Thursday, August 23, 2012

Chân dung cái Đẹp

      Xua cơn mạt vận thời mông muội,
      Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương[1]
   Viết về cái Đẹp giữa một thế giới đầy sự gớm ghiếc và thảm họa, một thời sự đảo điên sôi bỏng như hiện nay là một sự liều lĩnh, nếu không nói là lạc điệu. Thế nhưng, phải chăng trong chu kỳ thời gian, những ngày đầu năm chính là thời điểm phù hợp nhất để trở về trang chủ của tâm hồn, để nghe tiếng thì thầm sâu lắng của mạch sống và tìm lại giá trị đích thực của mỹ cảm?

Chân dung cái Đẹp (II)

         Bởi vì, nói như Dostoïevski, biết đâu cái đẹp lại chẳng cứu được thế giới [2]?
       Thật thế, xa lạ với huyễn mơ phù phiếm, đối cực với « trà dư tửu hậu », hướng về Mỹ chính là ngước lên bầu trời Chân, Thiện, là cúi xuống – « cúi xuống thật gần » như lời một bài hát Trịnh Công Sơn - những khát vọng cơ bản của nhân tính để nhận diện khuôn mặt, ý thức về ý nghĩa nhân văn và nhất là về những khả năng khai phóng kỳ diệu của cái Đẹp, đưa con người tới chân trời của Sáng tạo và Tự do.

         Nhưng, như vậy, có phải con người – với tư cách sinh vật thượng đẳng - luôn cần cái đẹp? Và đẹp là gì? Nó đến từ đâu, đi về đâu và đem lại gì cho nhân loại?

Cái Đẹp như ma lực một nhu cầu

       Đề cập về nhu cầu con người, không thể không nói đến lý thuyết của Abraham Maslow (công bố năm 1943). Mặc dù hơi quá giản lược, không phải không bị phê phán [3] và đã bị vượt qua từ lâu [4,5], mô hình “kim tự tháp Maslow” vẫn được xem là khá tiện lợi để diễn tả một số ý đáng nói và ngày nay – trên thực tế - còn được khai thác, đặc biệt trong lãnh vực động viên nhân lực và Tiếp cận thị trường (Marketing).

         Mục đích bài viết không phải là đi vào chủ đề phần này, mà chỉ để xác định sự hiện hữu của nhu cầu thẩm mỹ trong lý thuyết Maslow (bạn đọc không rành tiếng Pháp có thể tham khảo nguồn [6] mà sơ đồ dưới đây đã được trích ra [xin phép được giữ nguyên văn Anh ngữ]; các tài liệu tiếng Việt liên quan, theo thiển ý, phần lớn đều mang ít nhiều thiếu sót hoặc nhầm lẫn).

         An interpretation of Maslow"s hierarchy of needs, represented as a pyramid with the more basic needs at the bottom. [6]

        Maslow đưa ra mô hình chỉ có 5 bậc nhu cầu từ thấp tới cao: khởi đầu là dạng Sinh lý « sát đáy » lên dần đến mức Hoàn thiện bản thân tột cùng, qua những bậc trung gian là An toàn, Yêu thương/hòa nhập và Quý trọng bản thân cùng tha nhân.

         Về sau, có hai bậc mới được thêm vào (mà trước đó Maslow có đề cập tới nhưng không đưa vào sơ đồ) là nhu cầu nhận thức hiểu biết (cognitive) và thẩm mỹ (aesthetic) nằm chen giữa bậc Quý trọng và bậc cao nhất, nâng kim tự tháp lên thành 7 bậc[7].

         Như vậy, công trình nghiên cứu cho thấy từ trong bản chất, con người cần cái đẹp như cần sinh tồn, thương yêu, quý trọng, để vươn tới sự hoàn thiện của chính mình.

         Điều đáng nói là loài người từ thuở « ăn lông ở lỗ » đã yêu cái đẹp. Các phát hiện mới nhất về nghệ thuật tiền sử liên quan, đã từng được Văn Ngọc trình bày một cách mẫu mực trên những trang Diễn Đàn này. Xin được nhắc lại lời anh tóm gọn[8] về những nghệ sĩ thời chưa có chữ viết và còn sống nơi hang động :

        Điều thú vị, đối với chúng ta ngày nay – mặc dầu đây cũng chỉ là một giả thuyết - là chính cái sự thôi thúc nội tâm cần thiết cho người nghệ sĩ đó, con người đã từng có ngay từ buổi bình minh của nghệ thuật. Ắt hẳn đó phải là một «thuộc tính» không thể nào không có được của người nghệ sĩ và độc lập với những khả năng khác của con người. » (xin được in đậm thêm hai ý sau - BĐH)

         Nguyễn Quân, trong một tác phẩm viết từ 1981 (xuất bản năm 1990 và mới tái bản gần đây)[9], cũng đã bàn về chủ đề này qua một lối « kể chuyện» tỉ mỉ, có duyên và sâu sắc (chỉ tiếc là anh không mấy nghĩ đến việc chú thích đầy đủ nguồn gốc các tư liệu liên quan, do đó không giúp người đọc nghiên cứu thêm).

         Trong chương « Bản chất nghệ thuât », tác giả chọn ví dụ khởi đi từ chiếc rìu đá Phùng Nguyên, đưa ta đến sự ra đời của « tác phẩm» rìu đồng Đông Sơn với những hoa văn đẹp đẽ và chứng minh – từng bước một - sự « lột xác » của con người qua sự chuyển hóa nhu cầu của chính nó, « thay thế những khoái thú ngũ quan cụ thể bằng những khoái thú ngũ quan được chuyển dịch sang dạng tinh thần » [10 ] .

         Vẫn trong bối cảnh tiền sử đó, Nguyễn Quân còn nói rõ thêm : « Tác phẩm nghệ thuật thuần túy là tranh, tượng để thờ cúng, đồ trang sức làm đẹp cho thân thể. Nó không chỉ có giá trị nhờ sự thờ cúng. Vì ngoài buổi tế lễ ra người ta vẫn thấy chúng đẹp và gây khoái cảm (…) Khoái thú thẩm mỹ – tức khát vọng về cái đẹp trở thành khoái thú của một giác quan thứ 6, tổng hòa các khoái thú cụ thể của ngũ quan ».

         Và anh kết luận : « Cùng với sự phát triển của nhân loại, khoái thú thẩm mỹ có cơ sở cốt tử như nhu cầu ăn, mặc, ở, và tình dục, rất tự nhiên. Nghệ thuật nghiễm nhiên có một vị trí không tranh cãi được từ khi con người thành người » (xin được in đậm trong tiểu đoạn này -BĐH).

         Ta có thể nói thêm rằng những «  khoái thú thẩm mỹ » đó, có khi còn được nâng lên đến mức một sự rung động tột đỉnh, một sự tôn thờ hiểu cả theo nghĩa đen : trường hợp nhân vật Đoàn Dự của Kim Dung, trên đường lưu lạc, đã sụp lạy khi bất ngờ đứng trước tượng một nữ nhân tuyệt mỹ[11] là một minh họa không phải chỉ hoàn toàn mang tính « tiểu thuyết ». Và Đoàn Dự không phải là người duy nhất.
Aphrodite, (còn được gọi làVénus Génitrix, phiên bản La Mã theo nguyên tác thế kỷ 5 tr CN)   và  “Danseuses bleues", Degas (1834-1917)

         Trải nghiệm thẩm mỹ (expérience esthétique) là một hạnh phúc trong tầm tay con người. Một huyền nhiệm của hữu thể (Être)[12].Trước cái đẹp, con người như bị tước đoạt mọi phòng ngự bản thân bởi cái mạnh hơn mình, được giải phóng khỏi cả những ức chế : cái trực quan tức thời là tuyệt đối, mọi lý giải rườm rà cứ tưởng là cần thiết – lắm khi lại lòng vòng, gượng ép - đi sau.

         Trước cái đẹp, chủ thể như rã mềm, như mất dạng, như hòa tan trong khí hậu, trong thân da của mỹ thể. Hết phân biệt khách/chủ, tâm/vật, kẻ ái mỹ thấy mình ở trạng thái kết hợp, nhập thân (fusionnel) với cái đẹp trên nền của sự toàn cảm, tương-thông (communion) với cái hồn của mỹ thể, [và lắm khi] xen lẫn với đôi chút hụt hơi, tê dại hoặc đau đớn nhẹ nhàng… Nguyên Sa đã từng diễn đạt một trạng thái tương tự trong bài thơ nổi tiếng «  Tiễn biệt » :

«…Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió xe chùng muôn không gian…”

         Hoàng Trúc Ly (1933-1983) – người mà Phạm Công Thiện đã nhìn nhận như một “thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại"[13] và đã được Đặng Tiến dành cho một bài phê bình xuất sắc từ 1964[14] - hình như có môt đam mê rất… thơ: ngồi “vừa hút thuốc lá, vừa ngắm người đẹp hàng giờ, không nói câu nào” [13] .

         Cái đẹp đã khớp hồn họ Hoàng có khi chỉ là một giọng hát, nhưng làm gì chỉ có giọng-hát- không-người! Và cuộc gặp gỡ giữa một tâm hồn đẹp với cái đẹp thì có bao giờ lại chỉ kết thúc bằng sự “tiêu thụ” tầm thường – dù chỉ trong ý nghĩ - hay sự tan biến đơn thuần của năng lượng tiêu hao? Thưởng thức cái đẹp cũng có nghĩa là gieo mầm, cho sáng tạo bén rễ, khai hoa:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Giọt buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau”.

(Ca sĩ, Hoàng TrúcLy.)

Tóm lại, con người cần tới cái đẹp một cách tự nhiên, như theo bản năng, một thứ bản năng thanh cao và kỳ bí nhất: phát xuất từ con người để vượt qua con người, cái đẹp vừa là động lực vừa là cứu cánh của chính nó.

Nhưng như vậy, có thể nào định nghĩa được cái đẹp như một đối tượng khảo sát khoa học?

Cái Đẹp như giới hạn của ngôn từ

         Trong ngôn ngữ thường ngày, khá nhiều từ được dùng để chỉ cái đẹp. Tiếng Việt giàu có trong lãnh vực này: đẹp, xinh, dễ thương, duyên dáng, diễm lệ, mỹ miều, giai[nhân]/giai[phẩm], thắng[cảnh]/thắng [tích], kiều diễm, mê hồn, hoa lệ, lộng lẫy, nên thơ, thẩm mỹ, hùng vĩ, hoành tráng, tuyệt mỹ…(Tiếng Pháp, chẳng hạn, cũng không kém là bao : beau, joli, mignon, ravissant, captivant, envoûtant, grâcieux, charmant, pittoresque, spendide, magnifique, féérique, fantastique, esthétique, divin, sublime…).

         Thế nhưng, nghịch lý đầu tiên là mặc dù ai cũng cần, biết và yêu cái đẹp nhưng không hiển nhiên chút nào khi phải xác định nó là gì.

         Từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên (tr CN), theo sách Những Đối Thoại của Platon (427-347 tr CN) – phần mang tên Hippias majeur -, Socrate (thầy của Platon) đã đặt câu hỏi cho biện sĩ (sophiste) Hippias d’Elis về cái đẹp, và cuộc tranh luận dẫn đến một nghi nan(aphorie) : cái đẹp không thể định nghĩa được!

        Trải qua bao thế kỷ, rất nhiều bộ óc vĩ đại khác đã góp phần làm sáng tỏ những vấn nạn đặt ra do cái đẹp. Nếu phải kể ra một vài quan điểm thường được nhắc tới, ta không thể bỏ qua câu nói “giai thoại”của Voltaire (1694-1778) cho rằng cóc cái là hiện thân của cái đẹp dưới mắt của cóc đực. Với Crousaz (Traité du Beau, 1715), thẩm mỹ bao gồm cả cái đẹp của những định lý toán học. Còn Burke(1729-1797) thì cho rằng cái đẹp phải bao hàm cả tình yêu [15 ] …

         Nếu chỉ tính từ thời Cổ đại Hy Lạp đến nay, nhân loại nói chung – và nhất là những nhà tư tưởng Tây Âu -, song song với dòng chảy của đời sống nghệ thuật, đã tra vấn, suy tưởng không ngừng suốt 25 thế kỷ về cái Đẹp, một chủ đề tưởng chừng như hoàn toàn không có ích lợi thực tiễn. Điều đó, tự nó, nói lên rất nhiều.

         Bài viết này không phải là để trình bày lịch sử Mỹ học và cũng không nhằm lập lại các thông tin đã được nêu lên trong hầu hết những nguồn tư liệu khá dồi dào về cái đẹp. Chẳng hạn, trên trang mạng Chúngta.com, có người đã bỏ công sưu tầm và tóm lược một số quan điểm chủ yếu, theo các tác giả, về nghệ thuật[16] với tư cách là phương tiện làm ra cái đẹp. Trường hợp Phạm Quỳnh (1892-1945) đã chủ tâm – và có lẽ là một trong những người Việt Nam đầu tiên - trình bày tường tận về Mỹ học[17] cho độc giả thời ông, là điều đáng cho hậu sinh chúng ta suy ngẫm.

         Nói chung, điều cần phân biệt rõ ràng là : khả năng nhận biết cái đẹp là hằng cửu, bất biến và phổ quát trong nhân loại ; ngược lại, những tiêu chuẩn, quan niệm, cách cảm thụ thẩm mỹ thì hoàn toàn tùy thuộc từng cá nhân và thời đại, trong đó những đặc trưng nhân cách, văn hóa và xã hội có ảnh hưởng nhất định.

Mặc dù thế, vì tầm quan trọng về học thuật, vẫn cần thiết phải xác định [để góp phần tiến tới sự] rõ ràng ý nghĩa của một số từ ngữ, ý niệm thường hay được sử dụng nhằm tránh những hiểu lầm có thể xảy ra, đặc biệt do việc dịch sang tiếng Việt thuật ngữ của phương Tây trong lãnh vực này. Việc « xác lập ngữ nghĩa » này dựa trên những khái niệm cơ bản của Kant (1724-1804) trong Critique de la faculté de juger (hay Critique du jugement ) xuất bản năm 1790 và được xem là tác phẩm nền tảng cho Mỹ học.

         Trước hết, Kant cho rằng « cái đẹp là cái làm người ta thích một cách phổ quát [và] không ý niệm » (Est beau ce qui plaît universellement sans concept ). Đã phổ quát thì không còn tranh cãi về giả thuyết – không đứng vững nữa - cho rằng cái đẹp chỉ do cảm thụ cá nhân .Và đã là không ý niệm thì không thể chứng minh bằng trí tuệ được. Ông cho cái đẹp nằm trung gian giữa cảm năng (sensibilité) và trí năng (entendement)[18] : nó không phải là một ý niệm [do đó không] có thể được xác định bởi riêng trí năng con người.

         Theo Kant, cái đẹp không phải là cái có ích. Nó không đáp lại một mục đích tiện dụng nào ở ngoại giới, mà chỉ có một cứu cánh nội tại (cho nội giới) là sự hài hòa.

         Cái đẹp cũng khác cái dễ chịu (l’agréable), bởi cái sau này hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào cảm giác riêng tư của mỗi người và là đối tượng mặc nhiên cho ý muốn được hưởng thụ cụ thể (qua xúc giác, khứu giác hoặc vị giác). Ngược lại, « cái đẹp là đối tượng của một sự thích thú vô tư[19] »(le beau est l’objet d’une satisfaction désintéressée). Thích thú thẩm mỹ không dính liền với sự thỏa mãn một lợi ích cá nhân, trí tuệ hay đạo lý nào. Xác lập tính không vụ lợi của thích thú thẩm mỹ cũng là xác lập được tính tự lập của giá trị thẩm mỹ : không dựa vào cái gì khác ngoài chính nó.

         Phạm Quỳnh [17]diễn tả những ý trên một cách rất « ta » và giản dị như sau : « Cảm giác về sự đẹp là một khuynh hướng đặc biệt, trong khuynh hướng ấy không có chút tự kỷ nào. Ta thấy cái đẹp ở đâu thì tự nghiêng lòng về đấy, không phải là vụ cầu lấy ích lợi gì cho mình. Yêu chuộng cái đẹp, chỉ là vì đẹp mà thôi, không phải vì lẽ gì nữa. Đã đẹp thì không hề hỏi có thể dùng được việc gì ».

         Và ông loại trừ cái cảm giác dễ chịu so với mỹ cảm một cách thật rành mạch : « Như thế thì sự đẹp không phải là thuộc về siêu hình; đẹp là phải có thể cảm ngay vào người ta được. Song không phải là cảm đến cả ngũ quan đâu: như mùi thơm, vị ngon là những cảm giác không có tính cách mỹ cảm. Trong ngũ quan chỉ có hai quan cảm được cái đẹp là thị quan và thính quan, mắt trông với tai nghe ».

         Khi Kant xếp cái dễ chịu vào hàng «  hình nhi hạ » và khẳng định tính vô tư của mỹ cảm tức là ông đã đưa thích thú thẩm mỹ lên hàng « siêu cảm giác », như một sự chiêm nghiệm (contemplation) cái đẹp, môt cái đẹp hết là của vật thể « tại thế » nữa mà chỉ còn là biểu tượng (représentation) của nó : một thứ dư vị đậm đà « chất Platon » !

         Riêng với Phạm Quỳnh, mặc dù không khác Nguyễn Quân gì mấy (tuy hai thời đại – cũng như thói quen ghi chú khoa học - có cách nhau khá xa) trong sự coi nhẹ việc nêu nguồn các ý diễn đạt (trừ hai trích dẫn), nhà văn hóa tiền bối này đã « dám »có tham vọng đi xa hơn, qua những diễn giải hoặc lý giải của riêng ông. Trên chủ đề khảo sát, và trong tương quan với ý tưởng của Kant, đoạn dưới đây là một ví dụ :

         Trong cái đẹp tức đã gồm một sự ích lợi cao thượng, là khiến được cho người ta thỏa lòng mãn ý, hưởng một sự du khoái thanh cao. Vì người ta cảm sự đẹp, dường như thấy phẩm cách mình cao hơn lên, giá trị mình tăng hơn lên. Thực thế. Mĩ cảm là một cảm tình cao thượng khác hẳn nhưng sự khoái lạc duy kỷ; mĩ cảm vốn có tính dễ ba cập ra ngoài: một người được hưởng cái đẹp, muốn chia cho một người cùng hưởng; càng lan rộng ra bao nhiêu, hình như cái thú lại càng tăng lên bấy nhiêu ».



         Mặt khác, cái đẹp còn được các triết gia Tây Âu phân biệt với một khái niệm khác trong Mỹ học, được gọi là « sublime » theo tiếng Anh và tiếng Pháp. Có học giả và nhà nghiên cứu [20-21] đã dịch nó thành « cái cao cả » : theo thiển ý, nên chọn một từ khác cho phù hợp hơn với nội dung của nó.

         Thật thế, “sublime” không phải là một cấp độ [cao] của cái đẹp như ta có thể hiểu theo ngôn ngữ thường ngày (cũng không thuộc về đạo đức để có thể được gọi là cao cả), mà là một phạm trù khác. Có lẽ nó xuất hiện lần đầu tiên trong quyển De sublimitate mà về sau này được xác định là một tác phẩm khuyết danh chứ không phải do Longin (Cassius Dionysius Longinus, 213-273)[22] viết như người ta tưởng trước kia.

         Ít nhất Burke, Kant rồi Hegel đều đã đề cập nhiều đến khái niệm này. Ngoài tầm quan trọng đối với mọi lý thuyết Mỹ học, nó còn được tái hiện như một chủ đề hết sức đương đại, qua những công trình “đọc lại Kant” của nhiều Triết gia gần đây[23] trong đó nổi bật nhất có lẽ là Jean-François Lyotard (1924-1998), người đã cập nhật ý nghĩa quan trọng của “sublime” trong bối cảnh Nghệ thuật hiện đại [24].

         Cụ thể và khởi thủy – đối với những nhà tư tưởng đã khai sinh khái niệm -, đó là cảm nhận đặc biệt của con người bị choáng ngợp, cuốn hút, bị vượt qua trước cái cực kỳ to lớn, không cùng, huyền diệu, khi ngắm [trong tư thế an toàn] thiên nhiên khoe oai sắc: hoặc bao la, dữ dội (như trường hợp điển hình của biển cả trong giông tố), hoặc bất ngờ hé lộ một vẻ đẹp lạ lùng, kỳ bí, trong khung cảnh hùng vĩ tuyệt vời của không gian (như núi tuyết sừng sững chọc trời xanh, hay bầu trời thăm thẳm ngàn sao vô tận).

         Trong kẻ chiêm ngưỡng bị ấn tượng mạnh có khi đến mức “tắc tiếng” (sans voix) như vậy, vừa có cái sờ sợ, căng thẳng, vừa có sự tôn trọng, thán phục (admiration) vẻ uy nghi trầm hùng của cảnh sắc, lại vừa có cái “cảm giác” bất lực của thân phận nhỏ bé trước cái mênh mông vô hạn của vũ trụ, pha lẫn với trạng thái bị lôi cuốn bởi hấp lực mỹ cảm không gì cưỡng được của tạo vật.

         Nhưng đây không phải là là môt thể nghiệm mỹ cảm thường: trong lý thuyết Kant, cái “sublime”khác với cái đẹp ở chỗ nó vượt trên trí năng con người. Nó không dính dáng gì với đạo đức (Éthique), không liên can đến sự “cao cả”.

         Đã đành trong “sublime” có ý tôn trọng “ngán sợ” nhưng không phải là tôn trọng “nể sợ”, và nhất là hàm chứa một sự căng thẳng. Chính đặc trưng này khiến nó khác với ý niệm tôn trọng đạo đức (« Étant donné cette caractérisation par la seule tension, on voit combien le sublime est éloigné du sentiment absolument neutre qu’est le respect », JF Lyotard, sđd [24], t.190).

         « Sublime », tự nó, không có một kết quả đạo đức nào. Nó không thúc đẩy ta làm điều thiện hảo. Sự thỏa mãn tư tưởng trong cái « sublime » không phải là sự tôn trọng vì đạo lý : JF Lyotard cho đó « đúng hơn là một thứ tiếng dội lại của sự tôn trọng vào trong Mỹ giới, nghĩa là trong chiêm nghiệm giới, chứ không thuộc phạm vi thực hành » (« elle est plutôt une sorte d’écho du respect dans l’ordre esthétique, c’est-à-dire dans l’ordre de la contemplation, et non de la pratique » , JF Lyotard, sđd [24], t.218).

         Với một nội hàm quá đặc thù theo nghĩa của Kant [25] như vậy (nữ sĩ de Staël[1766-1817] - coi đó như cốt lõi tư tưởng của triết gia - đã dành ưu tiên diễn dịch lại cho độc giả tiếng Pháp[26]), khái niệm “sublime”đương nhiên sẽ không dễ gói ghém bằng từ vựng sẵn có trong tiếng Việt. Phải chăng, để diễn đạt vẻ trác tuyệt hàm chứa trong khái niệm, ta có thể tạm dùng từ “ kỳ vĩ ”(khá hợp với cảnh vật thiên nhiên) hoặc tạo ra một từ mới – tổng quát hơn (vì không chỉ có thiên nhiên là đối tượng)- như “ uy mỹ” chẳng hạn hay “cực mỹ”(khác với “tuyệt mỹ”)?

         Phạm Quỳnh đã dùng từ “hùng tráng”, nhưng thiết tưởng không mấy ổn và không đủ rộng để phù hợp với mọi tình huống.

         Như vậy, chỉ mới điểm qua một vài khái niệm liên quan đến cái đẹp, ta đã hình dung ngay được sự phức tạp của việc định nghĩa những đối tượng nghiên cứu trong lãnh vực này.Ngay chính cái tên dành cho khoa học về cái Đẹp cũng đã trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử Triết học:từ Mỹ học (Esthétique) chỉ mới được Baumgarten đặt ra từ năm 1735 (thoạt đầu bằng tiếng La tinh Aesthetica) ; có nghĩa là bộ môn này đã hoạt động trên thực tế từ mấy ngàn năm trước đó với những lý luận và «  nghệ thuật » (từ này cũng chưa có ở buổi đầu) Cổ đại, dưới « danh hiệu » Siêu Hình học.

         Đó là chưa nói đến nội dung : Mỹ học nhằm phê phán sở thích (« gu ») như ở thế kỷ 18 tại Pháp và Anh, hay chỉ là Lý thuyết về cái khả giác (sensible) như ý muốn nguyên thủy của Baumgarten ? Hay nó chính là Triết học về nghệ thuật như được hiểu ở thế kỷ 19 ? Mặt khác, đối với quan điểm hiện tượng luận thì Mỹ học là tư duy về hữu thể. Trong khi đó Triết học giải tích (philosophie analytique) sau này lại xem đó là ngành lý giải về những ý niệm thẩm mỹ…

         Vấn đề là sự phân định rõ ràng lịch sử, giới hạn, chức năng của ngành[27], theo đúng nội dung chính xác tên gọi của nó. Về mặt này, ta chỉ có thể chia sẻ nồng nhiệt điều mà Phan Huy Đường đã nêu lên rất chân thành và chí lý ở lời giới thiệu tư liệu nguồn[21]. Ít ra là ích cho mỗi người và tránh được hiện tượng lạm dụng từ ngữ, như trường hợp lẫn lộn Mỹ học với những phạm trù xa lạ khác mà đôi khi, tình cờ, ví dụ có thể rớt tới trên tay[28].

         Như vậy, cái Đẹp đã trình hiện dưới mọi sắc thái rất người, và chỉ cho con người. Có thể đó là Thiên sứ vi hành trong nhân loại, là tiếng đàn Bá Nha cho từng Tử Kỳ cá biệt trong mỗi chúng ta.

         Hai mươi lăm thế kỷ đã qua từ Socrate, Platon, là lịch sử của bao thăng trầm trên trái đất nhưng cũng là hành trình uy mỹ, choáng ngợp ánh sáng tư duy : có lo sợ, có thôi thúc, có chiêm nghiệm từ bên này bờ của Nghệ thuật ; và cũng có những Galilée luôn đứng thẳng để bảo vệ Chân lý, dù đó chỉ mới là chân lý của cái Đẹp khi ta chỉ đề cập từ góc độ này.

         Đi lại quá trình phát triển của cái Đẹp trong lịch sử cây sậy của Pascal trên hành tinh này, cũng là để nhận chân những sự thực muôn đời hữu ích về chiến thắng của nỗ lực tư duy đã diễn ra và, từ đó, hướng tới tương lai, đối mặt với những thách thức sáng tạo gay go nhất để vươn tới bờ bên kia của Mùa Xuân Hạnh phúc : xa hơn, mới hơn, mới mãi như đường chân trời nhân sinh kỳ diệu.

Chú thích

[1] Câu in nghiêng trích từ bài phú Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha (1036 - 1101); và “ mỹ nhân” ở đây không phải là giai nhân.

[2] Câu trong tiểu thuyết «L’idiot », từ nhân vật ông Hoàng Michkine.

[3] Pyramide des besoins de Maslow (Défauts et limites du modèle), Wikipedia.

[4] F. Herzberg et al., The Motivation to Work, 2nd ed. (New York: John Wiley & Sons, 1959).

[5] Alderfer, Clayton P., Existence, Relatedness, and Growth; Human Needs in Organizational Settings, New York: Free Press, 1972

[6] Maslow"s hierarchy of needs, Wikipedia.

[7] Maslow"s hierarchy of needs (1970"s adapted hierarchy of needs model, including cognitive and aesthetic needs)

[8] Văn Ngọc,  Hội hoạ thời tiền sử và chúng ta (Diễn Đàn, cập nhật 16/04/2007, truy cập từ Việt Nam tại đây)

[9] Nguyễn Quân, Ghi chú về nghệ thuật.

[10] Nguyễn Quân, Bản chất nghệ thuật.

[11] Kim Dung, Thiên Long Bát Bộ, Hồi 4.

[12] Những từ trong dấu ngoặc là để bổ túc, nếu được, giúp cho sự theo dõi của bạn đọc, vì lẽ từ bằng tiếng Việt được dùng có khi chưa được hoàn toàn chia sẻ, công nhận hoặc do chưa có từ tiếng Việt thật sự tương đương.

[13] Phương Triều, Một thiên tài thi ca: Hoàng Trúc Ly

[14] Đặng Tiến, « Hoàng trúc Ly- Nụ cười trong và đôi mắt sáng », trong Thơ chân dung và thi pháp, NXB Phụ nữ, 2009.

[15] Edmund Burke, A Philosophical Enquiry into the Origin of Our Ideas of the Sublime and Beautiful, 1757 (được dịch lần đâu tiên ra tiếng Pháp năm 1765, dưới tựa đề Recherche philosophique sur l"origine de nos idées du sublime et du beau)

[16] Nguyễn Đình Đăng, Nghệ thuật là gì?, 15/02/2006.

[17] Phạm Quỳnh, « Đẹp là gì? », Thượng Chi văn tập (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962).

[18] Hình như chưa có sự «  đồng thuận » về từ Việt tương đương : từ  « giác tính» khi được dùng để dịch «  entendement » có thể gây nhầm lẫn với « cảm năng » (sensibilité) chăng ?

[19] Có người dịch là « không quan tâm »: theo thiển ý, e là không hợp .

[20] Hoàng Ngọc Hiến, Ghi chép Mỹ học (trích từ  « Văn hóa văn minh - văn hóa chân lý - văn hóa dịch lý », NXB Đà Nẵng .

[21] Bùi Văn Nam Sơn, Đề cương tóm tắt  « Hành trình Mỹ học triết học từ Platon đến Adorno ».

[22] Pseudo - Longin, trên Wikipedia

[23] Một trong những bài viết có thể cho một ý niệm chung là của Jean BESSIÈRE: Le Sublime Aujourd’hui.

[24] Đặc biệt trong «Leçons sur l’Analytique du sublime », Galilée,1991.

[25] Immanuel Kant, CRITIQUE OF AESTHETIC JUDGEMENT, Analytic of the Sublime, (translated by James Creed Meredith), bản điện tử tại đây.

[26] Mme de Staël, De l"Allemagne, in Œuvres complètes, Paris, Firmin Didot, 1871, bản điện tử tại đây.

[27] Carole Talon-Hugon, L’Esthétique, Que sais-je, PUF 2004.

[28] Nguyễn Trúc Uyên, Quan Điểm Mỹ Học của Lão Trang.

Bùi Đức Hào
Theo http://caycanhthanglong.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts