Thursday, August 30, 2012

TRIẾT VIỆT TÂM AN TRONG BÀI ĐỒNG DAO THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO

Đọc thêm: Bờm có thật "Bờm" không?         
                  THẰNG BỜM VÀ ĐẠO VIỆT 
Trong bài viết “ Những Dấu Chỉ Của Thi Ca Triết Việt” chúng tôi đã bàn về bài đồng dao Thằng Bờm Có Cái Quạt Mo một cách khái quát, với ba tính chất của An Vi là : Phú ông không Không cưỡng hành, thằng Bờm Không lợi hành, mà cả hai Phú ông và thằng Bờm đều An Hành. Đặc biệt vai trò thằng Bờm ở đây được chú trọng hơn để đề cao Tâm Thức Hồn Nhiên như trẻ thơ, vì thường suy tư một con người sau khi trải qua những giai đoạn trưởng thành của lý trí - tất nhiên của quá trình phát triển - lại có khuynh hướng tìm đến các giá trị khác như Tình, như Tâm, tức là sự xả bỏ các nhãn quan thực dụng mà trước kia lý trí tôn thờ.
Giai đoạn này của tâm thức thường xẩy ra vào lứa tuổi trên dưới 50. Tuổi của tâm thức hướng về các giá trị nội tâm, tuổi của tiếng gọi siêu linh, tuổi của tâm linh nghe được lời mời gọi của Tính Thể Huyền Nhiệm .
Nếu số 2 có thể tuợng trưng cho tuổi 20 vừa lớn, giai đoạn của Lý trí phát triển, nhìn mọi sự vật tách bạch, phân minh , rành rẽ. Số 3 là giai đoạn bắt đầu tuổi 30 với những trầm tư hơn, một vài suy tư chợt đến, những bến đỗ tâm linh bắt đầu những dấu chỉ để tâm thức truy tầm, thì số 5 quả thật là một tổng hợp, tổng hoà của hai giai đoạn Lý trí và Nội Tâm cùng song hành luỡng nghi hoà hợp mà chúng ta có thể gọi là chiều kích Tâm Linh triển nở trong tâm hồn. Con người cá nhân bé nhỏ cô đơn lơ lửng giữa chợ đời kia có phút hốt nhiên bừng tỉnh giác ngộ ánh sáng của chân trời Tính Thể phiêu bồng của vũ trụ bao la trong đáy lòng, rồi nghêu ngao ca hát giữa vầng hào quang hòa nhập cùng đại ngã mênh mang khiến tâm ta cũng là Tâm vũ trụ mà tâm vũ trụ cũng là tâm ta…
Trên chiều hướng của suy niệm này, bài đồng dao “ Thằng Bờm có Cái Quạt Mo” cũng đuợc phát hiện tín hiệu ấy.
Chúng ta thử đọc lại bài :
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm Cười!
Chúng ta hãy thử nghĩ nếu bài ca dao trên chỉ có hai câu vỏn vẹn:
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm Cười!
Thì bài đồng dao sẽ ra sao?
Chẳng có gì đáng nói.
Và cái nụ cười của thằng Bờm chắc chắn cũng không giải thích đuợc gì hơn cho bài và chúng ta cũng không có gì để chia sẻ với thằng Bờm như toàn thể dân tộc trong suốt bao ngàn năm vẫn ấp ủ âu yếm truyền cho nhau cái NỤ CƯỜI thanh tịnh này, mà chúng tôi tạm gọi là Nụ Cười Hạnh Phúc An Vi .
Như thế, bắt buộc phải có cái đoạn 8 câu của Phú ông ở giữa để làm ý nghiã cho nụ cười của thằng Bờm. Hay nói cách khác, ăn NẮM XÔI giản dị, tầm thường , mà lại có được NỤ CƯỜI thì phải trải qua quá trình tưởng tượng của 8 câu kia: nào là ba bò, chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi. Do đó các thí dụ trao đổi trên chỉ là phương tiện để dẫn đưa Bờm có được nụ cười với nắm xôi, hay cảm nhận Chân Không Diệu Hữu của cuộc đời.
Đời sống tầm thường , bình dị, giản đơn như là cái quạt mo , là nắm xôi . Minh Triết là làm sao thổi vào cái tầm thường, tẻ nhạt, nghèo khó ấy một HẠNH PHÚC, tượng trưng bằng NỤ CƯỜI. Nhưng làm sao thổi được vào cái tẻ nhạt của đời sống nguồn sinh khí, sức đam mê, niềm an lạc. Làm sao tiếp nhận nắm xôi với một nụ cười!

Ta thấy Nho giáo lấy nền trên chữ NHÂN, Phật chủ ờ lòng TỪ, Chúa quan hệ ở chữ ÁI.
Có nghiã là cả ba đều lập cước trên TÌNH YÊU THƯƠNG, mà tiếp cận với tâm thức con người, tất cả cùng đưa đến một sự chấp nhận NẮM XÔI với một NỤ CƯỜI.
Tại sao chúng ta thường không có đuợc nụ cười của Thằng Bờm khi ăn nắm xôi đời?
Chúng ta có một thao thức về cõi tuyệt đối. vô cùng trong từng phạm vi nhỏ bé. Chúng ta không mấy khi bằng lòng với những hoàn cảnh đang có. Thao thức, ước mơ về những gì tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn, tuyệt đối hơn khiến chúng ta luôn dằn vặt, khổ đau. Đó là BẢN CHẤT SIÊU VIỆT. Chúng ta dù một người dễ dãi nhất củng có lúc đòi hỏi, mong muốn hơn những gì mình có.
Thằng Bờm có cái quạt mo, là mỗi chúng ta có cái quạt mo của riêng mình. Làm sao từ cái điều kiện riêng biệt của cá nhân, hoàn cảnh nào chăng nữa, con người cũng phải đạt được niềm an vui, tự tại, hoà lạc , tức là tìm đuợc hạnh phúc giữa lòng đời đa đoan.
Thằng Bờm chỉ có ý nghiã đáng cười khi trải qua bao thử thách, mà phú ông chính là hoàn cảnh, nghịch cảnh, với những ước vọng khôn cùng.Phú ông đã đến mang cho Bờm tiếng gọi siêu linh. Đời vô nghĩạ nếu chỉ một thực tại nhân sinh trần trụi miếng cơm, manh áo. Tình cũng không có gì đẹp nếu chỉ thuấn là sự trao đổi phái tính của thiên nhiên .
Đời thuần lý trí, thiển cận, với các nhu cầu bảo sinh và truyền sinh là đời duy vật, thì nó lạnh lùng, sắt máu, khổ đau làm sao. Tránh cho con người lệch sang một khiá cạnh nặng nề vật bản đó, các vĩ nhân, hiền nhân, thánh triết lao công khổ trí xây đắp cho chúng ta những vũ trụ quan, nhân sinh quan hướng thượng. Các ngài gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng vượt qua tất cả những giới hạn của âm thanh, ngôn ngữ, hình danh sắc tướng, các ngài chỉ dùng duy nhất một CHIẾC THUYỀN YÊU THƯƠNG để con người khỏi đắm tầu trên hành trình cõi người với con thuyền độc mộc - tỵ nạn.
Như bài đồng dao Thằng Bờm, thật nhạt thách, vô duyên, vô vị, nếu chỉ mở đầu và kết thúc với hai câu:
“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm Cười”.
Cuộc sống con người nơi trần gian này, khác gì loài cây cỏ, động vật khác, nếu chỉ lo bảo sinh và truyền sinh?
Thằng Bờm có cái quạt Mo được viết ra để tô đậm cái nét NHÂN SINH của con người .
Sống với một Ý NGHIÃ nào đó, cuộc sống con người mới khác biệt và linh thiêng hơn muôn loài.
Chúng ta là thằng bờm, chỉ có cái quạt mo, chỉ xứng đáng đổi nắm xôi ,mà không có phù ông xin đổi này nọ kia, thì có lẽ không thể cười thanh bình an nhiên tự tại được. Phú ông không gạt con nít, nhưng phú ông vì muốn nó chấp nhận nắm xôi với nụ cười nên phải nói chuyện đổi chác xa vời. Đang đói thì có nắm xôi, như sống trên đời, lo giải quyết các việc của cuộc đời, không thể ôm đồm các chuyện không phải của mình. Thật là vô lý khi có cái quạt mà đòi những ba bò, chín trâu…Người có việc của Người, cũng như đất có việc của đất, trời có việc của trời. Nhưng Người không cô lập với đất trời, mà là tương giao trong trời đất để làm nên Tính Thể hai chiều của mình.
Sau khi đã giác ngộ phải có đoạn giữa làm Ý Nghiã cho câu chót để Cười Với Nắm Xôi, con người mới biết hướng về siêu linh để sống trong hữu hạn mà vẫn có cái vô hạn, như hình Vuông được bao bọc bởi hình Tròn, đó là một phù hiệu của Minh Triết Việt. Cũng tương tự như các phù hiệu Thái Cực bao bọc âm dương, Chữ Vạn có hai đường tán tụ, Thập Tự có hai chiều.dọc ngang.
Nếu ta không nắm lấy một trong những Ý Nghĩa đó, đời mất đạo, đâu còn nụ cười hạnh phúc An Vi của thằng Bờm, vì mất chất SIÊU LINH, nguồn mạch của mọi ý nghiã và cũng là niềm Bình An và Chân Hạnh Phúc, con người sẽ sống trong một thế giới đổ nát, hoang tàn.
Do đó, thằng Bờm Có Cái Quạt Mo là một dấu chỉ sáng rỡ của Minh Triết Việt. Đồng nghiã diễn giải huyền nhiệm của từ Việt là Vượt Lên, Vượt Qua…

Đông Lan
Đọc thêm: Bờm có thật "Bờm" không?         
                  THẰNG BỜM VÀ ĐẠO VIỆT 
Nguồn: dunglac.org

No comments:

Post a Comment

Popular Posts