộc trong sinh hoạt hiện tượng, nhưng không để sự uyển chuyển và tùy thời mà trôi luôn theo ngoại cảnh, mất cả Đạo Tâm. Cho nên Hiền Triết Việt Nho phải nhủ lòng “Bàng hành nhi bất lưu”. Hoạt động vòng ngoài nhưng không trôi theo lưu tục, luôn An Nhiên Tự Tại nơi hành Thổ tâm linh. Đó cũng cùng ý nghĩa của đoá hoa sen tinh khiết. Do đó, với Tâm trùm cảnh, lòng người là đóa sen trong sạch An vui thường tịnh, lan tỏa nguồn yêu thương chân thực. Chu tri và An Tịnh là một bảo chứng cho lòng chân thực của đức yêu người. Hay nói cách khác, đạo đức tu thân phải là đầu mối của yêu thương, là cội nguồn của mọi sinh hoạt xã hội. Tu thân là tĩnh tâm cho an định, vững vàng trong sự đoạn trừ vô minh của bất cứ tư tưởng, ý niệm một chiều, quá khích nào làm mất đạo Bình Quân tự nhiên của trời đất.
Thế giới hiện nay đang bị sâu xé vì những ý hệ đủ loại, kiếp người bị vật thể hóa vì đời sống nặng nề cùm kẹp của vật chất, tình yêu thương bị héo mòn theo. Triết Lý Ngũ Hành, cơ cấu siêu việt của Đạo Thể Viên Dung, là thực phẩm tài bồi cho đất Tâm linh khô cằn, là lộ trình tu thân về hành thổ Tâm Linh - Mìền Quê Hương Bình An của Mỗi Tâm Hồn.
Đông Lan
Nguồn: http://www.mevietnam.org/index-a.html

No comments:

Post a Comment

Popular Posts